Phúc thẩm (lần 4) vụ một học sinh bị đánh chết sau khi rời công an xã: Y án sơ thẩm

Sau gần 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 25-6, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Tấn Khỏe...

Sau gần 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 25-6, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo (BC) Lê Tấn Khỏe (sinh năm 1999, trú Vạn Long, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Như vậy, BC Khỏe vẫn chấp hành 2 năm 8 tháng 7 ngày tù về tội cố ý gây thương tích với yếu tố định khung là hậu quả chết người, bằng thời gian tạm giam.

Khỏe là BC liên quan trong vụ án học sinh Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, trú Vạn Thọ, Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị đánh, dẫn tới tử vong sau khi rời Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Báo Khánh Hòa đã đưa tin). Theo đó, do có mâu thuẫn từ hôm trước nên ngày 29-12-2013, Khỏe đuổi theo, ném vỏ chai trúng sau đầu em Thạch. Biết tin, Lê Minh Phát (sinh năm 1990, nguyên công an viên xã Vạn Long, Vạn Ninh, Khánh Hòa) không báo cáo cấp trên, đã đi tìm, còng tay, đánh Thạch nhiều lần và tạm giữ Thạch. Vụ án đã trải qua 3 lần xét xử phúc thẩm và đều bị tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa lần này, BC Khỏe không thừa nhận hành vi của mình cũng gây ra cái chết cho em Thạch và giữ quyền im lặng. Luật sư bào chữa cho BC Khỏe thừa nhận, Khỏe có đuổi theo, ném vỏ chai trúng sau đầu em Thạch, tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm rõ được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Khỏe và thương tích của em Thạch, không xác định được việc Khỏe ném chai nước gây ra hậu quả thương tích cụ thể thế nào, có đủ để BC Khỏe chịu trách nhiệm hình sự hay không và đề nghị trưng cầu cơ quan giám định trung ương, đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.

Hội đồng xét xử nhận định, các tài liệu trong hồ sơ, lời khai các nhân chứng đều thể hiện BC Khỏe đã đuổi, ném vỏ chai nước khoáng trúng đầu, gây thương tích cho em Thạch. Tại phiên tòa, giám định viên cũng đã giải thích một số thuật ngữ y khoa để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến kết luận giám định. Hồ sơ giám định do các cơ quan chuyên môn thực hiện. Giám định viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình. Các tổn thương là nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não cho em Thạch đã được liệt kê trong biên bản giám định tử thi và kết luận giám định pháp y tử thi đều thể hiện: em Thạch chết vì chấn thương sọ não do vật tày tác động tương hỗ vào vùng đầu. Giám định viên đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Vì vậy, tòa có căn cứ khẳng định, vết thương vùng chẩm của em Thạch do BC Khỏe ném chai nước trúng đầu gây ra. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với BC Khỏe và tuyên bản án có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết phát sinh mới nên bác kháng cáo.

Giám định viên giải thích một số thuật ngữ y khoa liên quan đến kết luận giám định.

Giám định viên giải thích một số thuật ngữ y khoa liên quan đến kết luận giám định.

Được biết, trong vụ án này, BC Lê Minh Phát (sinh năm 1990, nguyên công an viên xã Vạn Long, Vạn Ninh) đã bị tuyên phạt 7 năm 3 tháng tù về tội cố ý gây thương tích; tổng hợp với án 1 năm tù về tội bắt người trái pháp luật đã có hiệu lực, buộc chấp hành 8 năm 3 tháng tù. Bị cáo không kháng cáo; viện kiểm sát không kháng nghị.

N.V

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/201906/phuc-tham-lan-4-vu-mot-hoc-sinh-bi-danh-chet-sau-khi-roi-cong-an-xa-y-an-so-tham-8119902/