Phương án thi THPT mới gây khó cho vùng khó ở tỉnh miền núi Sơn La

Việc điều chỉnh kỳ thi là cần thiết song cũng sẽ khó khăn đối với học sinh ở các xã xa trung tâm huyện khi phải thi đến 2 lần.

Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi THPT mới đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh ở vùng khó của tỉnh miền núi Sơn La. Đa số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh kỳ thi là cần thiết sau 3 tháng bị gián đoạn việc học tập, song cũng sẽ khó khăn đối với học sinh ở các xã xa trung tâm huyện khi phải thi đến 2 lần.

Khó khăn cho học sinh vùng xa vì không học được online.

Khó khăn cho học sinh vùng xa vì không học được online.

Khi tìm hiểu về phương án thi THPT mới vẫn được tổ chức nhưng chỉ để xét tốt nghiệp thay vì vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học như những năm trước. Còn việc tuyển sinh đại học sẽ được giao về cho các trường đại học trên tinh thần có sự chuẩn bị và theo Luật Giáo dục đại học, em Lò Mai Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cảm thấy lo lắng và rất áp lực. Linh và các bạn cứ nghĩ năm nay cũng giống năm trước, thi tốt nghiệp rồi lấy điểm đó xét tuyển vào đại học. Nay phải thi hai lần sẽ rắc rối hơn. Nhất là trong thời gian qua, nhiều bạn ở các bản xa không thể học qua mạng vì không có điều kiện, lượng kiến thức đã hổng đi nhiều.

"Em thấy lượng kiến thức đã giảm tải rồi nhưng trong quá trình nghỉ học dài, học qua online thì chỉ đáp ứng được với các bạn thực sự chăm chỉ mới tiếp thu được kiến thức, còn rất nhiều bạn ở vùng sâu, vùng xa các bạn phải đi làm nương, phụ giúp bố mẹ không thể học online được thì rất khó khăn", em Lò Mai Linh cho biết.

Cô giáo Trần Thị Nhung, Trường THPT Mường Bú, huyện Mường La cho rằng: với tiêu chí là giảm tải thì kỳ thi này không nên tách làm hai. Nếu chỉ phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ thì học sinh sẽ phải trải qua 2 kỳ thi thay vì 1 như trước. Dù dễ hay khó cũng là thêm 1 kỳ thi và áp lực sẽ tiếp tục đặt lên vai của học sinh lẫn phụ huynh. Trong khi đó ở miền núi điều kiện đi lại khó khăn, thời điểm thi là cao điểm mùa mưa lũ. Đặc biệt, với nhiều học sinh ở các bản làng xa chỉ mong muốn sau 12 năm học có được chứng nhận tốt nghiệp để về sản xuất nông nghiệp tại gia đình hoặc đi học nghề.

Cô giáo Trần Thị Nhung hướng dẫn học sinh học môn Toán trên mạng.

Cô giáo Trần Thị Nhung hướng dẫn học sinh học môn Toán trên mạng.

Cô giáo Trần Thị Nhung cũng bày tỏ, thuận lợi nhất cho các em là kiến thức sẽ tập trung vào 90% học kỳ 1 và 10% kiến thức học kỳ 2. Tuy nhiên khi đi học lại, thời gian để ôn tập, phụ đạo kiến thức sẽ khá vất vả vì đối với học sinh miền núi không có điều kiện học online, phần lớn thời gian nghỉ học ở nhà các em làm ruộng, nương:

Thầy giáo Phạm Văn Long, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Bú, huyện Mường La cho biết, nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Sở tổ chức kỳ thi này và Bộ là người chỉ đạo trực tiếp ra đề thì nên có hướng tăng cường mức độ nhận biết nhiều hơn, đề thi dễ hơn so với năm 2019 và trở về trước, mới hy vọng học sinh tự tin để làm bài thi lấy kết quả xét tốt nghiệp. Về thời gian tổ chức kỳ thi diễn ra từ ngày 8-11/8 không có gì gấp gáp, chỉ gấp gáp cho các nhà trường về công tác tuyển sinh vào năm học mới:

"Vì việc nghỉ học phòng chống dịch kéo dài, học sinh miền núi ít có điều kiện để tiếp xúc ôn tập nhiều hơn so với dưới xuôi, nên chắc chắn không phải mỗi ở Mường Bú mà tất cả các trường THPT nằm trên địa bàn xã là sẽ khó khăn, thuận lợi chủ yếu là các trường ở thành phố và các trường nằm ở trung tâm huyện. Trên cơ sở đấy chúng tôi mong muốn đề thi của Bộ sẽ làm thế nào đấy đáp ứng được phần lớn kiến thức của vùng khó khăn là nhiều", thầy Phạm Văn Long cho biết.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên các trường THPT tại các xã của tỉnh Sơn La, việc giao cho toàn bộ giáo viên của địa phương coi thi và chấm thi cũng là cái mới nhưng lại có cái khó cho miền núi. Giáo viên dạy môn gì, khi thi môn đấy không được coi thi nữa. Điều này sẽ là áp lực cho ngành, phải điều động đội ngũ coi thi nhiều hơn, có thể sẽ thiếu hụt về con người. /.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phuong-an-thi-thpt-moi-gay-kho-cho-vung-kho-o-tinh-mien-nui-son-la-1040834.vov