Phương Lý với 'Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc'

Đối với độc giả xứ Thanh, thơ tình của nữ nhà thơ Phương Lý – Lý Thị Thanh Phương (TP Thanh Hóa) hẳn đã không còn quá xa lạ.

Ấn phẩm thơ “Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc” của nhà thơ Phương Lý.

Năm 2016, với tập thơ đầu tay “Anh và nỗi nhớ”, Phương Lý đã tự giới thiệu mình với tâm thế của người đàn bà yêu để sống và sống chỉ vì yêu. Trong hình hài nỗi nhớ, người đàn bà trong thơ Phương Lý khi thì yếu đuối, mong manh, khi lại rạo rực mầm yêu. Có nhiều khi, người đàn bà ấy kiêu hãnh đối diện với đổ vỡ, chia ly để được sống trọn với tình. Và sau tất cả, Phương Lý vẫn là Phương Lý, vẫn là người đàn bà yêu một cách chân thành, đằm dịu và bao dung đến vô cùng. Được sự quan tâm, yêu mến, đón nhận của độc giả, nhà thơ Phương Lý đã xuất bản tập thơ thứ hai với nhan đề “Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc”. Ngôn ngữ thơ, xúc cảm yêu từ “Anh và nỗi nhớ” đến “Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc” đã nhất quán làm nên cá tính thơ Phương Lý.

“Có quá nhiều người nói rằng phụ nữ trải qua tuổi 40 là đạt ngưỡng của sự chín chắn và từng trải. Điều đó không có nghĩa là họ trở nên khôn ngoan hơn, tính toán hơn hay biết cân nhắc cho cuộc đời mình. Họ chỉ không còn so đo nhiều với những điều được mất nữa mà biết lắng nghe những cảm xúc của lòng mình. Học cách im lặng và từ bỏ những thứ không phù hợp. Phụ nữ qua tuổi 40 không quá vồ vập như ngày 30, không cần vội vàng như khi 50. Chỉ lặng lẽ, lặng lẽ chiêm nghiệm, lặng lẽ cảm nhận mọi thứ mình có, những người bên cạnh, những gì đang đến và đi bằng một thứ cảm xúc rất con người”. Từng dòng tâm sự như trút từ thăm thẳm tâm hồn ấy đã vẽ nên những nhịp cầu đồng cảm đưa người đọc từng bước chìm vào xúc cảm tình yêu nồng nàn trong “Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc” của nữ nhà thơ Phương Lý – Lý Thị Thanh Phương. Thành phố xuất hiện đến hai lần ngay từ nhan đề tập thơ nhưng đến cuối cùng, sau khi đã mê mải ngân rung cùng ngôn ngữ thơ, khi đã chạm đến từng tế bào, từng huyết mạch người đàn bà sẵn lòng yêu tha thiết, cuồng si, tận hiến như đứa trẻ dại, ngốc nghếch, người đọc mới ngỡ ngàng nhận ra, đó chỉ là một ẩn dụ, là điểm tựa để sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa. Thành phố được hình dung trong nỗi nhớ về anh. Mà cũng rất có thể, thành phố vốn đã là anh từ rất lâu rồi. “Thành phố ngốc” cứ trở đi trở lại ấy, phải chăng chính là hình ảnh khắc họa tâm hồn của nữ nhà thơ?. Thành phố bao giờ cũng đẹp bởi sự lung linh, tráng lệ, nhộn nhịp. Nhưng đâu đó quanh cái thành phố ấy, nhiều khi chúng ta vẫn bắt gặp những tâm hồn lạc điệu, ủ ê, não nề, cô đơn bất tận. Nhịp sống hối hả của thành phố có thể chai lì để rất nhiều dấu chân người tứ xứ làm tổn thương nó nhưng lại không đủ sức chống đỡ trước vết xước nhỏ nhoi của kẻ vô tình.

“Thành phố chỉ nhớ anh thành phố ngốc” là tiếng thơ của người đàn bà đã chạm ngưỡng tuổi 40, khi mọi ái, ố, hỉ, nộ ở đời cũng đâu còn điều gì chưa từng nếm thử. Và nếu may mắn như bất kỳ một người đàn bà nào đó trên thế giới này, họ cũng đã từng có lần dại khờ yêu và yêu đến chết đi sống lại bởi một người. Có lẽ vậy nên đàn bà ở cái ngưỡng tuổi ấy luôn tỏa rạng lực hấp dẫn rất riêng, tựa như “mật rừng” khiến bao người say đắm. Dẫu thế, người đàn bà tuổi 40 đủ từng trải, thâm trầm, sâu sắc để biết mình là ai, điều gì là xứng đáng. Duy nhất chỉ có tình yêu mới đủ sức khiến họ một lòng tận hiến:

“Em đàn bà tuổi 40 môi luôn nở nụ cười

Vì trong trái tim em máu hồng

luôn thắm đỏ

Khao khát yêu thương cho

riêng mình anh đó

Kệ 40 qua đi tim vẫn cháy với đời”

(Em đàn bà tuổi 40)

Ngôn ngữ thơ vốn là ngôn ngữ được cất lên từ những rung động rất thật với mình, với người và cả cuộc đời chung. Thật như từng tế bào yêu đang cựa mình dưới ngòi bút nữ thi sĩ. Có lẽ vì những cung bậc cảm xúc rất đỗi mãnh liệt và tự nhiên ấy đã làm nên ngôn ngữ chân thành, giản dị trong thơ Phương Lý:

“Người đàn bà một mình tay vẫn

tự cầm tay

Yêu và đau, thương và xa

cũng nhuốm màu nhung nhớ

Phất phơ buồn, rộn ràng vui dẫu

chỉ là dang dở

Dại khờ yêu bằng cả trái tim mình”

(Đàn bà em)

Trái tim yêu của người đàn bà đã bao lần rỉ máu để rồi làm chết đi cả những tế bào tin. Chẳng thế mà trong những dòng thơ tình của Phương Lý bao giờ cũng thấy gieo neo ở đó một chút hoài nghi mông lung. Đôi khi là người đàn bà ấy buông lời trách cứ người mình yêu, nhiều khi là tự đáy lòng cất lên tiếng hỏi han khe khẽ, tan loãng vào hư vô, chẳng kịp đợi ai đáp lời:

“Nếu có ngày em không về phố nữa

Đóa tường vi hiên cửa sổ ai nằm

Nghe tiếng gió chợt vi vu chiều nhớ

Gác nỗi buồn trong mắt phố

trăm năm”

(Nếu một ngày em không về phố nữa)

Thơ Phương Lý luôn phảng phất một chút buồn, chút thương nhưng không hề bi lụy mà tất cả tâm tư ấy dồn nén vào cũng một chữ nhớ da diết, vô bờ. Chủ thể anh không rõ đã bao lần xuất hiện, mặc nhiên đến rồi hờ hững đi mà chẳng hề hay biết rằng chính sự vô tâm, hời hợt ấy đã khiến trái tim người đàn bà hụt hẫng biết chừng nào. Nhưng người đàn bà trong thơ Phương Lý vẫn ở đó, nhất mực trong niềm yêu đau đáu, bao dung, độ lượng. Ngay đến chính cô cũng tự cảm nhận được sự khờ khạo của chính mình:

“Ghét những tháng năm em sống chẳng phải mình

Cũng không thương ngày xa làm nhạt màu nhung nhớ

Gian đến vô cùng sâu nỗi đau mình khờ khạo

Bỏ lại trái tim nhịp đập nơi anh rồi ngược gió trở về”

(Khờ khạo yêu, khờ khạo thương, em mới đúng là mình)

Thơ Phương Lý, chắt lọc đi qua những thổn thức yêu của một người phụ nữ, sẽ thấy hết thảy mạnh mẽ, bao dung. Phương Lý nói về tình yêu bằng ngôn ngữ thơ nhẹ nhàng, đơn giản, như chính chị đang giãi bày tâm sự cùng độc giả mà thôi. Không cần phải lên gân cốt, không phải tình yêu huyễn hoặc chỉ có mỗi niềm hạnh phúc trào dâng. Tuy rằng, thơ Phương Lý chưa được định danh bằng những giải thưởng nhưng suy đến cùng, thành công nhất của người sáng tạo nghệ thuật là có thể đưa ngôn ngữ thơ của mình chạm đến trái tim bạn đọc. Điều này Phương Lý đã và đang làm rất tốt. Và chúng ta có quyền hy vọng vào một Phương Lý đột phá hơn trong những ấn phẩm tiếp theo của chị.

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phuong-ly-voi-thanh-pho-chi-nho-anh-thanh-pho-ngoc/102359.htm