Phương án xử lý 3.600 cán bộ, công chức xã ở Thanh Hóa dôi dư sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập, Thanh Hóa sẽ con 166 đơn vị hành chính cấp xã với 9.960 biến chế và khoảng 3.600 cán bộ, công chức dôi dư.

Vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi sau sáp nhập

Tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Đề án số 100/ĐA-UBND, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp, phương hướng bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.

Theo đề án, mỗi ĐVHC cấp xã mới sẽ được bố trí trung bình 60 biên chế (gồm khối đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội); với tổng số 166 ĐVHC cấp xã mới, Thanh Hóa dự kiến sẽ được bố trí 9.960 biên chế, toàn tỉnh sẽ dôi dư khoảng 3.600 cán bộ, công chức, người lao động.

Ban thường vụ cấp ủy xã, phường mới lãnh đạo UBND cấp xã mới xây dựng phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp, bảo đảm trong thời hạn 5 năm, bố trí theo đúng số lượng quy định.

Đối với 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa sẽ vận động nghỉ hưu trước tuổi và hưởng các chế độ, chính sách theo chế độ chung đối với các trường hợp không đủ tuổi tái cử cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hoặc còn từ dưới 5 năm công tác.

Rà soát, đánh giá thực chất năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để vận động các trường hợp có trình độ chuyên môn, năng lực công tác còn hạn chế nghỉ công tác để hưởng chế độ, chính sách theo chế độ chung.

Tỉnh Thanh Hóa đưa ra phương án xử lý khoảng 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập.

Tỉnh Thanh Hóa đưa ra phương án xử lý khoảng 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập.

Đồng thời, tỉnh này cương quyết đưa ra khỏi đội ngũ các trường hợp vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, các trường hợp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức … đã có kết luận xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện bố trí cán bộ, công chức dôi dư vào làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu biên chế và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Theo phương án, chính quyền địa phương 3 cấp của tỉnh Thanh Hóa được tổ chức đầy đủ gồm HĐND và UBND ở tất cả các ĐVHC của tỉnh. Trong đó, HĐND cấp huyện, cấp xã hiện có 14.070 đại biểu (918 đại biểu HĐND cấp huyện, 13.152 đại biểu HĐND cấp xã) với 1.157 Ban của HĐND (cấp huyện 63 Ban, cấp xã 1.094 Ban); UBND cấp huyện, cấp xã có 3.185 thành viên (437 thành viên UBND cấp huyện, 2.748 thành viên UBND cấp xã) với 245 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cấp xã là 14.982 người; gồm: cấp huyện: 4.203 người (cán bộ: 482 người, công chức: 2.301 người, viên chức: 1.420 người); cấp xã: 10.779 người (cán bộ: 5.735 người, công chức: 5.044 người).

Thanh Hóa sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.

Giáo dục, y tế sẽ được giữ nguyên, chỉ chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước

Theo Đề án số 100/ĐA-UBND, Thanh Hóa sẽ giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về sở giáo dục và đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Tỉnh này cũng sẽ giữ nguyên 27 bệnh viện đa khoa tuyến huyện trực thuộc sở y tế hiện nay; tổ chức lại các phòng khám đa khoa phù hợp với quy định hiện hành, bảo đảm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giữ nguyên 26 trung tâm y tế trực thuộc sở y tế hiện nay; thành lập 166 trạm y tế là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND xã, phường mới trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 547 trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện nay.

Mường Lát là huyện duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên đơn vị hành chính cấp xã sau áp nhập.

Mường Lát là huyện duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên đơn vị hành chính cấp xã sau áp nhập.

Theo đề án, trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch cấp huyện hiện nay sẽ kết thúc hoạt động để thành lập 1 trung tâm cung ứng dịch vụ công, trực thuộc UBND xã, phường mới sau sắp xếp.

Ngoài ra, Thanh Hóa giữ nguyên 26 ban quản lý dự án cấp huyện hiện nay và chuyển về UBND tỉnh quản lý; giữ nguyên 4 ban quản lý dự án tỉnh. Từ năm 2026, Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp lại 4 ban quản lý dự án tỉnh và 26 ban quản lý dự án cấp huyện hiện nay (sau khi đã chuyển về UBND tỉnh quản lý); điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, số lượng người làm việc… bảo đảm phù hợp với quy định và tình hình thực tế.

26 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai khu vực liên xã, phường mới theo địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố như hiện nay cũng được giữ nguyên.

Thanh Hóa cũng quyết định kết thúc hoạt động của các đội kiểm tra quy tắc đô thị và quyết định theo thẩm quyền; bố trí viên chức, người lao động… của đơn vị này vào làm việc tại ban quản lý dự án thành phố và thị xã (trước khi bàn giao về tỉnh quản lý) hoặc trung tâm cung ứng dịch vụ công của các xã, phường mới; phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, nghiệp vụ.

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phuong-an-xu-ly-3600-can-bo-cong-chuc-xa-o-thanh-hoa-doi-du-sau-sap-nhap-204250522182250807.htm