Phượng khấu, cung đấu gây thất vọng

Đạo diễn và ê kíp sản xuất Phượng khấu tự tin bao nhiêu với dự án phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam, khán giả lại thất vọng bấy nhiêu trước sản phẩm đầy chất kịch và cũ kỹ.

“Phượng khấu” gây thất vọng dù là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam

“Phượng khấu” gây thất vọng dù là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam

NGỠ KỊCH TRUYỀN HÌNH

Phượng khấu (Chiếc cúc áo hình phượng) của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phát trên nền tảng số Pops từ đầu tháng 3, chiếu tới tập thứ 5 hôm 2/4. Mọi sự so sánh với những phim cung đấu sở trường Trung Quốc như Diên Hy công lược hay Hậu cung Như Ý truyện đều khập khiễng, tuy nhiên khán giả có quyền mong chờ vào tác phẩm cung đấu Việt chất lượng, hấp dẫn. Những gì họ nhận lại không như mơ.

Phim mở đầu với sự kiện vua Minh Mạng qua đời, dưới sự can thiệp của Nhân Tuyên Hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện), hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (NSƯT Thành Lộc) đăng cơ, lấy niên hiệu Thiệu Trị. Cuộc tranh đấu ở hậu cung không chỉ xảy ra dưới thời phi tần của vua Thiệu Trị giữa Nguyên Cơ (Hồng Đào), Trắc Cơ (NSND Hồng Vân), Thị Cơ (Tuyết Thu), mà còn là cuộc sống mái giữa Thái hoàng thái hậu và nhất giai Hiền phi Ngô Thị (NSƯT Minh Trang)-sủng phi của vua Minh Mạng. Vốn ghen ghét sủng phi Ngô Thị, nên Thái hoàng Thái hậu tìm cách hãm hại, đẩy mẹ con bà Hiền phi khỏi cung, kết cục chết tức tưởi.

Bối cảnh kinh thành Huế dưới triều Nguyễn lên phim đập ngay vào mắt người xem là cảm giác giả tạo của kỹ xảo. Cung cấm ở Huế đành rằng về quy mô không sánh bằng kinh thành của nước láng giềng, nhưng trình độ kỹ xảo non yếu khiến người xem có cảm giác phim trở thành vở kịch truyền hình dài kỳ. Ngoại cảnh đã giả lại ít, chủ yếu quay cảnh nội nhưng khi dựng lại để lộ phông xanh. Một trong những cảnh kỹ xảo tệ nhất là lễ đăng cơ của vua Thiệu Trị, kỹ thuật nhân bản quan lại bên ngoài cung điện hành lễ quá yếu kém.

Sách sử ghi chép không ít về triều Nguyễn, lại thêm nguồn giai thoại phong phú, biên kịch có thể thỏa sức sáng tạo, thế nhưng câu chuyện Phượng khấu khá nghèo nàn.

Qua 5 tập phim, không nhiều mưu kế chốn hậu cung được phơi bày song ít hành động mà nặng về lời thoại. Cao trào ở cảnh phóng hỏa đốt hậu cung khiến hoàng tử Hồng Thụ chết ngạt lại chỉ thể hiện ở cảnh người đi qua đi lại màn hình, kêu khóc và... đứng im. Hành động thiếu, bù đắp bằng thoại dài dòng hoặc những cảnh nội tâm ưu tư nhàm chán thực sự thử thách sự kiên nhẫn của người xem.

GẠO CỘI HAY CẰN CỖI

Nhìn cung đấu “nhà người ta” thấy toàn trai xinh gái đẹp, cung đấu nhà mình là ê kíp gạo cội đã qua thì xuân sắc. Theo lời đạo diễn, dàn diễn viên toàn thế hệ tên tuổi của sân khấu phía Nam có thể là sự bảo chứng cho diễn xuất, vì thế loạt diễn viên trẻ 9X dự định trước đó đều bị thay thế. Sự tự tin của đạo diễn, lựa chọn của ê kíp xem ra lần này không hề sáng suốt.

Một trong những điểm khán giả mong chờ ở phim cung đấu là dàn mỹ nữ, Phượng khấu có loạt cung tần như NSND Hồng Vân, NSƯT Minh Trang, nghệ sĩ Hồng Đào, Tuyết Thu, Ngọc Hiệp. Tuổi tác của diễn viên là rào cản lớn khi khán giả tiếp nhận phim đề tài tranh đoạt vị trí chốn hậu cung. Chia tách các diễn viên có kinh nghiệm ở từng phim có thể tạo thêm dấu ấn, sự vững vàng trong diễn xuất, tuy nhiên khi quy tụ tất cả gương mặt quen thuộc về một mối dễ khiến khán giả thấy rõ sự cũ kỹ, kém tươi mới.

Đẳng cấp của Thành Lộc là không thể bàn cãi, song lần này anh thất bại trong vai trò tái hiện vị quân vương Thiệu Trị. Từ ánh mắt, cử chỉ của NSƯT Thành Lộc đều thiếu thuyết phục, không bắt chước được cốt cách thiên tử. Xấp xỉ 60 tuổi lại vào vai ông hoàng lên ngôi ở tuổi 34, hóa trang cho NSƯT Thành Lộc chưa thuận mắt người xem.

Lỗi nhả chữ giống diễn trên sâu khấu không riêng Thành Lộc mắc phải, ngay NSƯT Lê Thiện, Minh Trang từ nét diễn, lời thoại đều làm quá, thiếu tự nhiên. Minh Trang vốn dòng dõi con cháu hoàng tộc, dung mạo toát lên vẻ quý phái (là cháu ngoại của mệ Bông-Nguyễn Thị Cẩm Hà, ái nữ của Mỹ Lương công chúa-con gái vua Dục Đức), đáng tiếc đài từ ở phim này quá cứng. Mỗi lời thoại của Hiền phi thốt ra đều cực nhọc, gằn giọng thiếu tự nhiên.

Điểm sáng nhất chính là hệ thống triều phục Nguyễn được Ỷ Vân Hiên thực hiện tỉ mỉ, thuần chất Việt. Tiếc rằng trang phục này chưa có thêm sự cộng hưởng từ dàn diễn viên, nên Phượng khấu vẫn là phim cung đấu mờ nhạt, thiếu sức sống.

“Tôi đánh giá cao sự dũng cảm của ê kíp khi chọn đề tài lịch sử để làm web drama. Nhưng điểm cộng ấy không thể khỏa lấp rất nhiều điểm trừ. Thứ nhất, biết rằng chúng ta cần dàn diễn viên đủ bản lĩnh để tải câu chuyện, nhưng sự lớn tuổi ảnh hưởng rất nhiều đến khí chất của bộ phim cung đấu như thế này. Đặc biệt khi đối tượng của web drama phần đông là giới trẻ, họ cần cả cái hay của diễn xuất lẫn sắc vóc của diễn viên. Kịch bản cũng rất rề rà, thiếu rất nhiều điểm nhấn để tạo nên cao trào. Âm nhạc thì như thử thách sức chịu đựng của khán giả, rất ít khi ăn nhập với diễn tiến câu chuyện. Đây vẫn là phim cung đấu, nhưng để thỏa mãn thì thật sự làm khó cho người xem khi có quá ít điểm hài lòng. Tôi cũng muốn ủng hộ mà không thể” - Nhà thơ - nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt.

Bảo Hân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/phuong-khau-cung-dau-gay-that-vong-1635174.tpo