Phước Long - Nguồn cảm hứng bất tận

Không phải tự nhiên mà hình ảnh, con người Phước Long xưa và nay lại đi vào nghệ thuật nhẹ nhàng, sâu lắng và không dễ quên qua thời gian. Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, tình yêu và sự tự hào chính là chất xúc tác mạnh mẽ giúp các tác giả sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật đi vào lòng người về nơi này. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và sự vươn mình 'thay da, đổi thịt' mỗi ngày, Phước Long hôm nay vẫn là mảnh đất màu mỡ, đang chào đón văn nghệ sĩ với các tác phẩm xứng tầm hơn.

Thời gian qua, văn nghệ sĩ tỉnh Bình Phước đã có nhiều cố gắng xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật với mong muốn thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, phát huy truyền thống cách mạng của Phước Long anh hùng, góp phần quảng bá và xây dựng quê hương.

Phước Long đa góc nhìn trong tác phẩm

Địa danh lịch sử Phước Long xuất hiện trong ca khúc “Mỗi bước ta đi” của cố nhạc sĩ Thuận Yến với những bước chân rộn ràng niềm vui chiến thắng. Nhạc phẩm này ra đời năm 1965, được Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé chọn làm nhạc hiệu từ năm 1977 và là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước từ khi tái lập tỉnh năm 1997. Còn bài hát “Ký ức mẹ” với nhiều cảm xúc lắng đọng được nhạc sĩ Văn Thành Nho chắp bút khi về thăm núi Bà Rá, Phước Long năm 2014. Từng gắn liền với ngày hội việt dã leo núi Bà Rá truyền thống vào 6-1 hằng năm, ca khúc cổ động “Từ thành phố miền cao” (của cố nhạc sĩ Lê Trung Hiếu) vẫn luôn được người dân Phước Long ngày ấy và bây giờ yêu thích bởi ca từ rất dễ nhớ, dễ hát. Mới đây nhất là bài hát “Bà Rá tình yêu và khát vọng” được mệnh danh là “Bản anh hùng ca Bình Phước” của nhạc sĩ Trần Cao Vân được phổ từ bài thơ “Ngọn núi tình yêu” của Bùi Thị Biên Linh. Bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa chương trình giáo dục địa phương.

Một góc đô thị Phước Long hiện đại, giàu bản sắc văn hóa hôm nay - Ảnh: Tiến Dũng

Về văn học nghệ thuật, năm 2021, tiểu thuyết “Đêm cháy” - tác phẩm viết về những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tác giả Nguyễn Duy Hiến đã được trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) tỉnh Bình Phước và Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh lần thứ I, giai đoạn 2016-2020. “Đêm cháy” lấy bối cảnh lịch sử từ trận đánh của Trung đoàn 88, Sư đoàn 5 tấn công đồn Phước Quả (Chi khu Phước Bình - Phước Long) rạng sáng 27-10-1967. Tiếp đó năm 2023, tiểu thuyết “Lính miền Đông” của Bùi Thị Biên Linh viết về những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân và lực lượng vũ trang ở tỉnh Phước Long (cũ) nói riêng và miền Đông anh dũng nói chung ra mắt độc giả.

Nhắc đến hội họa, giới họa sĩ nhớ ngay đến bức tranh “Có một thời như thế” của họa sĩ Lê Quang Thỉ, rồi họa sĩ Duy Hồng, hay gần đây nhất 19 tác phẩm ảnh đẹp về Phước Long qua cuộc thi Ảnh đẹp online du lịch Phước Long, với chủ đề “Góc nhìn mới, trải nghiệm mới” do UBND thị xã Phước Long tổ chức… Mỗi tấm ảnh là một tác phẩm nghệ thuật, mang đến công chúng những ấn tượng đẹp về Phước Long đổi mới.

Về thơ, “Ngọn núi tình yêu” của tác giả Biên Linh trong tập “Ý nghĩ ban mai” đã từng đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đã được đưa vào chương trình giáo dục địa phương. Ca khúc “Ký ức mẹ” từng được Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước dàn dựng để tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đã đoạt huy chương vàng. Tiểu thuyết “Đêm cháy” của tác giả Nguyễn Duy Hiến và “Lính miền Đông” của Bùi Thị Biên Linh được Bộ Quốc phòng tuyển chọn có trong bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025).

Dù ở loại hình nghệ thuật nào, các tác phẩm nghệ thuật về Phước Long xưa và nay đã được nhiều người biết đến, yêu mến bởi toát lên được hình ảnh một mảnh đất với cảnh đẹp hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ và con người bình dị, gần gũi.

…viết tiếp bản hùng ca

Với nhà văn Bùi Thị Biên Linh, tác giả bài thơ “Ngọn núi tình yêu”, tiểu thuyết “Lính miền Đông”, thì sự thật về lịch sử hào hùng của dân tộc, sự vĩ đại của những người chiến sĩ, lòng biết ơn sự hy sinh cao cả của những người đã “Lấy máu mình tưới xanh cho đất mẹ” chính là cảm hứng thôi thúc chị viết để tri ân.

Một góc trên đỉnh Bà Rá - Ảnh: Tiến Dũng

Nhà văn Bùi Thị Biên Linh cho biết: “Khi viết “Lính miền Đông”, tôi không chỉ tìm gặp, trò chuyện với các cựu chiến binh từng chiến đấu ở núi Bà Rá huyền thoại và những vùng lân cận, tôi còn nhiều lần lên núi Bà Rá thắp hương trên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Giữa gió núi mây ngàn hùng vĩ, tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự hóa thân thiêng liêng. Tôi đã khóc khi đọc dòng chữ trên bia “Vinh quang thuộc về các anh - những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”. Được nghe các cựu chiến binh kể lại những năm tháng chiến đấu gian lao mà anh dũng, đau thương và quật khởi của quân và dân Phước Long giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1960-1975, tôi vô cùng cảm phục, xúc động. Lòng biết ơn của tôi được nhân lên. Tôi đau đáu với câu nói của Đại tá Nguyễn Văn Ngoan nay đã hơn 80 tuổi: “Sao các chị tìm hiểu muộn thế! Rất nhiều cựu chiến binh đã mất rồi! Nếu không tranh thủ thời gian e rằng sẽ chẳng còn gặp được mấy ai mà nghe kể!”.

50 năm qua, đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng về Phước Long anh hùng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ khám phá sáng tạo. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước, thực tế văn nghệ sĩ trong tỉnh vẫn còn đó món nợ với lịch sử, với các thế hệ thanh niên đã cầm súng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Các loại hình văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, đờn ca tài tử, văn nghệ dân gian, kiến trúc của văn học nghệ thuật Bình Phước đã có những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng vẫn còn quá khiêm tốn với truyền thống, lịch sử hào hùng của Phước Long nói riêng và Bình Phước nói chung, nay đang vững bước đi lên với khát vọng xây dựng phát triển.

Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Trong nghệ thuật, sáng tạo là rất cần thiết. Từ hiện thực lịch sử và cuộc sống thực tế đòi hỏi người cầm bút phải biết dùng các thủ pháp nghệ thuật phản ánh một cách sáng tạo bằng ngôn ngữ, cảm xúc, qua góc nhìn, quan điểm của bản thân để làm sống dậy, sao cho mỗi nhân vật vừa cụ thể vừa mang tầm khái quát. Hội sẽ tạo điều kiện để văn nghệ sĩ Bình Phước có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những nhân chứng lịch sử để hiểu sâu sắc về đất và người Phước Long, từ đó sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật về nơi này. Đây cũng là tình cảm của văn nghệ sĩ đối với quê hương và thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu vì khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Hiện thực cuộc sống phong phú, đa dạng và đầy hấp dẫn… cho nên Phước Long vẫn là mảnh đất rất màu mỡ đón đợi văn nghệ sĩ đến và cảm nhận, sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật hay hơn nữa về sự vĩ đại của vùng đất và con người nơi đây, nhất là đề tài về sự vươn lên không ngừng của những con người đã biến mảnh đất đầy tàn tích của chiến tranh thành mảnh đất bốn mùa hoa thơm trái ngọt.

Thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật, công chúng sẽ được đắm mình trong những tác phẩm mà ở đó mỗi người đều sẽ cảm nhận được, trân quý giá trị của của sự hy sinh máu xương, công sức mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Văn nghệ sĩ trong tỉnh phải tiếp tục nỗ lực và cố gắng hơn nữa, bởi đất và người Phước Long vẫn là cánh đồng bất tận, nguồn cảm hứng dồi dào để văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm trong tương lai.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh LÊ VĂN QUANG

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/167610/phuoc-long-nguon-cam-hung-bat-tan