Phường Hồng Hà: Tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị ven sông Hồng
Từ vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử, Hồng Hà đang vươn lên phát triển mới trong chiến lược mở rộng không gian đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại.
Việc thành lập phường không đơn thuần là sắp xếp địa giới, mà thể hiện tầm nhìn chiến lược xây dựng một đô thị hiện đại trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc.
Ngày 1/7/2025, Thủ đô Hà Nội chính thức chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong bước chuyển đổi đó, phường Hồng Hà được thành lập, trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên).

Phường Hồng Hà kéo dài từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân; được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích, dân số của nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng, thuộc 5 quận cũ của Thủ đô Hà Nội.
Phường Hồng Hà có diện tích tự nhiên khoảng 15,10 km²; quy mô dân số khoảng 123.282 người; kéo dài từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy, trở thành phường có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất Hà Nội.
Đây cũng là một lựa chọn chiến lược, mở đường cho tầm nhìn phát triển đô thị ven sông Hồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên nền tảng văn hóa - lịch sử - giao thông liên vùng.
Vùng đất lịch sử
Ngày 16/6/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường của thành phố Hà Nội, trong đó có việc thành lập phường Hồng Hà.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các phường nằm tại khu vực phường Hồng Hà mới có vị trí địa lý đặc biệt, khi nằm kề cận trung tâm phố cổ Hà Nội, ôm lấy hữu ngạn sông Hồng, là nơi tập trung các di tích lịch sử lâu đời và những tuyến giao thông huyết mạch.
Chủ trương thành lập phường Hồng Hà là một bước đi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế quản lý hiện đại, nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, thiết lập một không gian hành chính hợp lý, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian công cộng, và khai thác đồng bộ lợi thế địa lý, văn hóa, lịch sử của vùng đất ven sông.
Vùng đất phường Hồng Hà vốn là vùng văn hóa tiêu biểu trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội. Dọc theo chiều dài phường là những di tích có tuổi đời hàng trăm năm: Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Hai Bà Trưng; Di tích cấp Thành phố Đền Sơn Hải; Đình Nội Châu; Đình Ngọc Xuyên…

Vị trí thành lập phường Hồng Hà.

Phường Hồng Hà mới được thành lập là một khu vực có sự đặc biệt cả về địa giới hành chính và đặc trưng văn hóa.

Một trong những điểm đặc sắc là phường có khu vực trồng quất và đào rộng lớn, góp phần tạo nên không khí Tết đặc trưng của người Hà Nội.
Đặc biệt là di tích “Bến đò Tứ Tổng” gắn với “cuộc rút lui thần kỳ” ngày 17/2/1947 của Trung đoàn Thủ đô. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tứ Tổng là một căn cứ vững chắc ngay trong lòng địch. Sau 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhằm bảo toàn và xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ Tứ Tổng kịp thời huy động 44 thuyền Tam Ban cùng hơn 100 người để đưa các cán bộ, chiến sĩ vượt vòng vây dày đặc của quân Pháp qua sông Hồng sang vùng tự do của ta. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá đây là cuộc rút lui thần kỳ. Ngày hôm đó quân dân ta rút khỏi Thủ đô trong bi tráng, để hơn 8 năm sau, những người con anh dũng ấy lại trở về Thủ đô trong oai hùng.
Hồng Hà còn là vùng đất lưu giữ ký ức Hà Nội qua những làng nghề truyền thống nổi tiếng như đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, chợ hoa Quảng An... Cùng với đó là những cây cầu biểu tượng qua các thời kỳ: Cầu Long Biên chứng tích lịch sử thế kỷ XX; cầu Chương Dương dấu ấn hiện đại đầu thập niên 1980; cầu Nhật Tân và Vĩnh Tuy biểu tượng phát triển đô thị mới của Thủ đô hôm nay.
Phát triển dọc trục sông Hồng - tầm nhìn chiến lược
Trong chiến lược phát triển Thủ đô, trục sông Hồng được định hướng là không gian phát triển động lực với hệ sinh thái đô thị hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và hiện đại trở thành “biểu tượng phát triển mới” của Hà Nội.
Phường Hồng Hà nằm ở vị trí trọng yếu bờ hữu ngạn sông Hồng, được kỳ vọng là “mặt tiền” của đô thị mới, kết nối khu phố cổ với các vùng đô thị phía bắc như Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm. Thành phố đang đầu tư mạnh mẽ vào trục cảnh quan - giao thông - văn hóa dọc sông, gồm: Đường ven sông, vành đai xanh, tuyến buýt thủy, cầu vượt, phố đi bộ ven đê, công viên nổi và điểm đỗ xe ngầm.
Hồng Hà sở hữu lợi thế giao thoa giữa đô thị cổ và hiện đại, giữa văn hóa truyền thống và hạ tầng mới là điểm xuất phát để “đưa Hà Nội ra sông”, mở rộng không gian đô thị và phát triển kinh tế - du lịch bền vững.
Chủ trương xây dựng mô hình chính quyền hai cấp là bước đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Đảng và Nhà nước, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn và quyết tâm đổi mới phương thức quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh phát triển đô thị hiện đại. Đây không chỉ là sự tinh gọn về mặt cơ cấu tổ chức, mà còn là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, tăng cường tính tự chủ, linh hoạt và năng động cho chính quyền cơ sở.
Đối với Thủ đô Hà Nội, đô thị đặc biệt, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp càng có ý nghĩa lớn, nhằm giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề như quản lý dân cư, phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị và cung ứng dịch vụ công trong điều kiện đô thị hóa nhanh và dân số đông. Việc giảm tầng nấc trung gian giúp bộ máy vận hành thông suốt, sát dân hơn, đồng thời mở ra cơ hội ứng dụng chuyển đổi số, tích hợp dữ liệu để điều hành hiệu quả và minh bạch hơn.
Trong tổng thể chủ trương đúng đắn ấy, việc Hà Nội thành lập phường Hồng Hà, đơn vị hành chính cấp phường có quy mô dân số lớn nhất Thủ đô chính là minh chứng cụ thể cho quyết tâm hiện thực hóa mô hình chính quyền hai cấp.
Hồng Hà sẽ là hình mẫu tiên phong với bộ máy hành chính tinh gọn, tích hợp số liệu dân cư, hạ tầng, đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách dịch vụ công, góp phần khẳng định tính đúng đắn, hợp lý và cần thiết của việc tổ chức lại các đơn vị hành chính trong giai đoạn phát triển mới của Thủ đô.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao các quyết định cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của phường Hồng Hà.

Theo UBND TP Hà Nội, việc lấy tên Hồng Hà cho phường mới là nhằm tôn vinh sông Hồng - dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội.

Qua nhiều thời kỳ, sông Hồng không chỉ đóng vai trò là trục phát triển, hành lang sinh thái mà còn là tuyến phòng thủ tự nhiên cho Kinh thành Thăng Long.

Từ phường Bồ Đề nhìn qua sông Hồng về phường Hồng Hà và trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Kỳ vọng mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến
Để hiện thực hóa các định hướng nêu trên, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng, văn hóa, cảnh quan, giao thông sẽ được triển khai trên địa bàn phường Hồng Hà trong giai đoạn 2025 - 2030. Đáng chú ý là dự án cầu Tứ Liên - một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng; Cầu Trần Hưng Đạo giảm áp lực cho các cầu hiện hữu như Chương Dương, Long Biên và Vĩnh Tuy.
Từ một vùng đất mang nhiều ký ức, phường Hồng Hà đang từng bước trở thành “biểu tượng phát triển mới” trong chiến lược mở rộng không gian đô thị Hà Nội theo hướng bền vững - văn minh - hiện đại. Và trên hành trình ấy, những dự án trọng điểm chính là bước khởi đầu đầy hứa hẹn cho một tương lai đáng mong đợi.
Phường Hồng Hà được thành lập không đơn thuần là sắp xếp địa giới hành chính, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới, nơi tinh thần "hướng ra sông Hồng" và "phát triển từ di sản" được kết nối hài hòa.
Trên nền tảng di sản văn hóa, cộng đồng cư dân lâu đời, hạ tầng giao thông đang được hoàn thiện, Hồng Hà sẽ là đầu tàu mới cho hành trình vươn mình hiện đại hóa của Hà Nội, thành phố vì hòa bình, thành phố của tương lai.