Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhẹ nhàng và hợp lý

Nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Đà Nẵng cho rằng, phương án thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là rất hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Các em học sinh trong giờ học. Ảnh minh họa.

Các em học sinh trong giờ học. Ảnh minh họa.

Nhẹ nhàng và hợp lý

Em Hồ Ngọc Quyên - học sinh lớp 11 Trường THPT Ông Ích Khiêm (TP Đà Nẵng), cho hay, ngay từ những ngày đầu khi có thông tin Bộ GD&ĐT thay đổi phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em đã ủng hộ phương án 2 + 2.

“Với em phương án này không chỉ giúp học sinh giảm áp lực thi cử mà quan trọng hơn, học sinh có thời gian cũng như điều kiện để lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai", em Quyên nói.

Tương tự em Phạm Thế Toàn học sinh lớp 11 cho rằng, với 4 môn thi như vậy em sẽ được giảm áp lực thi cử, đồng thời có thời gian để lựa chọn môn học sở trường, thời gian để đầu tư cho 4 môn thi cũng sẽ nhiều hơn.

Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài (TP Đà Nẵng).

Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài (TP Đà Nẵng).

Th.S Đặng Phúc Hậu – Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có con gái đang học lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, điểm khác biệt nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong phương án thi Tốt nghiệp THPT lần này là môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc mà là 1 trong 9 môn thi tự chọn.

Th.S Đặng Phúc Hậu phân tích, điều quan trọng là cho dù không thi Tốt nghiệp môn ngoại ngữ thì từ bậc tiểu học đến THPT, từ lớp 3 đến lớp 12 vẫn phải dạy và học ngoại ngữ một cách nghiêm túc mới đảm bảo được yêu cầu, mục tiêu của Chương trình GDPT.

“Lên Đại học, sinh viên vẫn tiếp tục phải học ngoại ngữ xem như là 1 điều kiện cần và đủ để tốt nghiệp, đó là chưa kể một số ngành, chuyên ngành phải học ngoại ngữ chuyên ngành bắt buộc với những yêu cầu cao hơn.

Khi môn ngoại ngữ không còn bắt buộc đối với thi Tốt nghiệp THPT cũng sẽ tránh được sự bất công bằng trong đánh giá kết quả thi môn ngoại ngữ giữa những khu vực có điều kiện khó khăn trong việc dạy và học ngoại ngữ đối với những khu vực có điều kiện hơn trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Chẳng hạn như sự chênh lệnh về trình độ ngoại ngữ giữa học sinh nông thôn và học sinh thành thị, sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ của học sinh các trường miền núi, vùng cao so với học sinh các trường miền xuôi khi mà Chương trình GDPT mới 2018 bắt buộc học ngoại ngữ đối với học sinh cả nước từ lớp 3 đến lớp 12”, Th.S Đặng Phúc Hậu nêu ý kiến.

Phù hợp với Chương trình GDPT 2018

Th.S Đặng Phúc Hậu chia sẻ thêm, phương án thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là hợp lí, giảm áp lực học tập và thi cử nhiều môn như hiện nay. Từ đó, học sinh có nhiều thời gian để tập trung ôn tập cho các môn theo tổ hợp xét tuyển Đại học, tiết kiệm chi phí khi giảm bớt môn thi, giảm bớt được số buổi thi.

“Phương án thi này cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực của của học sinh; đáp ứng được định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, thực hiện phương châm học gì thi nấy chứ không như trước đây là thi gì học nấy.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là để có cơ sở cho học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo, các trường THPT có định hướng dạy và học theo định hướng nghề nghiệp cho học sinh để học sinh lựa chọn các môn thi trong 9 môn lựa chọn phù hợp với việc xét tuyển vào Đại học thì các trường Đại học cần sớm công bố tổ hợp môn xét tuyển của trường mình để làm sao trường THPT có được sự chuẩn bị một cách tốt nhất nhằm gắn kết chặt chẽ, chuyển tiếp hiệu quả giữa giáo dục phổ thông và đào tạo đại học”, Th.S Đặng Phúc Hậu kiến nghị.

Học sinh, phụ huynh và giáo viên đồng tình với phương án thi Tốt nghiệp THPT năm 2025.

Học sinh, phụ huynh và giáo viên đồng tình với phương án thi Tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đồng quan điểm trên, cô giáo Trương Thị Hồng Cúc, giáo viên môn Ngữ văn - Trường THPT Phan Thành Tài (Đà Nẵng) cho biết, về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 dành cho các em học sinh khóa đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT 2018 là rất phù hợp.

“Là giáo viên THPT tôi nhận thấy phương án thi Tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD&ĐT đưa ra là phù hợp với học sinh khi môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Trong đó, môn Ngữ văn hình thức tự luận là rất hợp lí vì đặc thù của môn học này cơ bản vẫn phải là đọc hiểu văn bản và tạo lập được văn bản.

Do ngay từ đầu cấp học THPT là các em đã được tự chọn các tổ hợp môn học vậy nên các em sẽ chủ động được lựa chọn hai môn còn lại để tham gia kì thi. Như vậy các em sẽ chủ động hơn và tự tin hơn trong ôn tập và kiểm tra”, cô Hồng Cúc chia sẻ.

Còn thầy giáo Nguyễn Văn Nghệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (TP Đà Nẵng) cho hay, theo quan điểm của cá nhân thầy thì việc công bố phương án này rất phù hợp.

“Phù hợp với Chương trình GDPT 2018, phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Tiết kiệm nhiều tiền của, công sức và đặc biệt là giảm áp lực cho giáo viên, học sinh, gia đình và cho cả xã hội”, thầy Nghệ nhấn mạnh.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-nhe-nhang-va-hop-ly-post664594.html