Phương án sắp xếp bộ máy đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Tài chính, có 14 ban, giảm 7 đơn vị so với hiện nay...
Bộ Nội vụ đã có báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có đề cập đến phương án sắp xếp bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính được giao tổ chức lại Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành đơn vị sự nghiệp công lập, có 14 ban (giảm 7 đơn vị). Đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thành 35 Bảo hiểm xã hội khu vực.
Sắp xếp, cơ cấu lại 640 Bảo hiểm xã hội cấp huyện xuống còn 350 Bảo hiểm xã hội liên huyện, bỏ 147 Tổ nghiệp vụ (giảm 651/1.465 đầu mối, tương đương với 44,4%).
Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hồi tháng 12/2024, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đã báo cáo khái quát về mạng lưới bảo hiểm xã hội, tính đặc thù và hoạt động và công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, những năm gần đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Triển khai các chỉ đạo của cấp trên, căn cứ yêu cầu bảo đảm tính bền vững, tăng độ bao phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng phương án chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Tài chính. Tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính.
Đồng thời đề xuất việc sắp xếp tinh gọn bộ máy như sau: Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 21 ban và tương đương, sẽ triển khai sáp nhập, hợp nhất để giảm các đơn vị.
Tương tự, tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh cũng sẽ sắp xếp để giảm đầu mối. Ở cấp huyện cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi, đồng thời có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn, qua đó sẽ giảm đầu mối bảo hiểm xã hội cấp huyện…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nêu các đề xuất liên quan đến việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo Nghị định 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phuong-an-sap-xep-bo-may-doi-voi-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam.htm