Phương án đáp trả vụ tập kích căn cứ tại Jordan của Mỹ
Đài CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho biết phản ứng của nước này với vụ tập kích căn cứ tại Jordan tối 28.1 sẽ mạnh mẽ hơn nhiều cuộc tấn công đáp trả trước đây.
Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực phải khiến hoạt động tập kích chấm dứt. Từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra cho đến nay, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq đã nhắm vào lực lượng Mỹ đồn trú hơn 160 lần làm khoảng 120 quân nhân bị thương. Một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Iran để gửi đi thông điệp cứng rắn.
Thách thức lớn nhất là phản ứng mạnh mẽ nhưng không làm bùng lên chiến tranh quy mô khu vực. Vài tháng gần đây Mỹ không ngần ngại tấn công đáp trả, tuy nhiên chẳng cuộc tấn công nào đủ sức khiến các nhóm vũ trang ngừng tay.
Cựu trung tướng Mark Hertling nhận xét cái chết của 3 binh sĩ trong vụ tập kích căn cứ tại Jordan mới đây chắc chắn đã vượt qua giới hạn của Tổng thống Biden. Cả giới quan chức lẫn giới phân tích đều dự báo Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ không giới hạn ở chỉ một quốc gia hay chỉ trong một ngày, mặc dù vậy khả năng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Iran không cao. Tổng thống Biden nói rằng phản ứng lần này có thể được chia thành nhiều cấp độ, theo nhiều giai đoạn và kéo dài.
Một trong số phương án đáp trả là tấn công các nhóm vũ trang tại Syria và Iraq lần nữa - đặc biệt nhắm vào nhân vật lãnh đạo. Đầu tháng qua Mỹ từng thực hiện không kích khiến một thành viên cấp cao của nhóm Harakat al-Nujaba ở Iraq thiệt mạng.
Phương án khác là tấn công mạng. Hiện tại Mỹ giữ kín thông tin về nguồn gốc máy bay không người lái (UAV) tập kích căn cứ tại Jordan cũng như nhóm đứng sau vụ việc nhằm đảm bảo yếu tố bất ngờ khi tấn công đáp trả. Giới chức nước này chỉ nói dường như nhóm Kataib Hezbollah tại Iraq hỗ trợ thực hiện tập kích.
Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Aaron David Miller, Washington có thể tấn công lực lượng Iran đồn trú Iraq, Syria hoặc tàu chiến Iran trên vịnh Ba Tư. Thậm chí học giả Matthew Kroenig (Trung tâm Chiến lược - An ninh Scowcroft) còn đề xuất nhắm vào quan chức quân sự Iran giống như cựu Tổng thống Donald Trump từng hạ lệnh không kích giết chết tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani năm 2020.
Tuy nhiên tấn công mục tiêu Iran là phương án ít được lựa chọn nhất vào lúc này. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby khẳng định Mỹ không muốn gây chiến với Iran cũng như không muốn làm bùng lên chiến tranh quy mô khu vực.
Hiện chưa có bằng chứng Iran chỉ đạo thực hiện vụ tập kích tối 28.1 hoặc muốn leo thang xung đột với Mỹ dù chắc chắn rằng Tehran hỗ trợ tài chính lẫn quân sự cho các nhóm vũ trang trong khu vực suốt nhiều năm qua. Mới đây Iran đã lên tiếng phủ nhận đứng sau vụ tập kích.