Phường Hoàng Liệt: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Hoàng Liệt được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đại Kim (quận Hoàng Mai); các xã: Tam Hiệp, Thanh Liệt, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì).
Lý do lấy tên phường mới là Hoàng Liệt: Thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), làng Bằng Liệt cũng là một xã thuộc tổng Quang Liệt, đến thời Vua Thành Thái thuộc tổng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1946, xã Hoàng Liệt được hình thành gồm các làng: Linh Đàm, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Bằng Liệt, thuộc huyện Thanh Trì. Từ tháng 11/2003, phường Hoàng Liệt được chuyển về trực thuộc quận Hoàng Mai.
Theo đó, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Hoàng Liệt có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Hoàng Liệt.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Hoàng Liệt
Phường Hoàng Liệt giáp các phường: Hoàng Mai, Yên Sở, Định Công, Thanh Liệt và các xã: Đại Thanh, Thanh Trì của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 4,04 km²; quy mô dân số là 55.820 người.
Phường Hoàng Liệt được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đại Kim (quận Hoàng Mai); các xã: Tam Hiệp, Thanh Liệt, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), trong đó:
Phường Đại Kim (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,15 km²; Quy mô dân số: 0 người.
Phường Hoàng Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 3,19 km²; Quy mô dân số: 47.504 người.
Thị trấn Văn Điển (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,19 km²; Quy mô dân số: 3.950 người.
Xã Thanh Liệt (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,10 km²; Quy mô dân số: 488 người.
Xã Tam Hiệp (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,41 km²; Quy mô dân số: 3.878 người.
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Hoàng Liệt
Với vị thế cửa ngõ Thủ đô, dân cư đông, hạ tầng phát triển, Hoàng Liệt là địa bàn quan trọng về phát triển đô thị và tổ chức không gian đô thị mới, đóng góp lớn vào quá trình hiện đại hóa, phát triển bền vững của thành phố. Với nhiều khu đô thị lớn như Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu nhà ở cao tầng HH, HUD…, Hoàng Liệt là một trong những khu vực đô thị hóa nhanh của thành phố. Khu đô thị Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Dự án khu đô thị Linh Đàm đã được giải thưởng kiến trúc quốc gia và giải thưởng Thăng Long của Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế phường Hoàng Liệt
Hoàng Liệt đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ sang phi nông nghiệp, chủ yếu là phát triển dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề, đất nông nghiệp truyền thống dần được thay thế bằng các khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại.
Ngành thương mại - dịch vụ là ngành chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của phường, tập trung phát triển tại các khu đô thị lớn như bán đảo Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Pháp Vân Tứ Hiệp, HH, Tây Nam Linh Đàm và các khu vực dân cư với đa dạng các loại hàng hóa và dịch vụ.
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Khu vực giáp ranh Thanh Trì và một số khu vực mới có các cơ sở sản xuất nhỏ, kho bãi logistics,… Đồng thời, phường cũng có một số làng nghề truyền thống như làng nghề làm quạt (Làng Lủ), làng nghề nấu rượu Ngâu, nghề may,…
Lĩnh vực nông nghiệp tập trung tại khu vực Tam Hiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích lúa, tăng diện tích trồng cây ăn quả, cây cảnh và rau màu.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Hoàng Liệt
Phường Hoàng Liệt được hình thành từ vùng đất cổ, nơi tồn tại các làng truyền thống lâu đời như làng Lủ, làng Giáp Tứ, làng Linh Đường, làng Đại Từ... Những làng này có lịch sử hàng trăm năm, gắn với các dòng họ lớn, đình làng cổ kính và nhiều phong tục, tập quán truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Bắc Bộ.
Hoàng Liệt là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi nhanh chóng cấu trúc dân cư: từ dân cư truyền thống sang cư dân đô thị mới. Mật độ dân số rất cao tập trung tại nhiều khu đô thị và chung cư cao tầng như Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ, HH Linh Đàm - những khu nhà ở xã hội lớn nhất Thủ đô.
Phường Hoàng Liệt là nơi giao thoa của nhiều vùng văn hóa, với cộng đồng cư dân đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sự đa dạng về nguồn gốc đã góp phần hình thành không gian văn hóa cởi mở, hiện đại và phong phú. Nghề nghiệp của người dân cũng rất đa dạng, bao gồm cán bộ công chức, giáo viên, y bác sĩ, công nhân, tiểu thương, người làm nghề tự do, kinh doanh dịch vụ, kỹ sư công nghệ và các lĩnh vực khác.
Đây cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có đầm Linh Đường nổi tiếng với các tên gọi như Long Đàm, Liên Đàm và được các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn ngợi ca là Nguyệt Kính hồ.
Hoàng Liệt luôn được nhắc đến với tư cách là một vùng quê khoa bảng, hào kiệt, một vùng quê hội tụ của nhiều danh nhân đất nước, “nơi tụ khí anh hóa” theo cách nói của nhà sử học Phan Huy Chú. Đó là Phạm Tu, Chu Văn An của vùng đất Quang Liệt; Bùi Quốc Khái, Nguyễn Đoan Lương, Phạm Kính, Đỗ Cảnh,…
Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng Thăng Long nghìn năm văn hiến, nơi đây vẫn lưu giữ được những di tích kiến trúc - nghệ thuật, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia như miếu Gàn, đình Linh Đàm (1996), chùa Liên Đàm (1995), chùa Tứ Kỳ (1995) và nhiều di tích lịch sử văn hóa khác như đình, chùa Bằng Liệt, Pháp Vân, chùa Liên, chùa Từ,.. đã phản ánh quá trình phát triển của các làng xã trên vùng đất này.
Về y tế: Phường Hoàng Liệt nằm gần các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bưu điện, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Bệnh viện Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội,… cùng trung tâm y tế và hệ thống các phòng khám tư nhân đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Về giáo dục: Là mảnh đất khoa bảng, phường Hoàng Liệt luôn quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống giáo dục các cấp, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, có nhiều thành tích trong dạy và học như: Trường Tiểu học và THCS Hoàng Liệt, Trường Tiểu học và THCS Tam Hiệp,…
Xây dựng thêm các khu vườn, công viên và không gian xanh công cộng để cải thiện chất lượng môi trường sống và tạo nơi gặp gỡ, giải trí cho cư dân. Khuyến khích việc sử dụng công nghệ xanh trong việc quản lý và duy trì không gian xanh.
Về môi trường: Ưu tiên khoanh vùng bảo vệ các khu vực cây xanh, mặt nước trên địa bàn phường; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước kết hợp các giải pháp cải tạo cảnh quan, kiểm soát chất lượng nước ao, hồ,… thành nguồn lực phát triển.
Phân loại chất thải rắn; thu gom, vận chuyển bằng công nghệ hiện đại; ưu tiên quy hoạch, bố trí trạm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại không gian ngầm để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Liệt: số 5 đường Linh Đường
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hoàng Liệt: đồng chí Nguyễn Trường Sơn
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt: đồng chí Nguyễn Anh Tuấn
Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoàng Liệt: đồng chí Nguyễn Viết Cửu.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.