Phương án sắp xếp, tinh gọn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam như thế nào?

Phương án sắp xếp, tinh gọn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã được xây dựng. Theo đó, cơ quan này sẽ triển khai sáp nhập, hợp nhất để giảm 5 đơn vị.

Triển khai các chỉ đạo của cấp trên, căn cứ yêu cầu bảo đảm tính bền vững, tăng độ bao phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng phương án chuyển Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Tài chính; tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính.

Theo đề xuất việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có 21 ban và tương đương, sẽ triển khai sáp nhập, hợp nhất để giảm 5 đơn vị. Tương tự, tại Bảo hiểm Xã hội các tỉnh cũng sẽ sắp xếp để giảm 24,6% đầu mối. Ở cấp huyện, cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi. Đồng thời, có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn, qua đó, sẽ giảm đầu mối bảo hiểm xã hội cấp huyện…

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất xác định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất xác định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Tại cuộc họp với các bộ, ngành về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ các mốc thời gian cần thực hiện, đồng thời yêu cầu sắp xếp phải gọn nhẹ hơn trước, hoạt động hiệu quả hơn, chi thường xuyên ít hơn và mức độ đầu mối phải giảm tối thiểu 15%; giảm bớt khâu trung gian; phân cấp phân quyền mạnh hơn, rõ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tính toán tên gọi cho phù hợp với một quỹ Nhà nước ngoài ngân sách ở tầm quốc gia, đặt tại Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tính liên tục, liên hoàn, phục vụ người dân tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Các đầu mối bộ máy Bảo hiểm Xã hội ở Trung ương được yêu cầu thu gọn, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh. Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, nên giữ nguyên. Còn khu vực đồng bằng, có thể thu gọn lại và thành lập mô hình bảo hiểm xã hội liên huyện.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ và công tác tài chính - kế toán, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi, thời cơ đan xen, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, bộ máy tổ chức, biên chế tiếp tục được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành được giữ vững; phân công công việc đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả). Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ngày càng được nâng cao. Chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - nêu rõ, toàn thể công chức, viên chức trong ngành cần đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt triển khai các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ; thống nhất xác định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, theo nguyên tắc “một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao một đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn…”. Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất, sắp xếp tổ chức bên trong từng cơ quan, đơn vị, chuẩn bị nhân sự, rà soát hoạt động, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được yêu cầu cần bám sát các chủ trương, định hướng của ngành trong thời gian tới để cùng thống nhất, đồng lòng quyết tâm hành động, quán triệt, động viên công chức, viên chức trong đơn vị yên tâm tư tưởng, gương mẫu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đồng thời lưu ý, không để ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phuong-an-sap-xep-tinh-gon-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-nhu-the-nao-363927.html