Phường 9 - cái nôi cách mạng và quê hương trường ca Ở làng Phước Hậu
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (hàng thứ hai, thứ bảy từ phải sang), chụp hình lưu niệm sau lễ chào cờ đầu năm Quý Mão 2023 với tập thể cán bộ phường 9, với lời chúc năm 2023 Đảng bộ và Nhân dân phường 9 hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ảnh: TRẦN QUỚI
Trải qua chiều dài lịch sử, phường 9 được tách ra từ vùng đất Bình Kiến kiên trung vào năm 2003. Và trong suốt chiều dài lịch sử ấy, những làng, những xóm của phường 9 hôm nay là căn cứ nuôi giấu những cán bộ và Tỉnh ủy lâm thời, cái nôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền thắng lợi tại Phú Yên trước đây.
Căn cứ làng Phước Hậu
Ngày 20/10/1935, tại khu rừng dương làng Phước Hậu (nay thuộc khu phố Phước Hậu 2, phường 9, TP Tuy Hòa), đồng chí Trần Hào làm lễ thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương làng Phước Hậu gồm 4 đồng chí: Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương do đồng chí Trần Hào và sau đó hơn 1 tháng là đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm Bí thư chi bộ.
Tháng 11/1935, đồng chí Trần Hào chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy lâm thời (có 7 đồng chí) tại gò Thủ Kỳ, làng Phước Hậu do đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy lâm thời lấy làng Phước Hậu làm chỗ dựa để tiến hành đại hội Đảng bộ tỉnh. Tháng 6/1936, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất họp trong khu rừng dương làng Phước Hậu dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Trần Hào và bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy chính thức đầu tiên ở Phú Yên, được Xứ ủy Trung kỳ công nhận. Trụ sở Tỉnh ủy đóng ở nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại, làng Phước Hậu (nay thuộc khu phố Phước Hậu 1, phường 9).
Sau đó, Tỉnh ủy bầu bổ sung đồng chí Huỳnh Nựu và trụ sở Tỉnh ủy đóng ở nhà đồng chí Huỳnh Nựu trong những năm 1938-1939, khi đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Chi bộ Đảng làng Phước Hậu không ngừng lớn mạnh, kết nạp thêm nhiều đồng chí trung kiên đứng vào hàng ngũ. Khí thế cách mạng của Nhân dân ở Phước Hậu, Liên Trì thời kỳ 1935-1939 rất sôi nổi. Đây chính là cái nôi và là hạt nhân để lãnh đạo phong trào cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền tại Phú Yên.
Cuối tháng 3/1945, đoàn cán bộ trên cử về do đồng chí Trương Kiểm làm trưởng đoàn cùng các đồng chí: Lê Cấp, Đoàn Sơ, Hoàng Văn Phúc về lãnh đạo khởi nghĩa, liên lạc với các đảng viên và tổ chức Đảng, gặp nhau ở nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại. Tháng 4/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Cấp, Ủy ban Việt Minh lâm phủ Tuy Hòa được thành lập. Ngày 17/7/1945, đại hội thành lập Việt Minh tỉnh họp ở nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại. Các đồng chí tự vệ làng Phước Hậu lo việc bảo vệ và góp phần vào thành công của đại hội này.
Những ngày tiền khởi nghĩa là những ngày hội lớn của Nhân dân phường 9. Ngày 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Trung ương ra lệnh tổng khởi nghĩa.
Ngày 23/8/1945, Ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Trương Kiểm làm trưởng ban tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sông Cầu.
Ngày 25/8/1945, Ban Khởi nghĩa phủ Tuy Hòa gồm các đồng chí: Nguyễn Quốc Thoại, Lê Tấn Thăng, Đỗ Tương, Nguyễn Thanh Hương, Phạm Trọng Tuyên tổ chức giành chính quyền phủ Tuy Hòa.
Cuộc khởi nghĩa phủ Tuy Hòa thành công rực rỡ, Ủy ban Nhân dân cách mạng phủ Tuy Hòa được thành lập. Đồng chí Huỳnh Nựu, Chủ tịch Mặt trận Việt Nam phủ Tuy Hòa và đồng chí Nguyễn Quốc Thoại tổ chức mít tinh ở Phước Hậu báo cáo khởi nghĩa thành công ở phủ Tuy Hòa.
Trong báo cáo gửi Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, năm 1991, đồng chí Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy viết: “Phước Hậu là nơi có cơ sở Đảng và phong trào cách mạng tốt nhất trong thời kỳ tiền khởi nghĩa”.
Tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, Chi bộ Đảng làng Phước Hậu cùng toàn thể Nhân dân xây dựng chính quyền chuẩn bị kháng chiến lâu dài, và giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quê hương trường ca Ở làng Phước Hậu
Phước Hậu cũng chính là nơi tiếp nguồn cảm hứng anh hùng cách mạng để nhà thơ - chiến sĩ Trần Vũ Mai sáng tác trường ca Ở làng Phước Hậu, một trong những trường ca nổi tiếng của thơ ca giải phóng thời chống Mỹ.
Trần Vũ Mai - nhà thơ - chiến sĩ được kết nạp Đảng năm 1969, lớp đảng viên Hồ Chí Minh đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu bám trụ dài ngày ở căn cứ lõm Chóp Chài, Hang Dơi, chùa Khánh Sơn, Xóm Hóc, những căn hầm bí mật ven làng Phước Hậu. Sự khốc liệt của chiến tranh, tầm cao và chiều sâu của sức dân và lòng dân, cùng sự hy sinh cao cả của quần chúng cách mạng vùng căn cứ đã là nguồn cảm hứng vô tận thổi vào hồn nhà thơ. Trường ca Ở làng Phước Hậu không chỉ nói về làng Phước Hậu mà khái quát rất sâu cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Phú Yên và cả miền Nam qua một làng Phước Hậu cụ thể.
Ông Trần Vũ Mai tên thật là Vũ Xuân Mai, sinh năm 1944, tại Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông là cựu sinh viên Văn khoa Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có nhiều thơ, văn xuôi đăng trên các báo ở trung ương và tỉnh Phú Khánh. Tác phẩm chính: Trường ca Ở làng Phước Hậu (1978); trường ca Nàng chim Lạc (1991); Tuyển tập trường ca, văn xuôi và thơ (1995). Ông mất năm 1991 tại Hà Nội.
Tháng 4/1971, chiến trường miền Nam vẫy gọi. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Trần Vũ Mai lên đường chiến đấu, vào công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Một nhà thơ, chiến sĩ với tính cách mạnh mẽ trong sáng tác và xâm nhập thực tế, Trần Vũ Mai đã len lỏi khắp các chiến trường và cho ra đời trường ca Ở làng Phước Hậu.
Ngay trong chương 1 trường ca Ở làng Phước Hậu, nhà thơ Trần Vũ Mai đã khái quát ngôi làng và những con người kiên trung, cảm tử:
Có bao người đã chết
trong năm bảy mươi
Hãy nhớ lại
những ai đã hy sinh tháng hai, tháng ba, hay tháng mười năm sáu chín
rất tự nhiên họ hóa những chiếc cầu
cho chúng tôi về Nam
năm một nghìn chín trăm bảy mốt
…Thêm một chiếc cầu nữa
cho chúng tôi về tận Tuy Hòa
đêm Phước Hậu, bò qua ruộng lúa
nghe tiếng ngáp dài
tên lính bảo an…
Và nhà thơ khắc họa chân dung người mẹ làng Phước Hậu anh hùng, cũng chính là hình ảnh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất:
…Một buổi sớm
mẹ ra mở cổng
nào ngờ
chúng cột dây mình
vào then ngang…
Vâng nếu mẹ còn sống
mẹ sẽ xòe bàn tay mà bụm
miệng con
vì mẹ không ưa lời tán tụng
nhưng hôm nay mẹ đã chẳng còn
và con nói
như ngày xưa con ghé vào tai mẹ kể
tỉ tê chuyện thế giới,
chuyện đất nước mình
những lý lẽ ta làm chiến tranh
những cái lý cho ta không sợ chết,
rồi mai sáng ra đồng, ra chợ
mẹ nói thành chuyện ang gạo,
củ hành
với những ví von thấm nhuần
và rõ rệt
miếng trầu vui nước mắt
ướt lưng tròng
cùng bao nhiêu độ lượng
ở bên trong…
Cũng trong bản trường ca anh hùng Ở làng Phước Hậu, những câu kết vô cùng lãng mạn cách mạng với một tương lai phơi phới tự tin:
Ôi ngọn gió báo tin lành đổi mới
Với lòng yêu xin chào nhé hôm nay...
* * *
Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân phường 9 hôm nay tiếp tục tinh thần đoàn kết nhất trí duy trì ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bí thư Đảng ủy phường 9 Phạm Như Ý cho biết: Phục hồi sau đại dịch COVID-19, toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân phường 9 đã phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kinh tế có mức tăng trưởng khá ở các lĩnh vực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 220% kế hoạch. Năm mới 2023, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ và Nhân dân phường 9 tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, làm cơ sở động lực hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm 2020-2025.