Phương án 'nâng đời', khai thác lưỡng dụng Cảng hàng không Gia Bình

Đơn vị tư vấn lập Đề án Nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình khai thác lưỡng dụng vừa phục vụ an ninh - quốc phòng vừa kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ phía các bộ, ngành liên quan.

Vị trí Cảng hàng không Gia Bình

Vị trí Cảng hàng không Gia Bình

Những tham số để "nâng đời"

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 393/BGTVT - KHĐT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh tham gia ý kiến về Đề án Nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình (Bắc Ninh).

Đây là văn bản đã được Bộ GTVT tổng hợp ý kiến của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Xây dựng và UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Bắc Giang cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT đối với Đề án.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, tại Quyết định số 648/QĐ-TTg, ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy định: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành công cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện. Theo đó, sân bay Gia Bình (sân bay chuyên dùng phục vụ an ninh - quốc phòng) là một trong 12 cảng hàng không, sân bay tiềm năng có khả năng được đưa vào quy hoạch thành cảng hàng không khai thác lưỡng dụng, trong đó có hàng không dân dụng.

Căn cứ vào mặt bằng dự kiến quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình, đơn vị tư vấn đề xuất Dự ánđầu tư xây dựng Cảng hàng không Gia Bình được phân ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn I - đến năm 2030 đảm bảo khai thác 1 triệu lượt hành khách/năm và 250 tấn hàng. Giai đoạn II - đến năm 2050 khai thác 3 triệu lượt hành khác/năm và 1 triệu tấn hàng hóa.

Trong giai đoạn I, ADCC đề xuất đầu tư hệ thống đường cất hạ cánh kích thước 3.500x45 m; đường lăn, sân đỗ máy bay của Trung đoàn Không quân Công an, khu doanh trại, nhà ga chuyên cơ, sân đỗ máy bay chuyên cơ, nhà xe kỹ thuật ngoại trường; các công trình đảm bảo hoạt động bay…

Để khai thác hàng không dân dụng, cũng trong Giai đoạn I, Dự án còn xây dựng nhà ga hành khách đáp ứng khai thác 1 triệu lượt hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đáp ứng 250.000 tấn hàng hóa/năm; đài kiểm soát không lưu; sân đỗ máy bay hàng không dân dụng; các công trình cơ quan nhà nước tại cảng hàng không; hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật khu hàng không dân dụng đáp ứng khai thác.

Quyết định số 648 cũng giao UBND các tỉnh tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không, trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), gửi Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 98/QĐ-TTg, ngày 17/9/2024 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân bay Gia Bình, Thủ tướng cũng đã giao UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình làm cơ sở báo cáo Thủ tướng quyết định bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc.

“Như vậy, việc UBND tỉnh Bắc Ninh lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình để đánh giá tiềm năng, khả năng xây dựng, khai thác hàng không dân dụng, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với chủ trương và nhiệm vụ được giao”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Tín hiệu thuận thứ hai cho Đề án là việc lựa chọn vị trí và khả năng quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình.

Theo Bộ GTVT, Cảng hàng không Gia Bình được hình thành trên cơ sở Sân bay Gia Bình đã được quy hoạch là sân bay chuyên dùng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Do vậy các yếu tố về điều kiện tự nhiên, địa hình cơ bản đã được đánh giá tại các hồ sơ liên quan để bảo đảm tính khả thi.

Về tổ chức vùng trời và phương thức bay, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc thiết kế các phương thức bay cho Cảng hàng không Gia Bình là khả thi về tiêu chuẩn vượt chướng ngại vật, có thể bảo đảm tránh hoàn toàn khu vực cấm bay VVP1.

Việc bảo đảm phân cách giữa các phương thức bay của Cảng hàng không Gia Bình với các phương thức bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng các phương thức bay bằng tính năng (PBN), kết hợp với điều hành bay chiến thuật để sắp xếp thứ tự tàu bay cất hạ cánh giữa các cảng hàng không một cách phù hợp.

“Các hoạt động bay ngoài vùng trời Cảng hàng không Gia Bình dự kiến do cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP) Nội Bài đảm nhận nhằm thống nhất một đầu mối điều hành bay chung cho cụm các sân bay để bảo đảm an toàn khi khai thác đồng thời trong cùng một vùng kiểm soát tiếp cận (TMA) Nội Bài”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tầm nhìn đến năm 2050, mạng cảng hàng không toàn quốc dự kiến sẽ bao gồm Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam và Nam Thủ đô Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Tư vấn bổ sung đánh giá tác động liên quan giữa Cảng hàng không Gia Bình với Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô Hà Nội trong tầm nhìn đến năm 2050.

Cơ hội cho phát triển logistics

Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã gửi Đề án Nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình (do Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không - ADCC lập) để tham vấn các bộ, ngành liên quan.

Theo đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình trong giai đoạn quy hoạch sẽ có diện tích công trình trong ranh giới 363,5 ha, tăng khoảng 250 ha so với quy mô giai đoạn I đang được Bộ Công an triển khai xây dựng.

Mô hình hoạt động của Cảng hàng không Gia Bình là phục vụ các nhiệm vụ của Trung đoàn Không quân Công an, đảm bảo an ninh Tổ quốc (Công an) kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, tương tự mô hình của Cảng hàng không Phan Thiết là cảng hàng không phục vụ các hoạt động về quốc phòng - an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh hoạt động hàng không quân sự, Cảng hàng không Gia Bình nếu được cấp có thẩm quyền cho phép sẽ khai thác các tuyến bay nội địa trục Bắc - Nam, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước như TP. HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phù Cát, Liên Khương, Cần Thơ; các tuyến bay chuyên cơ trực tiếp đến sân bay các nước trên thế giới và ngược lại.

Đối với các tuyến bay quốc tế vận chuyển hành hóa, Cảng hàng không Gia Bình sẽ khai thác các tuyến bay trực tiếp đến sân bay của các nước trên thế giới mà Việt Nam đã mở đường bay thương mại.

Với quy mô đầu tư như trên, tổng tổng mức đầu tư Dự án cảng hàng không Gia Bình giai đoạn đến năm 2030 là 17.159 tỷ đồng; giai đoạn II (hoàn thiện toàn bộ các khu chức năng của Dự án) ước khoảng 14.150,68 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ được huy động để xây dựng các công trình dùng chung (đường cất hạ cánh, đường lăn, đài kiểm soát không lưu), sân đỗ và nhà ga VIP, sân đỗ và khu doạnh trại; nguồn vốn xã hội hóa hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ được dùng để xây dựng các công trình hàng không dân dụng gồm” sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, nhà ga hàng không dân dụng, hệ thống giao thông tiếp cận.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, do phần lớn đất đai dự kiến của Cảng hàng không Gia Bình có mục đích sử dụng là đất an ninh, cùng với việc dự kiến khai thác lưỡng dụng đối với tài sản đặc biệt (đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống thiết bị hạ cất cánh,...) có thể dẫn tới vướng mắc khi triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Do vậy, đề nghị đơn vị tư vấn xác định rõ hơn mô hình của doanh nghiệp cảng hàng không (là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an hay mô hình khác); trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm của mô hình để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về phương án đầu tư, mô hình khai thác cho phù hợp.

Tại Đề án, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành Cảng hàng không Gia Bình với mục tiêu, mục đích chính là phục vụ an ninh quốc gia và phục vụ hoạt động chuyên cơ của nhà nước, hoạt động bay dân dụng là hoạt động bổ sung, hỗ trợ để tăng hiệu quả khai thác của Cảng hàng không Gia Bình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

“Việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Cảng hàng không Gia Bình cần gắn liền với mục tiêu đề ra và nên được phân tích, đánh giá trên tổng thể các mục tiêu của Dự án, không nên đánh giá riêng hiệu quả đầu tư khi chỉ gắn với hoạt động kinh tế khai thác hàng không dân dụng đơn thuần”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, vừa qua, địa phương đã phối hợp với Bộ Công an triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho giai đoạn I của Dự án xây dựng Cảng hàng không Gia Bình và đã hoàn thành bàn giao đất cho Bộ Công an triển khai xây dựng sân bay.

“Trên cơ sở nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không để thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử và phát triển các trung tâm logistics của tỉnh, việc tận dụng cơ sở hạ tầng khu bay đang được đầu tư xây dựng việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của địa phương là cần thiết”, ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phuong-an-nang-doi-khai-thac-luong-dung-cang-hang-khong-gia-binh-d240725.html