Phục vụ người dân hiệu quả từ những ngày đầu vận hành

Ngay từ những ngày đầu vận hành đơn vị hành chính mới, các xã miền núi phía Tây Bắc, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo bài bản cùng tinh thần làm việc tận tâm, công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt được hiệu quả rõ rệt, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Người dân xã Đồng Lê làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Ảnh: X.V

Người dân xã Đồng Lê làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Ảnh: X.V

Ngay sau khi thành lập, các xã phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị, như: Tuyên Hóa, Tuyên Bình, Tuyên Phú, Đồng Lê, Tuyên Sơn, Tuyên Lâm đã nhanh chóng bắt tay vào công tác tổ chức cán bộ, xây dựng quy chế làm việc phù hợp với tình hình địa phương. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong hơn 2 tuần làm việc đầu tiên, cán bộ, công chức các xã đã nỗ lực hết mình, đặc biệt trong việc giải quyết các TTHC, góp phần xây dựng niềm tin của người dân.

Xã Đồng Lê được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính cũ: Xã Sơn Hóa, Thuận Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa và thị trấn Đồng Lê. Trung tâm xã được đặt tại thị trấn Đồng Lê (cũ) và sử dụng trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện Tuyên Hóa (cũ) để làm việc. Nhờ cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, đồng bộ từ trước cùng đội ngũ cán bộ đông đảo, được đào tạo bài bản và có chuyên môn vững vàng, các công việc đã nhanh chóng được triển khai khi đơn vị hành chính mới đi vào vận hành.

Chủ tịch UBND xã Đồng Lê Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi xác định việc thành lập các xã mới không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính mà còn là sự nâng cao năng lực quản lý, phục vụ tốt hơn cho người dân. Ngay sau khi đi vào vận hành, UBND xã đã bố trí đầy đủ con người, trang thiết bị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC). Nhờ đó, các hồ sơ liên quan đến TTHC của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết một cách thấu đáo”.

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm PVHCC xã Đồng Lê đã tiếp nhận, giải quyết trên 400 bộ hồ sơ mới cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, trung tâm cũng tiếp nhận và đang giải quyết 81 bộ hồ sơ liên quan đến đất đai từ 5 xã, thị trấn trước đó chuyển về. Các hồ sơ chủ yếu liên quan đến chứng thực bản sao, hợp đồng giao dịch, đất đai...

Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC xã Đồng Lê Nguyễn Thảo Hằng cho biết: “Với tinh thần chủ động, trách nhiệm với người dân, chúng tôi đã tăng thời gian làm việc. Có những ngày anh em trung tâm làm thêm ngoài giờ, cả ngày cuối tuần với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết thời gian”. Nhờ vậy, toàn bộ hồ sơ của người dân đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, không có hồ sơ tồn đọng”.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giải quyết TTHC cho người dân nhưng các xã phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Các phần mềm giải quyết TTHC chưa đồng bộ, tính liên thông chưa cao hoặc chưa có. Một số máy tính của cán bộ, công chức có cấu hình thấp, hoạt động chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ. Đường truyền mạng chung có lúc bị nghẽn, khả năng sử dụng máy tính, dịch vụ trực tuyến của người dân còn hạn chế... Để giải quyết khó khăn này, các địa phương đã đề xuất cấp trên nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm, đầu tư mua sắm máy móc đồng bộ; tổ chức tập huấn chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Anh Dương Mạnh Thân, thôn Kim Lịch, xã Đồng Lê bày tỏ: “Lần đầu đến xã mới làm TTHC liên quan đến đất đai, tôi được cán bộ, công chức xã đón tiếp, hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo. Do hạn chế về công nghệ thông tin, hồ sơ của tôi được cán bộ tận tình hỗ trợ đăng ký, kê khai thông tin cần thiết. Sau khi nộp lên hệ thống, hồ sơ của tôi được giải quyết nhanh chóng, tôi rất hài lòng”. Không chỉ anh Thân, hàng trăm người dân trên địa bàn xã cũng rất hài lòng khi đến trung tâm giải quyết TTHC, thậm chí nhiều thủ tục còn được giải quyết trước thời hạn quy định.

Xã Tuyên Phú được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Đức Hóa. Chủ tịch UBND xã Tuyên Phú Phan Thanh Phương cho biết: “Để phục vụ người dân, ngay sau khi thành lập, xã đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. UBND xã cũng đã công khai địa chỉ trụ sở và danh mục TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm PVHCC, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận và thực hiện TTHC”.

Để phục vụ tốt nhất cho người dân, UBND xã Tuyên Phú đã bố trí Trung tâm PVHCC tại trụ sở xã Thạch Hóa cũ, do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Giám đốc. Trung tâm cũng cử 5 cán bộ, công chức có trình độ từ đại học trở lên phụ trách đầy đủ các lĩnh vực.

Ngoài ra, Trung tâm đã tham mưu cho UBND xã xây dựng chính quyền điện tử để giải quyết các TTHC cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Từ ngày thành lập đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt người dân, doanh nghiệp đến Trung tâm PVHCC của xã để giải quyết các TTHC, đa số hồ sơ đều được giải quyết nhanh chóng.

Cùng với việc bố trí nhân lực, trang thiết bị, máy móc tại Trung tâm PVHCC xã Tuyên Phú cũng được đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc. Anh Nguyễn Minh Phương, một người dân ở thôn Đức Phú 4, xã Tuyên Phú phấn khởi: “Trước đây, nhiều TTHC tôi phải đi gần 15km về huyện mới làm được. Nhưng từ khi xã mới được thành lập, tôi chỉ đi khoảng 4km đến Trung tâm PVHCC để giải quyết. Khi đến đây, tôi được cán bộ xã hướng dẫn rất nhiệt tình, cặn kẽ, mọi thủ tục cũng làm nhanh gọn nên tôi rất hài lòng”.

Xuân Vương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phuc-vu-nguoi-dan-hieu-qua-tu-nhung-ngay-dau-van-hanh-196018.htm