Phúc 'vi mạch' và tầm nhìn chiến lược
'Tôi không muốn đi lại con đường cũ trong nghiên cứu khoa học. Tôi muốn tự tìm ra những cái mới, những con đường mà người khác chưa đi tới, dù phải 'tay không bắt giặc'', Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tích hợp hệ thống, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chia sẻ như thế với chúng tôi trong cuộc trò chuyện kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại chính căn phòng thí nghiệm bộn bề thiết bị.
30 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ, 36 tuổi nhận học hàm Phó giáo sư, nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3 ngồi trên ghế giảng đường, tính đến nay, Thượng tá Hoàng Văn Phúc đã gắn bó với hoạt động nghiên cứu khoa học hơn 20 năm với nhiều cương vị, chức trách, nhiệm vụ, từ một chàng học viên, đến giảng viên và hiện giờ là công tác quản lý. Với anh, chặng đường đó có nhiều chông gai, thử thách, nhưng cũng luôn thôi thúc anh dấn thân, tận hiến để đóng góp cho sự phát triển của Học viện Kỹ thuật Quân sự nói riêng, ngành khoa học nước nhà nói chung.
Tầm nhìn chiến lược
Phúc “vi mạch” là biệt danh mà đồng nghiệp, đồng chí đặt cho Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc. Sở dĩ có biệt danh đó là bởi, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do anh chủ trì, đồng tham gia đều liên quan đến vi mạch.
“Khi sang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, mình cũng suy nghĩ, đắn đo nên nghiên cứu khoa học theo hướng nào. Nếu nghiên cứu những đề tài cũ, những vấn đề mà các thầy đi trước đã từng làm thì rất thuận lợi, bởi đã có nền tảng, có nhiều tài liệu hỗ trợ nhưng bản thân thôi thúc mình muốn đi tìm những cái mới, những vấn đề chưa được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Thời điểm đó, vi mạch còn rất mới mẻ tại Việt Nam, mới có Trung tâm Nghiên cứu về vi mạch ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số công ty nước ngoài có văn phòng đặt tại Việt Nam. Trên thế giới, những năm 2008-2009 cũng nở rộ nhiều nghiên cứu về vi mạch. Lúc đó, mình còn trẻ cũng chưa biết thế nào là “tầm nhìn” nhưng xác định, nếu đã đi sẽ đi một con đường mới hoàn toàn, dù không biết con đường đó sau này có thuận lợi, khó khăn gì đã giúp mình quyết định chọn nghiên cứu chuyên sâu hơn về vi mạch”, Thượng tá Hoàng Văn Phúc chia sẻ.
Thực tế đã chứng minh, “tầm nhìn” của Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc không hề ngắn hạn. Hiện nay, với định hướng phát triển của Chính phủ về việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023-2030 và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh và Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đề án hướng tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Đề án đang được đẩy nhanh tiến độ để trình Chính phủ nhằm sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại.
Trao đổi về tầm quan trọng của các nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch trong tổng thể chung của ngành công nghiệp bán dẫn, Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc cho rằng, đây thực sự là một cấu phần quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn. Những ngành học liên quan đến vi mạch, thiết kế vi mạch cũng đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết khi theo số liệu thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
- “Vậy rõ ràng “tầm nhìn” của anh là tầm nhìn cấp chiến lược rồi”, chúng tôi hỏi đùa.
- “Thực sự như đã chia sẻ, lúc đó mình còn quá trẻ và cũng không nghĩ gì nhiều. Giờ khi thấy những nghiên cứu của mình cùng đồng nghiệp cũng có những giá trị khoa học nhất định, giúp ích cho quá trình phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thì bản thân mình cũng như các đồng chí, đồng đội cảm thấy rất hạnh phúc”, Thượng tá Hoàng Văn Phúc bộc bạch.
Thành tích nghiên cứu khoa học của Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc:
- Chủ trì 3 đề tài cấp quốc gia (đã nghiệm thu thành công) về thiết kế vi mạch số và bảo mật phần cứng;
- Chủ trì 2 đề tài hợp tác quốc tế (đã nghiệm thu thành công) về bảo mật phần cứng và các hệ thống giám sát thông minh trên nền tảng Internet vạn vật
- Chủ trì 1 nhiệm vụ kỹ thuật cấp Bộ Quốc phòng (đã nghiệm thu thành công) về nâng cấp Phòng thí nghiệm Điện tử số (năm 2018)
- Chủ trì 3 đề tài cấp học viện (đã nghiệm thu thành công)
- Chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh về “Tích hợp hệ thống” tại Học viện
- Công bố hàng chục bài báo tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus; hàng trăm bài báo hội thảo chuyên ngành quốc tế, quốc gia; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 bằng độc quyền sáng chế.
Luôn đi con đường mới
Khi chúng tôi tò mò hỏi, liệu những nghiên cứu khoa học về vi mạch của “ta” hiện nay so với thế giới có đang cách một quãng xa hay không khi từ những năm 2008 - 2009, trên thế giới đã nở rộ các nghiên cứu về lĩnh vực này thì Thượng tá, PGS, TS Hoàng Văn Phúc thẳng thắn nhận định, nếu so về công nghệ thì rõ ràng những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đi trước Việt Nam rất nhiều, nhưng trong nghiên cứu khoa học thì chúng ta cũng không hẳn là “lép vế” hoàn toàn so với họ.
Và để phần nào minh chứng cho sự không “lép vế” hoàn toàn ấy, PGS, TS Hoàng Văn Phúc chỉ chúng tôi xem sản phẩm hệ thống phát hiện phần cứng gián điệp (Trojan phần cứng) trong vi mạch chuyên dụng đang được để ngay trong phòng thí nghiệm. Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học nóng hổi của nhóm nghiên cứu do anh chủ trì, hướng dẫn. Cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về giải pháp phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng. Trong hệ thống này, nhóm nghiên cứu sử dụng các cảm biến từ trường và cảm biến đo công suất tiêu thụ của vi mạch, kết hợp với máy hiện sóng công nghệ số tốc độ cao, phần mềm xử lý tín hiệu trên máy tính và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến để phân tích, phát hiện phần cứng gián điệp.
- “Từ lựa chọn nghiên cứu vi mạch-một ngành hoàn toàn mới, giờ lại một lần nữa lựa chọn một đề tài nghiên cứu mà ngay tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào, anh lại đi con đường mới rồi!”.
- “Thực sự, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh, an toàn hệ thống thông tin (bao gồm cả phần cứng, firmware và phần mềm) đang trở nên cấp bách, nhất là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trên thế giới, đã có rất nhiều nghiên cứu công bố về khả năng tin tặc có thể sử dụng các lỗ hổng an ninh cũng như các công cụ từ phần cứng, firmware tới phần mềm để can thiệp vào các hệ thống thông tin, gắn các chip và thiết bị gián điệp, phần cứng gián điệp để thu thập thông tin bất hợp pháp, cũng như tấn công các hệ thống này. Ở Việt Nam, nhu cầu về các giải pháp bảo đảm an toàn phần cứng càng trở nên cấp bách do việc nhập ngoại các thiết bị điện tử và sử dụng các lõi thiết kế sẵn trong thiết kế vi mạch. Hiện nay, việc nghiên cứu phát triển và thiết kế các vi mạch chuyên dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có các nguy cơ về lĩnh vực điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các hệ thống có kết nối Internet. Để đảm bảo vấn đề bảo mật, an ninh trong các hệ thống này, chúng ta cần thiết kế các vi mạch chuyên dụng. Tuy nhiên, do Việt Nam không có nhà máy chế tạo chip nên chúng ta cần gửi bản thiết kế của vi mạch để thuê các công ty nước ngoài chế tạo. Vì vậy, việc bảo mật vi mạch thực sự rất cần thiết. Xuất phát từ những yêu cầu thực tế đó nên nhóm nghiên cứu đã quyết định nghiên cứu giải pháp phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng. Biết là chọn một hướng nghiên cứu mới hoàn toàn này sẽ khó, nhưng “quả ngọt” thu được, mình nghĩ cũng rất xứng đáng so với công sức lựa chọn đi con đường mới”, Thượng tá Hoàng Văn Phúc chia sẻ.
Người luôn “tự nâng cấp bản thân”
Con đường nghiên cứu khoa học của Thượng tá Hoàng Văn Phúc không hề bằng phẳng, đặc biệt, khi anh lựa chọn luôn đi theo hướng mới. Nhưng theo anh, “đường đi nhiều thì sẽ thành lối”, trong nghiên cứu khoa học, điều cần nhất là luôn kiên trì đeo đuổi, luôn “tự nâng cấp bản thân”.
“Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ và có một năm thực tập sau Tiến sĩ tại Nhật Bản, trở về Việt Nam công tác, thực sự là mình gần như trong tay không có gì, chỉ có chiếc bằng Tiến sĩ, tri thức và tâm huyết. Một may mắn của bản thân mình là được làm việc trong môi trường của Học viện Kỹ thuật Quân sự, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện, sự dìu dắt của những người thầy đi trước, mình được tiếp thêm nhiều động lực để đeo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó, mình cũng tự tạo dựng những mối quan hệ với các nhà khoa học quốc tế, tham dự các hội thảo khoa học, đi thực tập tại nước ngoài như Pháp, Anh, Nhật Bản để kết nối, học hỏi thêm kinh nghiệm và tận dụng sự hỗ trợ về cơ sở vật chất của các đối tác”, Thượng tá Hoàng Văn Phúc chia sẻ.
Từ đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên được thực hiện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xuất sắc đoạt giải thưởng khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Quỹ VIFOTEC, đến nay Thượng tá Hoàng Văn Phúc đã chủ trì, đồng tham gia hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học. Trước những thành tích đáng nể đó, chúng tôi tò mò hỏi: “Liệu có lúc nào anh thất bại trong nghiên cứu khoa học?”
-“Có chứ, năm 2014 mình lần đầu tiên nộp đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia nhưng bị trượt, đến năm 2015 nộp lại thì được. Thế nên, tinh thần là mình luôn luôn phải cố gắng, phải tự “nâng cấp bản thân”. Mình luôn phải trăn trở với câu hỏi: “Tại sao mình lại chưa được thông qua đề tài. Có phải vì mình viết cái gì đó chưa thuyết phục?”".
Để kết thúc cuộc trò chuyện dài gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi “hỏi khó” Thượng tá Hoàng Văn Phúc:
-“Với kinh nghiệm, kiến thức có được, lại nghiên cứu trong một lĩnh vực đang rất “hot” hiện nay, có khi nào anh nghĩ, nếu chọn một môi trường làm việc khác, anh sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn?”
-“Không hề, với mình, mỗi môi trường đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng đã là “nhà” thì không ai muốn rời bỏ ngôi nhà của mình cả. Học viện Kỹ thuật Quân sự là ngôi nhà thứ hai của mình. Hơn 20 năm nay, mình đã sống trong ngôi nhà đó, mình muốn được tận hiến cho khoa học cũng như cho ngôi nhà thứ hai của mình”.
Bài, ảnh: HUY ĐĂNG - BĂNG CHÂU
Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.