Phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình- Nam Định- Thái Bình của tỉnh Thái Bình không được ủng hộ
Tỉnh Thái Bình được đề nghị làm rõ một số vấn đề lớn đối với dự án cao tốc Ninh Bình- Nam Định- Thái Bình như chia nhỏ thành nhiều dự án thành phần; tăng tổng mức kinh phí tham gia của ngân sách...
Tách dự án, tăng ngay hơn 5.200 tỷ đồng
Bộ KH-ĐT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Theo Bộ này, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình không khả thi, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công - tư, hình thức hợp đồng BOT do nhà thầu đề xuất. Tỷ lệ vốn nhà đầu tư tham gia dự án ít nhất 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BOT.
Tại báo cáo vào giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất phương án đầu tư toàn tuyến với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 19m, vận tốc khai thác tối đa 100 km/h, công tác GPMB được thực hiện với bề rộng 24,75m.
Phân tích khoản vốn BOT đầu tư đoạn tuyến Nam Định - Thái Bình khoảng hơn 8.209 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.574 tỷ đồng so với vốn BOT dự án Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, trong khi thời gian hoàn vốn dự án PPP không thay đổi, UBND tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách dự án đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công.
Đối với đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình được chia thành tiểu dự án GPMB và dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường. Trong đó, tiểu dự án GPMB (bao gồm cả đường gom) thực hiện theo hình thức đầu tư công, các địa phương chịu trách nhiệm GPMB và bố trí nguồn ngân sách tỉnh để triển khai; Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Cũng theo tính toán, tổng vốn đầu tư công theo phương án tách là hơn 16.749 tỷ đồng, cao hơn gần 5.248 tỷ đồng so với phương án ban đầu.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 12.300 tỷ đồng (chiếm 73,43% tổng vốn đầu tư công của dự án, gồm 4.500 tỷ đồng hỗ trợ đoạn qua tỉnh Ninh Bình, 7.800 tỷ đồng hỗ trợ các đoạn qua Nam Định, Thái Bình).
Ngân sách Trung ương hỗ trợ 7.800 tỷ không khả thi
Dù vậy, Bộ KH-ĐT cho rằng, phương án UBND tỉnh Thái Bình đề xuất chưa thống nhất với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi: tăng từ 1 lên 3 dự án thành phần, thay đổi về phương thức thực hiện dự án, chưa đạt tỷ lệ vốn nhà đầu tư tham gia dự án ít nhất 50% tổng mức đầu tư dự án, để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, Bộ KH-ĐT đề nghị tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương liên quan làm rõ lý do đề xuất tách dự án làm tăng nguồn vốn đầu tư công.
Đồng thời, làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định việc giao UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư đoạn tuyến cao tốc qua địa phương theo hình thức đầu tư công.
“Theo phương án đề xuất, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án PPP đoạn qua các tỉnh: Nam Định, Thái Bình khoảng gần 10.250 tỷ đồng. Căn cứ quy định Luật PPP, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng cần phối hợp làm rõ cơ quan nào trình Quốc hội kèm theo lộ trình dự kiến”, Bộ KH-ĐT đề nghị.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, việc tỉnh Thái Bình đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 7.800 tỷ đồng là không khả thi, cần làm rõ khả năng cân đối vốn, bố trí ngân sách của các địa phương thực hiện dự án.
“Khả năng góp vốn, huy động vốn của nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án PPP cũng cần được làm rõ, đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư tham gia dự án ít nhất 50% tổng mức đầu tư của dự án”, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.