Phục thiện

Bửu được tha tù. Ngày gã bước ra khỏi cánh cổng trại giam, thời tiết không quá lạnh, bầu trời tự do hiển hiện trước tầm nhìn nhưng không hiểu sao gã lại như con chim chùn cánh, e sợ vượt qua những tầng mây? Cơ thể tưởng chừng có xiềng xích, nặng trĩu. Đầu óc trống rỗng. Bỗng dưng... gã thấy mất phương hướng, nhắm tịt hai mắt. Lòng trập trùng xen lẫn run rẩy khó nói nên lời.

Lâu lắm rồi gã mới lại được hít thở mùi xã hội, xăng xe khói bụi, thậm chí cả mùi rác. Gã ngơ ngác, xách túi đồ cá nhân nhẹ tênh. Sợi nắng yếu ớt đậu lên chiếc mũ cũ kỹ che đậy mái tóc muối tiêu xơ xác. Vóc dáng Bửu cao kều lọt trong bộ quần áo gió lùng thùng. Gã chẳng đến nỗi già cỗi, nhưng bẩm sinh gã có mảng bớt quái gở như hoa văn vẽ hỏng bấu chặt trên gò má trái kéo xuống phần cổ, rồi gã xăm lên đó con đại bàng nghiêng cánh rẽ mây nhằm che phủ vẻ kỳ dị của diện mạo, trông lại càng dữ tợn. Dù bây giờ, tâm lý cũng như sức khỏe của gã rất khá, không u ám nữa. “Gần hai mươi năm... Gần hai mươi năm...”. Gã lẩm nhẩm. Về với xã hội rồi, hoàn lương rồi, nhưng... ai sẽ chào đón gã?

"Tôi mong anh vực dậy tinh thần để làm người, đừng cho rằng đó là cải tạo, mà đó là vì chính anh. Người tự bỏ rơi mình thì không có tư cách oán giận kẻ khác đối xử tệ với mình đâu". Câu nói của cán bộ Lục từ mười mấy năm trước bỗng văng vẳng bên tai. Gã vô thức hẫng bước, đưa con ngươi đùng đục nhìn xung quanh. Trong khoảnh khắc, gã ngỡ vị cán bộ hơn mình gần hai giáp đang đứng phía đối diện tươi cười gật đầu. Nhiều năm trước, “thầy” là người đầu tiên trong trại chìa tay ra với gã trước vực thẳm, kiên nhẫn từng chút chỉ dạy gã cách quay đầu.

Tiếng xe cộ và dòng người qua lại vội vã. Cận Tết, họ đuổi theo mùa xuân. Nhưng riêng với gã, chẳng dám có tâm trạng vui sướng, thậm chí còn muốn trốn tránh, co rút. Mọi thứ đã quá khác so với ký ức khi gã còn "bố đời" ngoài xã hội. Bỡ ngỡ, bước chân thôi thúc muốn hòa vào dòng người kia, nhích vài bước lại đứng lặng.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

"Bíp... bíp... bíp". Còi xe inh ỏi làm gã hoàn hồn, lùi vội mấy bước.

- Mẹ kiếp! Đứng gọn vào. Muốn chết hả? - Tài xế là thanh niên trẻ hạ thấp cửa kính xe ô tô con, ngó đầu ra ném một câu vào gã rồi vọt qua.

Bóng lưng đơn độc của gã quay về phía trại giam - nơi thu phục "con thú hoang dã" trong gã. Gã níu lấy sợi dây khoan hồng, chới với về phía có ánh sáng. Không hề dễ. Những tháng ngày mới vào tù, gã âm ỉ thái độ hằn thù xã hội, căm ghét "lũ người", nhìn gì cũng thấy chướng mắt, chẳng mảy may có ý nghĩ làm lại cuộc đời. Làm đếch gì có tương lai với một kẻ như gã cơ chứ! Gã phủ nhận hy vọng, rồi cùn. Nhưng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào… chỉ vì cái bánh chưng với vài chiếc kẹo được gọi là quà của cán bộ Lục chia cho khi gã đang bị giam trong buồng kỷ luật mà gã muốn cay sè con mắt. Trước đó, cán bộ Lục nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và tâm lý của gã, nhẫn nại lấy thiện triệt ác.

- Tết đến nơi rồi mà. Mở lòng với nhau thôi!

Ngày đó, đấy là thứ xa xỉ với gã. Mở lòng ư? Tốt đẹp ư? Bánh kẹo ư? Tuổi thơ của gã làm gì có thứ đấy! Nếu có chiếc kẹo hay cái bánh ngày Tết cũng đều là tủi nhục mà nhét vào miệng thôi. Huống chi, năm gã vào trại đã là thanh niên trưởng thành rồi, bánh kẹo làm cái quái gì nữa!?

Trong buồng kỷ luật vốn cũng có một phạm nhân khác bị giam chung, nhưng hắn đã chấp hành xong thời hạn mười ngày. Còn lại mình gã. Trước đấy, gã gây rối, làm bị thương bạn tù đúng vào dịp người ta đang tưng bừng ngóng Tết. Gã lẻ loi cùng chiếc bóng đen ngòm in trên bức tường tĩnh mịch, một chân bị cùm cũng như chết lặng, cặp mắt đỏ ngầu chất đầy sự bài xích với mọi thứ. Chẳng phục cái đếch gì trong cuộc đời này, đã nếm trải quá nhiều bất công, kỳ thị rồi. Một kẻ bị ruồng bỏ phải đội cái lốt hôi tanh mà quẫy đạp dưới đáy xã hội, dị hợm xấu xí, chịu bạc đãi từ nhỏ trong cái "nhà" mà gã được duy nhất một người là bà nội cứu vớt. Bà bảo: "Cái xấu xí đáng sợ nhất không ở trên mặt người, mà ở lòng người, con ạ! Ai đay nghiến gì con nghe tai này bỏ tai kia, đừng tự căm ghét mình!". Khi xưa, Tết nào bà cũng chia kẹo cho gã như thế và cười hiền lành xen lẫn tia thương xót giấu sâu trong đáy mắt.

Gã tần ngần nhìn phần "quà" được người cán bộ đáng tuổi cha chú đặt vào tay, chợt thấy như bỏng rát da thịt chỗ tiếp xúc với "quà", toan hất xuống. Thầy Lục khẽ lắc đầu, tủm tỉm hỏi một câu hài hước:

- Sao? To đầu rồi thì không ăn kẹo nữa?

Gã câm họng. Lẳng lặng cúi đầu tránh né ánh mắt của thầy - một đôi mắt cương nghị mà vẫn chứa đựng sự điềm đạm xen lẫn thứ cảm xúc gọi là "bao dung" mà gã thấy lạ lẫm.

- Năm mới sắp đến, hãy mạnh khỏe, sáng sủa nhé! Cố gắng suy nghĩ tích cực, đấy mới là con đường công bằng cho chính mình - Thầy Lục vỗ nhẹ vai gã, khích lệ.

Suýt chút nữa gã theo bản năng mà chồm lên phản ứng. Song, tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực ngay khi được nhận lời chúc đã kịp thời kéo phần "con" xấu xí như quỷ trong gã xuống. Đây là người khiến gã nghĩ tới bà nội. Cho tới khi bước chân cán bộ Lục đã xa khỏi buồng kỷ luật, gã vẫn chưa rời mắt khỏi "món quà" của thầy, vẻ mặt càng lúc càng thất thần. Gã co vai, cuộn chặt mình như cố giữ lấy thứ gì đó vừa chợt làm lòng gã cảm thụ được chút hơi ấm….

*

Gã sinh ra đã chẳng được chào đón. Vì đẻ gã, mụ Quế suýt chết lúc vượt cạn, thế mà khi gã lọt lòng lại có mảng bớt gần như nuốt chửng nửa mặt với phần cổ bên trái, đến cả bàn chân cũng thừa ngón. Trong xóm, có những thành phần ác khẩu, chê cười sau lưng bố mẹ gã, bảo họ sinh ra quỷ. Chẳng biết xuất phát từ ai nói lời mê tín, dần dà câu cửa miệng mỗi lần nhắc tới gã đều là "thằng đó là con của người âm đầu thai". Vợ chồng mụ Quế không âu yếm nổi đứa trẻ ấy, họ bị tẩy não, lạnh lòng đối với Bửu, đánh đập, xỉ vả nó quái thai, muốn bỏ rơi nó. Nếu không có bà nội can thiệp, chắc có lẽ gã đã trở thành bộ xương cốt nhi đồng ở xó xỉnh nào đấy rồi. Biết mình bị hắt hủi, càng lớn tính tình gã càng dễ nóng nảy, sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" những kẻ gây hấn.

Gã có hai đứa em. Thằng Giảo, kém gã hai tuổi, không giấu vẻ lạnh nhạt và xấu hổ vì Bửu, nghe người ta chỉ trỏ gã là "ma quỷ đầu thai" mà chẳng màng bênh vực anh trai. Chính nó cũng sinh ra cảm xúc tiêu cực với Bửu. Còn cái Thảo, mặc dù bị bố mẹ kéo xa khỏi gã, nhưng nó là đứa được bà nội chăm từ nhỏ nên biết nghe bà chỉ bảo, khá thương anh cả, nhiều khi có đồ ngon còn lén giấu mang cho gã. Bố mẹ biết toàn phạt, không để nó quấn quýt bà nữa. Bà nội tội nghiệp cháu, trách cứ vợ chồng mụ Quế, toan gọi cả họ hàng đến họp gia đình mới khiến bố mẹ gã hoảng, thu bớt sự cay nghiệt lại, "bằng mặt không bằng lòng" với gã nhưng ít ra tình hình cũng dễ thở hơn một chút.

Năm Bửu mười bốn tuổi, gã cùng bố và vài người trong làng đi khai thác rừng trái phép, gặp sạt lở. Mấy người lớn bị đất đá vây kín, thương tích nặng. Bửu nhỏ thó, nhanh nhẹn chạy trốn nên chỉ chấn thương phần mềm. Thế mà sau lần đó, lời đồn gã là "đứa trẻ tai tinh" bỗng chốc bùng lên. Thân nhân người bị nạn phẫn nộ, xua đuổi đến nỗi ngay cả cái bóng của gã mà họ cũng chẳng dung tha, lời ra tiếng vào, nước bọt vãi đầy đất.

Trùng hợp là thằng Giảo ngay dịp đó tự dưng trượt chân ngã xuống ao, gã lại ở ngay bên cạnh đang cất vó. Tuy gã đưa thằng Giảo vào bờ ngay, nhưng đêm nó sốt cao, liên tục mê sảng. Hôm sau, một bà đồng bóng trong làng xúi giục mụ Quế đưa gã đến chỗ ông thầy Sùng nổi danh trừ tà ở huyện để phong ấn ác quỷ. Nghe đâu lão này cao tay, đắc đạo ghê gớm. Mụ Quế răm rắp nghe, cùng người phụ nữ đồng bóng kia cưỡng chế Bửu đi làm phép.

Đó là ngày kinh hoàng, để lại bóng ma tâm lý khủng khiếp ăn mòn cả phần "người" trong gã. Mẹ của gã “cúng” một xấp tiền, phó mặc đứa trẻ cho thầy pháp, nghe lời thầy mà về nhà trước, ba ngày sau sẽ quay lại. Sau đó, lão Sùng trói gã vào cột cái trong căn phòng gỗ tối thùi lùi chỉ le lói ánh nến với nhang khói nghi ngút.

Bị trói cùng Bửu còn có đứa trẻ khác, chẳng rõ trai hay gái, miệng bị nhét giẻ, chỉ ư ử tiếng rên bất lực trong họng. Hai đồ đệ của lão Sùng không rõ diện mạo, chúng vẽ mặt âm dương, cầm chùm chuông đồng lắc dồn dập, âm thanh như đến từ địa ngục bò vào tai gã. Xung quanh là đầu trâu mặt ngựa, hình nhân, nam quỷ, nữ quỷ bằng giấy quây lấy "con mồi". Những cặp mắt lô lố vô hồn chòng chọc găm vào Bửu, những cái lưỡi đỏ lòm tua tủa thè ra móc lấy hồn vía gã, lá bùa vàng khè được ông thầy pháp dùng máu của gã để vẽ chữ loằng ngoằng như rắn rết rồi đốt lên hòa với thứ nước thánh gì đó ép gã há miệng, giật đầu gã ngửa lên mà đổ thẳng vào.

Cuối cùng, chẳng biết lão ta làm thêm cái phép gì khiến gã mê man bất tỉnh... Đến khi mở mắt, gã trần trụi nằm co trên mặt đất nhầy nhụa, toàn thân đau nhức như vừa qua trận cực hình không tên, da thịt từng mảng tím bầm. Gã nặng nề hít thở. Đứa trẻ bị trói chung với gã nằm gục một chỗ. Bửu tỉnh, lão lại tận tâm nhốt quỷ. Gã sốt hầm hập, chẳng nhớ được gì ngoài việc nghe tiếng chuông, uống bùa chú, gặp ma quỷ và nỗi sợ hãi ghim trong từng lỗ chân lông...

"Được" trừ tà, gã không còn phản kháng, cãi lộn, phá bĩnh ai, cứ lầm lũi, ngoan một cách khó hiểu. Nhưng, gã vẫn bị ghét cay ghét đắng. Bà nội chứng kiến đứa cháu thiệt thòi của mình như cái xác rỗng di động, không "một điều nhịn chín điều lành" với vợ chồng mụ Quế được nữa:

- Tôi dẫn thằng Bửu về nhà cũ ở cho khuất mắt. Anh chị muốn làm mưa làm gió gì ở nhà anh chị, tôi mặc kệ.

- Kìa mẹ! Mẹ làm thế này để người ta cười thối mặt con mất - lão Phiến lên tiếng.

Bửu nem nép đứng cạnh bà nội.

- Thằng Bửu anh chị không thương thì tôi thương. Để nó qua ở cùng tôi.

- Mẹ dở chứng gì thế? Nó từ háng con chui ra đấy! Mẹ có quyền gì... - mụ Quế choe chóe gắt giọng.

- Cô im! - Bố gã quát vợ. Đoạn, lại ngọt nhạt với bà Tạo - Kìa mẹ! Có gì từ từ giải quyết.

- Giải quyết cái gì? Nó là kẻ thù? Hay là anh chị cao quý đến nỗi không dung nổi nó? - Bà cả giận chỉ thẳng mặt bố mẹ gã.

Hai bà cháu cùng sang nhà cũ ở, cách nhà vợ chồng mụ Quế mấy cái cổng. Trước kia, thi thoảng bà vẫn về đó quét dọn, thắp hương cho tổ tiên và người chồng đã mất, còn thường ngày bà qua sống với con trưởng - cũng chính là bố của gã. Dưới lão Phiến còn ba người em gái xây dựng gia đình ở xa. Bà thương đứa cháu thiếu thốn tình cảm, định cái nhà cũ này để cho gã, nào ngờ biến cố. Mụ Quế phản đối gay gắt, xung đột quyết liệt khiến bà nhồi máu cơ tim, xuôi tay mà mắt chẳng chịu nhắm. Mười lăm tuổi, gã mất bà nội là mất đi chỗ dựa duy nhất mà gã có thể nương tựa vào tìm chút an ủi của tình người.

*

Gã rời khỏi nhà, không muốn ràng buộc với nơi mình bị coi rẻ. Đứa trẻ chưa thành niên cứ vậy hai bàn tay trắng lăn lộn vào đời mang theo cả nỗi oán hận không thể nào nguôi ngoai. Gã theo chân bọn đầu gấu trên huyện, làm đủ chuyện côn đồ, có điều gã không bao giờ xuống tay với người cao tuổi. Đại ca của gã có thế, khắp huyện rải rác cơ sở ngầm. Ấn tượng với mảng bớt kỳ dị của đàn em nên đại ca có vẻ lưu ý hơn, cho gã theo chân "hô mưa gọi gió" đặc trưng của xã hội đen: giành địa bàn, đòi nợ, bảo kê, làm ăn phi pháp... Ở làng, ở nhà, vẻ xấu xí của gã là điểm yếu thế, nỗi hổ thẹn sâu hoắm trong lòng gã. Còn ở huyện, bản mặt ấy lại trở thành "vũ khí" làm người ta nơm nớp sợ, thậm chí không dám cười cợt gã. "Ác quỷ bị phong ấn" bỗng giãy giụa kịch liệt, phá lồng giam lương tri mà vọt thẳng ra ngoài, hả hê phơi bày. Rồi, gã xăm hình đại bàng lên đó. Tung hoành!

*

Năm mười tám tuổi, gã cao lên không ít, dáng người dong dỏng nhưng chắc nịch, ngông nghênh. Một buổi đêm hè, trong con hẻm nhỏ, gã vô tình cứu được thằng “nhãi ranh bụi đời” mười ba tuổi. Khoảnh khắc đó, nó đang suýt trở thành nạn nhân của hai kẻ hóa trang "mặt âm dương". Khi nhìn thấy cảnh tượng kinh khủng ấy, lại đập vào mắt gã là hai gương mặt với vóc dáng giống y hệt trong những cơn ác mộng từng đêm đeo đẳng kể từ ngày gã bị đưa đến nhà thầy trừ tà, đầu óc gã bỗng như nổ ong một tiếng, vỡ toác cả nhận thức vốn có. Bụng gã chợt quặn lên òng ọc, ghê tởm đến nôn mửa.

Lúc bấy giờ gã mới mơ hồ hiểu ra điều gì đó. Lý trí biến mất, gã cuồng điên lăn xả vào hai kẻ biến thái kia, giã cho chúng không ngóc đầu lên nổi. Thằng nhóc được cứu thoát vừa hoàn hồn, lập cập giấu đi phần thân thể suýt nữa bị chà đạp, thút thít khóc, song nó vẫn cố gắng kéo lại cơn điên của gã, nức nở: "Đừng... đừng đánh nữa anh ơi... Chết người mất...". Cùng lúc đó, có tiếng huyên náo bên ngoài càng lúc càng gần, thằng bé vội ôm chặt hông gã, thậm chí do nó quá nhẹ mà bị sức mạnh không suy chuyển của gã kéo lên lưng, giục giã: "Có người! Cẩn thận bị bắt anh ơi... Chạy đi!". Gã chợt tỉnh táo lại, nghe ra nguy hiểm, cứ thế cõng theo cả đứa trẻ chạy thục mạng.

Thằng nhóc không hề sợ gã, coi đối phương là ân nhân, tự nguyện đưa hết số tiền kiếm được cho Bửu, xin gã cho đi theo vì nó chẳng có nơi nào dung thân. Khi lang thang một mình, nó ngủ bãi rác, gầm cầu, có khi trốn cả trong nhà vệ sinh công cộng, tiền kiếm được thường bị bọn bụi đời cao lớn hơn bóc lột và hay bị đánh đập, chẳng ai bênh vực. Nó không muốn trải qua những tháng ngày như thế nữa. Gã liếc mắt nhìn thằng nhãi, nghĩ một vòng, gật đầu. Đều cùng cảnh ngộ bơ vơ, gã nảy sinh đồng cảm, gọi nó là thằng Út. Đứa trẻ hết sức nghe lời và trung thành, trở thành đàn em thân tín của gã.

Cứ thế bán mạng cho xã hội đen, đến một ngày gã phát hiện nơi hành nghề của lão Sùng. Trước kia, khi gã bị cưỡng chế đưa đi trừ tà, đầu óc hỗn loạn, lúc về thì mờ mịt trống rỗng, không nhớ gì cụ thể. Nỗi oán hận như bị nhốt trong mê lộ không tìm ra phương hướng giải thoát. Tới khi xác định được nơi ẩn mình của cầm thú giả danh thầy pháp, huyết mạch toàn thân gã sôi sùng sục, một nỗi khát máu vọt thẳng từ trong óc phun ra tứ phía. Báo thù. Gã muốn báo thù!

Thằng Út đã mười sáu tuổi vẫn một mực theo sát, chứng kiến gã hung hăng xông vào lão Sùng, đâm hai nhát dao, chưa đủ hiểm để mất mạng thì nó lao vội đến ôm chặt gã:

- Đủ rồi anh! Giết người đền mạng đấy. Dừng lại!

Gã thở hồng hộc, nhất quyết đâm thêm nhát nữa. Phần đùi, bàn tay và hạ sườn ông thầy pháp bê bết máu, gương mặt xảo trá của lão bấy giờ không còn huyết sắc, mắt trợn trắng kinh hãi, van xin tha mạng. Cuối cùng... Thằng Út kịp ghìm gã trước khi quá muộn.

Công an ráo riết truy tra vụ án, phơi bày tội ác của những kẻ giấu mình trong bóng tối, lột trần ra cả một hang ổ nhung nhúc rắn rết, tởm lợm. Lão Sùng và “động quỷ”, ngay cả "bà đồng bóng" ở làng gã cũng là một mắt xích lừa đảo, cùng lão thực hiện nhiều vụ phạm pháp, thậm chí có sự cấu kết của một "quan ông cấp huyện” đã tha hóa đạo đức. Vài nạn nhân bất hạnh thiệt mạng dưới hành vi dơ bẩn của những kẻ táng tận lương tâm ấy. Chúng bị lôi bật lên cả gốc rễ, phải trả giá đến nơi đến chốn. Bửu cũng phải vào tù, chịu tội trước pháp luật...

*

- Anh Bửu!

- Có phải… anh cả đấy không?

Giữa con đường lạ lẫm, gã không biết đưa chân về đâu, bỗng nghe thấy thứ âm thanh như phá kén mê.

Thằng Út với gương mặt sạm đen mang theo nụ cười, đối diện gã. Hắn bước nhanh tới, ghì chặt lấy người anh mà hắn mang ơn.

- Chúng em… đón anh - Giọng hắn nặng trĩu.

Gã sửng sốt, kinh ngạc, rồi cũng vỗ vỗ thằng Út, khó khăn cười một tiếng. Người phụ nữ đi cùng thằng Út đứng lặng. Mặt mày cô nhợt nhạt do mắc chứng say xe, nước mắt ầng ậc, run rẩy gọi "anh cả"...

Hồi gã chưa bị bắt, nhớ tới em gái từng nghe lời bà nội và biết thương gã, nên gã nhờ thằng Út gửi cho Thảo khoản tiền. Ấy thế mà hai đứa giữ liên lạc, sau này thành vợ chồng. Trong thời gian gã ở tù chỉ gặp Thảo vài lần, còn lại đều là thằng Út đến thăm. Qua đó, gã nghe Út kể: "Anh Giảo bết bát lắm! Chẳng ra gì. Quan hệ giữa vợ chồng em với anh ta không thuận hòa”. Út trầm mặc một hồi, khẽ nói: “Ông Phiến đã mất do bệnh hiểm nghèo, bà Quế thì càng có tuổi càng khó khăn. Bây giờ, bà ấy cũng có những cái...". Thấy gã im lặng, hắn mạnh dạn tiếp tục: "...hối hận anh ạ! Bà ấy hối hận...". Gã không phản ứng, cũng chẳng dễ chịu. Thằng Út biết nguyên nhân gã bỏ nhà ra đi, nên khi nói khá lựa lời, chẳng dám gọi thành "bố mẹ anh" hay "bố mẹ chúng ta". Hiện tại, vợ chồng Út là thân nhân duy nhất trong lòng gã, hai vợ chồng vượt chặng đường mấy trăm ki-lô-mét để đón người anh hoàn lương.

Trước mắt gã bây giờ là không gian thênh thang không thấy điểm cuối.

- Vợ chồng chú bây giờ làm gì?

- Nghề tự do, anh ạ! Sắp Tết, em đi bán đào. Vợ em bán hàng tạp hóa.

- Mặt anh thế này... đi bán đào cùng chú được không?

- Được! Bán đào bán quất đều ô-kê hết. Mình tuân thủ pháp luật là được.

Gã trầm mặc. Biết là không thể... Nhưng... nếu có thể, cành đào đẹp nhất gã muốn dành tặng cho thầy Lục.

Thằng Út hăm hở xách đồ cho gã, tiếng cười của hắn văng vẳng. Gã và em gái không nói gì nhiều nhưng họ đã đoàn tụ, đấy là thứ hơi ấm gã từng cho là xa xỉ. Ba bóng dáng hòa vào dòng người không phân biệt sang hèn, hay đen trắng. Họ dần đi xa khỏi cổng trại giam.

Truyện ngắn của Viên Nguyệt Ái

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/phuc-thien-i737850/