Phương án mới nhất tên gọi của các Bộ ngành khi sáp nhập
Ngày 11/1, thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết vừa có báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức Bộ máy của Chính phủ.
Theo đó, thực hiện ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 13038-CV/VPTW ngày 10/01/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận phiên họp Bộ Chính trị ngày 10/01/2025 về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cùa Chính phủ, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, cụ thể như sau:
Giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
Giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Giữ nguyên tên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Các Bộ, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như đề xuất tại Báo cáo số 3792- BC/BCSĐCP ngày 31/12/2024 của Ban cán sự đảng Chính phủ. Cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Dào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 Trung ương khóa 12 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chủ trì Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực triển khai nhiệm vụ và công tác chuẩn bị phiên họp của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, đề xuất phương án thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng nêu rõ, nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, phiên họp thống nhất phương án để trình cấp có thẩm quyền về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, theo đó dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan). Cùng với đó, các bộ, cơ quan giảm nhiều đơn vị cấp tổng cục, vụ, cục, phòng, đơn vị sự nghiệp.
Về số lượng đầu mối, tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan rà soát, đề xuất phương án, bảo đảm không trùng chéo, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ; một việc chỉ giao một cơ quan, một cơ quan làm nhiều việc.
Các cơ quan chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu về giảm đầu mối bên trong thì phải làm lại phương án để đạt mục tiêu, bảo đảm các bộ không sáp nhập, hợp nhất thì giảm ít nhất 15-20% đầu mối, các bộ sáp nhập, hợp nhất thì giảm ít nhất 35% trở lên.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người và dự kiến cần 130.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ.
Trong đó, 111.000 tỷ đồng dùng để thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức; 4.000 tỷ đồng cho người lao động; 9.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội; và 2.000 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn kinh phí này sẽ được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.