Phường Chợ Lớn: 'Trái tim y tế' phương Nam
Phường Chợ Lớn giữ vai trò quan trọng trong y tế, khi quy tụ loạt bệnh viện đầu ngành như Chợ Rẫy, Hùng Vương, Đại học Y Dược… phục vụ hàng triệu người dân khu vực phía Nam.

Phường Chợ Lớn được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của hai phường 11 và 12 (quận 5 cũ). Tên gọi “Chợ Lớn” không chỉ mang giá trị nhận diện địa lý mà còn gói ghém cả một di sản đô thị hình thành từ cuối thế kỷ 17, với đặc trưng phát triển thương nghiệp và bản sắc văn hóa độc đáo.

Những cái tên như Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông), Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Hà Chương, Hội quán Quỳnh Phủ, Hội quán Phước An, không chỉ là địa điểm hành lễ, mà còn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, thu hút du lịch, văn hóa ẩm thực...

Hội quán Nghĩa An trên đường Nguyễn Trãi - nơi thờ Quan Thánh Đế Quân. Mỗi dịp lễ lớn, đặc biệt là lễ hội Nghinh Ông, Tết Nguyên Tiêu, nơi đây thu hút hàng ngàn người dân và du khách.

Hội quán Ôn Lăng, còn gọi là chùa Quan Âm, được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 18. Không chỉ là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần phù hộ ngư dân và người đi biển, hội quán còn là di tích văn hóa đặc sắc, kết tinh giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.

Hàng năm, vào ngày 23-3 âm lịch, Hội quán Tuệ Thành tổ chức lễ Vía Bà Thiên Hậu với nghi thức cúng bái trang trọng với múa lân, lễ rước kiệu và dâng hương, thu hút cả cộng đồng người Hoa lẫn du khách tham dự. Ngày thường, nơi đây được rất nhiều du khách chọn làm điểm đến tham quan.

Không chỉ nổi bật với những hội quán mang đậm dấu ấn kiến trúc và tín ngưỡng, phường Chợ Lớn còn là nơi lưu giữ nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo giữa lòng TP.HCM.

Trong đó, lễ hội Tết Nguyên Tiêu là dịp quan trọng bậc nhất, quy tụ hàng ngàn người dân và du khách về tham dự rước đèn, dâng hương, cầu an. Không khí lễ hội rộn ràng lan tỏa khắp các tuyến đường quanh khu Chợ Lớn.

Ngoài các ngôi chùa cổ, ở phường Chợ Lớn còn có nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (còn gọi là nhà thờ Cha Tam 125 tuổi). Mái ngói âm dương, hoành phi chữ Hán và cặp câu đối hai bên, sự kết hợp này phản ánh tinh thần giao thoa văn hóa đặc trưng của khu vực phường Chợ Lớn.

Bên trong cánh cổng cổ kính là một công trình Công giáo mang phong cách kiến trúc Gothic phương Tây. Được xây dựng năm 1900 bởi linh mục Pierre d'Assou, nhà thờ Cha Tam không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là nhân chứng cho nhiều sự kiện lịch sử.

Sau những hội quán và nhà thờ mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa, một công trình nữa làm nên bản sắc của phường Chợ Lớn chính là chợ Bình Tây. Được xây dựng vào năm 1928, chợ Bình Tây là đầu mối giao thương hàng hóa quan trọng không chỉ của TP.HCM mà còn vươn ra miền Tây và Campuchia.



Cổng chính của chợ Bình Tây nằm trên trục đường Tháp Mười, nổi bật với tháp đồng hồ bốn mặt mang kiến trúc Á Đông cổ kính. Mái cổng lợp ngói âm dương, uốn cong theo kiểu đền miếu, tạo điểm nhấn trang nghiêm và bề thế cho tổng thể công trình.

Chợ Bình Tây hiện có hơn 2.300 sạp hàng, trải rộng trong tòa nhà chính hai tầng và thêm khu vực chợ ngoài trời bày bán đủ loại hàng hóa từ vải vóc, gia vị, vật dụng gia đình...

Trong khuôn viên Chợ Bình Tây có không gian thờ ông Quách Đàm, người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển chợ. Ông được xem như vị thần tài của chợ và người dân thường đến thắp hương, cúng bái để cầu may mắn trong việc kinh doanh.

Giữa hàng nghìn sạp hàng chen chúc trong lòng chợ Bình Tây, có một góc nhỏ gần lối ra phía đường Tháp Mười, nơi bà Bích Thủy (64 tuổi) đã ngồi bán nón lá suốt hơn nửa thế kỷ. "Tôi bán từ hồi còn con gái, Chợ xưa đông lắm, khách lấy sỉ chen chân, giờ thì ít hơn nhiều" - Bà Thủy chia sẻ.

Cách đó không xa, chợ Kim Biên tọa lạc tại nằm đường Vạn Tượng, chuyên bán hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm, linh kiện điện tử, mỹ phẩm...

Phía sau chợ Kim Biên là tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, con đường sầm uất được đặt theo tên của danh y nổi tiếng Lê Hữu Trác, người có công lớn với nền y học cổ truyền Việt Nam. Vào mỗi mùa Tết, con phố như “thay áo” rực rỡ, ngập tràn sắc màu và không khí náo nhiệt mua bán.



Nhà ở phường Chợ Lớn đặc trưng với dãy nhà phố liền kề mang dấu ấn kiến trúc xưa đến những căn nhà trong hẻm nhỏ, sâu, đông đúc cư dân. Nhiều ngôi nhà được thiết kế theo kiểu "vừa ở vừa buôn bán", đặc biệt phổ biến quanh các khu chợ lớn và trục đường thương mại.

Là trung tâm y tế trọng điểm của TP.HCM, phường Chợ Lớn quy tụ nhiều bệnh viện lớn có lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống người dân thành phố và cả khu vực phía Nam. Là một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy đóng vai trò đầu tàu trong điều trị và nghiên cứu y khoa.

Dọc tuyến đường Hồng Bàng, có nhiều bệnh viện lớn trọng điểm của TP. Là nơi kết hợp giữa điều trị, đào tạo và nghiên cứu y học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM quy tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Bệnh viện có nhiều chuyên khoa sâu, hiện đại và mô hình phục vụ chuẩn mực, thu hút đông đảo bệnh nhân đến khám chữa bệnh mỗi ngày.

Cạnh đó Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là cơ sở y tế đầu ngành về điều trị lao và bệnh phổi ở khu vực phía Nam. Bệnh viện phục vụ không chỉ người dân TP.HCM mà còn cả các tỉnh lân cận, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế chuyên sâu của phường Chợ Lớn.

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện chuyên về sản khoa, chăm sóc sơ sinh và hiếm muộn. Bệnh viện luôn cập nhật kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Hùng Vương cũng là nơi đi đầu trong nhiều chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản cộng đồng.

Nhiều ngôi trường nổi tiếng cũng góp mặt trong phường Chợ Lớn như Trường THCS Hồng Bàng, THPT Hùng Vương, Tiểu học Hồng Bàng...

Phường Chợ Lớn sở hữu mạng lưới giao thông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị khu vực phía Tây. Trong đó, đường Hồng Bàng là trục giao thông huyết mạch nối liền từ trung tâm thành phố qua quận 5 cũ, đi về hướng Bình Tân và các tỉnh miền Tây. Đây là tuyến đường rộng, đông đúc, tập trung nhiều bệnh viện, trường học và khu thương mại lớn, góp phần định hình diện mạo đô thị hiện đại cho phường.

Vòng xoay Phan Đình Phùng là một điểm giao thông quan trọng của phường Chợ Lớn. Đây là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Mạc Cửu, Nguyễn Thi, tạo thành một nút thắt sôi động suốt cả ngày đêm.

Cạnh đó, đường Võ Văn Kiệt là tuyến đại lộ chạy dọc qua phường Chợ Lớn, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố.

Hệ thống chính quyền của phường Chợ Lớn hiện được bố trí tại ba địa điểm thuận tiện cho người dân tiếp cận. Trụ sở Đảng ủy phường đặt tại số 209 An Dương Vương, là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt chính trị và chỉ đạo cấp cơ sở.
UBND phường Chợ Lớn tọa lạc tại số 131 Triệu Quang Phục - vốn là Trung tâm Văn hóa quận 5 trước đây, nay đã được chỉnh trang, gắn bảng tên mới và đi vào hoạt động. Trong khi đó, Trung tâm Hành chính công được đặt tại số 527 Hồng Bàng (trụ sở cũ của UBND phường 14), phụ trách tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phuong-cho-lon-trai-tim-y-te-phuong-nam-post861927.html