Phụng tống kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh rời Tổ đình Từ Hiếu
Sáng nay 29-1 (27-12-Tân Sửu), chư Tăng Ni và môn đồ pháp quyến đã cử hành lễ phát hành, phụng tống kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh rời Tổ đình Từ Hiếu hướng về Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng Vườn Địa Đàng (phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để Lễ trà-tỳ.
Để chuẩn bị cho Lễ trà-tỳ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, những ngày qua, các nghệ nhân làng đúc đồng Phường Đúc, TP Huế đã gấp rút chuẩn bị đài hỏa thiêu theo kỹ thuật truyền thống.
Đài hỏa thiêu do ông Nguyễn Phong Sơn, con trai nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sính đã từng thực hiện nhiều lễ hỏa thiêu cho các vị hòa thượng quá cố tại Thừa Thiên - Huế.
Đài hỏa thiêu được làm bằng đất sét với kỹ thuật truyền thống, tương tự với việc làm các lò đúc đồng truyền thống của Huế. Theo đó, đài hỏa thiêu gồm 2 phần, phần lò thiêu và phần đài che bên ngoài có tên Đài địa dư.
Lò thiêu được xây dựng thành nhiều lớp, bên trong là đất sét, thân lò là gạch và ngoài cùng được cố định bằng khung bảo vệ bằng kim loại. Lò thiêu có 1 cửa chính bằng kim loại dùng để đưa kim quan vào. Bên cạnh đó là hệ thống thông khí để bảo đảm cho lửa được cháy đều và hệ thống thu khói dẫn ra bên ngoài.
“Nguyên tắc của lò thiêu là làm sao cho nhiệt đều từ đầu đến cuối. Công thức này được áp dụng theo những lò gốm. Tôi đã từng đi học tại Bình Dương, đồng thời lấy từ kinh nghiệm của việc đúc đồng. Lò thiêu của Ngài (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) được làm từ đất sét lấy từ Phường Đúc (TP Huế), loại đất chuyên làm khuôn đúc đồng, bên trong có một lớp gạch được lấy từ huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Thời gian cho một nghi lễ hỏa thiêu từ khi bắt đầu đến khi hoàn tất là 8 đến 9 giờ trong 1.000°C. Từ đầu đến cuối, nhiệt phải đi đều không lớn, không nhỏ," ông Nguyễn Phong Sơn cho biết.