Khen thưởng sao cho thực chất

Để vườn hoa thi đua kết 'quả ngọt' thực sự thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức công tâm, khách quan, khen thưởng phân minh trên cơ sở đánh giá trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị phải phát huy dân chủ, công khai bình xét khen thưởng đúng người, đúng việc.

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Cùng với nhìn lại chất lượng và tiến độ triển khai, thực hiện công việc sau nửa năm, các hoạt động sơ kết 6 tháng cũng là dịp để đánh giá công tác thi đua, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nhân rộng, lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào thi đua.

Nếu ví thi đua là gieo trồng thì khen thưởng là gặt hái. Thi đua để tạo động lực cho mọi người cùng phấn đấu đạt được những chỉ tiêu đề ra. Còn khen thưởng là hái “quả ngọt” sau quá trình nỗ lực thực hiện các mặt thi đua.

Trong tâm lý con người, ai cũng thích được khen. Dù chỉ là lời biểu dương đúng lúc, đúng chỗ cũng tạo tinh thần hứng khởi, tự tin cho mỗi người. Hình thức khen tạo ra cảm xúc tích cực, có tác dụng kích thích con người hành động hướng đến những việc làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Đi cùng với khen là thưởng. Đó là những lợi ích về vật chất hoặc tinh thần dành cho cá nhân, tập thể được khen. Khen thưởng đúng người, đúng việc chính là biện pháp hữu hiệu để nhân thêm người tốt - việc tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những danh hiệu, phần thưởng dành cho các tập thể, cá nhân xứng đáng, thực tế thời gian qua, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn những bất cập trong công tác khen thưởng. Vì muốn được khen thưởng, một số cá nhân, tập thể có động cơ thi đua không lành mạnh, thiếu trong sáng, tìm mọi cách để "đánh bóng" kết quả, nâng cấp thành tích. Có người vì mục đích cá nhân đã “chạy” khen thưởng nhằm đủ tiêu chí xét cân nhắc vị trí mới, nâng lương.

Có trường hợp lợi dụng địa vị công tác để vơ nhận khen thưởng thái quá về mình. Người lại phấn đấu theo “mùa vụ”, được khen rồi thì có biểu hiện làm việc trung bình chủ nghĩa, cầm chừng. Trong khi đó, còn có đơn vị khen thưởng theo kiểu phân bổ đều chỉ tiêu hoặc xoay vòng lần lượt để ai cũng được khen, "hoa thơm mỗi người hưởng một tí". Cách làm này vô hình trung tạo ra tâm lý cào bằng, triệt tiêu động lực phấn đấu thi đua.

Người Việt ta rất coi trọng khen thưởng, coi đó là niềm vinh dự trước cộng đồng, làng xã. “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” là vậy! Khi khen thưởng thực chất là góp phần tạo "men say" tích cực để mỗi cá nhân, tổ chức tăng thêm niềm tin, động lực rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ngược lại, khen thưởng thiếu trung thực, không công bằng, chạy theo thành tích, tranh công đổ lỗi không chỉ là hành vi thiếu văn hóa mà còn kéo phong trào thi đua đi xuống, thậm chí gây mất đoàn kết, tạo dư luận xấu trong tập thể.

Để vườn hoa thi đua kết “quả ngọt” thực sự thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức công tâm, khách quan, khen thưởng phân minh trên cơ sở đánh giá trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị phải phát huy dân chủ, công khai bình xét khen thưởng đúng người, đúng việc.

Cùng với đó, mỗi người cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị của phong trào thi đua, đề cao lòng tự trọng, uy tín, danh dự, tự giác phấn đấu để nhận được hình thức khen thưởng xứng đáng. Việc khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ góp phần tạo ra nền tảng văn hóa thi đua lành mạnh, lan tỏa những năng lượng tích cực, giá trị tốt đẹp cho cơ quan, đơn vị./.

VŨ DUY (qdnd.vn)

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/khen-thuong-sao-cho-thuc-chat-155020