Phức tạp vi phạm pháp luật về đê điều: Khó xử lý vì chờ… đủ thứ

Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa mưa lũ, câu chuyện vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ lại trở nên 'nóng' hơn. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, việc xử lý dường như đang là câu chuyện nan giải với chính quyền địa phương bởi có những vi phạm kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa thể có phương án xử lý dứt điểm. Đơn cử như trên địa bàn TP Hà Nội, quản lý hơn 600 km đê điều theo phân cấp, theo báo cáo, số lượng vi phạm được xử lý mỗi năm không ít. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều vi phạm mới phát sinh, diễn biến phức tạp. Trong đó, cũng có những vi phạm với quy mô lớn nhiều năm qua vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Vi phạm kéo dài

Dự án Vườn du lịch sinh thái Hoa Bay (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vì phải chờ kết luận thanh tra.

Dự án Vườn du lịch sinh thái Hoa Bay (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vì phải chờ kết luận thanh tra.

Một trong những vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều đã từng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 5/2023 là vụ Vườn sinh thái Hoa Bay (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) nằm trong quy hoạch thoát lũ sông Đáy. Tại thời điểm đó, thường trực HĐND TP Hà Nội đã yêu cầu thanh tra dự án này. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, vụ việc của Vườn sinh thái Hoa Bay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Thực tế tại dự án này hiện nay, theo quan sát của PV, những vi phạm bên ngoài dự án đã được chủ đầu tư tháo dỡ. Tuy vậy, phần diện tích bên trong dự án lên tới hàng ngàn mét vuông vẫn đang hoạt động kinh doanh như thường lệ. Hình ảnh tréo ngoe đập vào mắt là một biển báo "Khu vực quy hoạch thoát lũ sông Đáy" được dựng ngay cổng ra vào vườn du lịch sinh thái. Từ cổng đi vào là lối đi dài, hai bên được trang trí bằng tre nứa.

Bên trong dự án, hàng loạt các công trình được xây dựng với đầy đủ nhà hàng, bể bơi, khu phòng nghỉ vẫn đang hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, phần diện tích nhà hàng, bể bơi, hệ thống phòng nghỉ khá kiên cố với hệ thống xà gồ thép, sàn đổ bê tông mái tôn được xây dựng nằm ngay sát mép bờ sông.

Tại phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 5/2023, ông Nguyễn Đình Sơn khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ (nay là Chủ tịch huyện Phúc Thọ) nói rằng, dự án được phê duyệt là trồng hoa cây cảnh khu đất Tân Bồi xã Hiệp Thuận với diện tích 9.400m2.

Trước đây, toàn bộ diện tích khu vực này ngập úng, khó canh tác nên UBND xã kêu gọi đầu tư. Sau đó, Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hoa Bay đã lập dự án và được UBND huyện phê duyệt. Dự án có diện tích 9.400m2, do Công ty Hoa Bay trực tiếp quản lý, triển khai trồng hoa, cây cảnh. Diện tích đất trên được chính quyền địa phương cho thuê thầu 50 năm, từ năm 2009 đến 2059.

Trong quá trình thực hiện dự án trồng hoa, chủ đầu tư đã thỏa thuận thuê đất của các hộ dân bỏ hoang bên cạnh để mở rộng diện tích trồng hoa. Đồng thời tự kè bờ kênh tránh sạt lở, đặt các tấm đan trên tuyến mương tiêu để trang trí cảnh quan dự án và vẫn đảm bảo công tác tiêu úng của tuyến mương. Vì vậy, toàn bộ diện tích khu đất mà công ty đang triển khai thực hiện dự án tăng lên là 27.400m2 bao gồm: 9.400 m2 đất trong dự án, 14.500m2 đất quỹ 1 thuê của các hộ dân và đất thủy lợi, sông suối chuyên dùng khoảng 3.500m2.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu trả lời rõ ràng: "Chúng tôi muốn đồng chí trả lời là đúng hay sai việc mở rộng thêm đó, thái độ của địa phương trong việc quản lý đất đai như vậy đảm bảo chưa. Có sự lơ là, tiếp tay cho chủ đầu tư sử dụng đất không đúng mục đích không? Chúng tôi đề nghị chuyển dự án này về UBND TP tổ chức thực hiện thanh tra. Khi thực hiện thanh tra dự án này, đề nghị UBND TP sẽ mời đại diện của Thường trực HĐND tham dự đoàn".

Một công trình với quy mô lớn khác vi phạm các quy định về đê điều tồn tại nhiều năm đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm nữa là Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức tại khu vực bãi sông Hồng (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Thực tế tại thời điểm này, Trạm trộn bê tông không còn hoạt động. Các silo làm bể chứa xi măng thương phẩm đã được chủ đầu tư tháo dỡ. Tuy vậy, hệ thống khung kết cấu thép vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Trên phần diện tích sân bãi, hàng chục chiếc xe chở bê tông vẫn đang được xếp hàng ngay ngắn.

Ngay cổng vào trạm trộn này, UBND phường Lĩnh Nam cũng đã dựng một tấm biển thông báo đây là công trình vi phạm trật tự xây dựng đang tổ chức xử lý theo văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội từ ngày 14/2/2022. Yêu cầu công ty chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm và di dời vật dụng ra khỏi khu đất theo quy định.

Theo thực tế của PV, ở khu vực bãi sông này, không chỉ có Trạm trộn bê tông của Công ty Sông Đà - Việt Đức mà còn có hàng loạt các công trình nhà xưởng, bãi xe khác cũng đang hoạt động. Xe cộ lớn nhỏ ra vào khá tấp nập, khiến đường sá bụi bay mù mịt. Đây cũng là một trong những "điểm nóng" về vi phạm pháp luật đê điều của Hà Nội trong suốt thời gian dài vừa qua.

Phải chờ kết luận thanh tra, quy hoạch

Những vi phạm kéo dài nhiều năm, tại sao vẫn chưa xử lý được triệt để là câu hỏi được đặt ra. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ vấn đề thì những vướng mắc, trình tự, thủ tục thực sự cũng đang làm khó chính quyền các địa phương. Chẳng hạn như trường hợp vi phạm của dự án Vườn sinh thái Hoa Bay.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm cho biết, nguyên nhân khiến sự việc này chưa được giải quyết dứt điểm là do chính quyền địa phương vẫn đang phải chờ kết luận thanh tra của thành phố. Phải chờ kết luận thanh tra xem cái gì được để lại, cái gì phải dỡ bỏ. Chưa có kết luận thanh tra nên chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Hiệp Thuận chưa có căn cứ để xử lý triệt để.

"Trước khi có đoàn thanh tra về thì chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ những phần bên ngoài dự án, nhưng cũng phải nói thật là cũng chưa tháo dỡ được triệt để hoàn toàn. Còn phía trong dự án, chủ đầu tư được cấp phép nên không thể yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần trong đó. Chủ đầu tư cũng có đơn kiến nghị, những công trình không ảnh hưởng đến dòng chảy xin để lại. Tuy nhiên, phải chờ kết luận thanh traxem có phải tháo dỡ hay không thì mới xử lý được", Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm cho biết.

Ông Tâm cho biết thêm, từ thời điểm HĐND TP Hà Nội họp tháng 5/2023, và Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội yêu cầu thanh tra thì đến nay cũng đã gần 1 năm nhưng kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, những vi phạm tại bãi sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai để xử lý triệt để chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn bởi phải chờ quy hoạch. Trao đổi với PV, ông Trần Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam cho biết, các vi phạm ở đây là lịch sử để lại, đã tồn tại hàng chục năm nay.

Đơn cử như Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức được xây dựng trên đất nông nghiệp giao cho người dân từ cách đây khoảng 20 năm. Thời điểm đó chưa thành lập quận, khi ấy là xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì. Luật Đất đai khi đó còn chưa hoàn chỉnh, công tác quản lý đất đai còn chưa sâu sát như bây giờ.

"Đối với trường hợp trạm trộn bê tông của Công ty Sông Đà - Việt Đức, sau khi chính quyền tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cuối năm 2023 chủ đầu tư đã tháo dỡ hết các silo, trạm trộn. Việc chưa trả lại được mặt bằng là vì còn một số xe bồn, phía công ty chưa có nơi tập kết, UBND phường đang vận động, người ta có nơi mới sẽ chuyển đi", ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, với hàng loạt nhà xưởng, kho bãi khác ở khu vực này, câu chuyện xử lý sẽ chưa thể xử lý dứt điểm được. Nguyên nhân được ông Cường cho biết, các nhà xưởng, kho bãi dọc đó đều đã có trong kết luận thanh tra của thành phố từ những năm 2011, 2012. Trong các kết luận đó đều yêu cầu, các đơn vị phải đi làm thủ tục thuê đất. Đồng thời trong các kết luận thanh tra cũng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã quản lý giữ nguyên hiện trạng, không để phát sinh những công trình vi phạm mới. "Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có đơn vị nào được thành phố ký cho thuê đất cả. Để giải quyết vấn đề này theo các kết luận thanh tra cũng cho biết phải chờ quy hoạch mới có phương án xử lý. Chính vì thế cả quận Hoàng Mai và phường Lĩnh Nam cũng đang phải chờ quy hoạch", ông Cường giải thích.

Với những lý do như phải chờ các kết luận thanh tra, chờ quy hoạch thì chắc chắn câu chuyện để sớm xử lý triệt để các vi phạm là rất khó. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), tình trạng vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai vẫn xảy ra với tính chất đa dạng, phức tạp hơn gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đơn cử như năm 2023, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 59 vụ vi phạm Luật Đê điều. Tuy vậy số vụ vi phạm phát sinh năm 2023 còn tồn đọng vẫn lên đến 51 vụ. Các Hạt quản lý đê đã được đôn đốc tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm, kịp thời lập biên bản, gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn thấp.

Ngọc Yến - Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/phuc-tap-vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-kho-xu-ly-vi-cho-du-thu-i732746/