Phương pháp canh tác SRI, giải pháp tối ưu cho sản xuất lúa

BHG - Hà Giang là tỉnh nông nghiệp, trên 80% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chính là ngô, lúa, đậu tương… Trong đó, sản phẩm lúa, gạo được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển thành chuỗi sản xuất. Làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa, gạo là nhiệm vụ được ngành Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm. Biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI là một trong những giải pháp tối ưu có thể ứng dụng để thực hiện hiệu quả chuỗi sản xuất lúa, gạo của tỉnh.

Mô hình giống lúa Tẻ nương Hà Giang tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) áp dụng một số quy trình kỹ thuật SRI.

Mô hình giống lúa Tẻ nương Hà Giang tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) áp dụng một số quy trình kỹ thuật SRI.

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, năm 2023 tổng diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh ước đạt trên 37.636 ha, năng suất ước đạt 57,82tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 217.634 tấn. Các loại giống chủ yếu là lúa lai Nhị ưu 838, Cương ưu 725, Kinh sở ưu 1588, Việt lai 20 thế hệ mới, TH3-3, GS55… chiếm khoảng 58,5%; lúa thuần như HT1, KD18, Thiên ưu 8, PC6, HN6, dòng Japonica ĐS3, J02, J01, LTh31, giống địa phương… chiếm trên 40%, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 30%. Diện tích thâm canh phân bón, chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt từ 80 - 100% theo quy trình kỹ thuật ban hành. Hiện nay một số sản phẩm gạo của tỉnh đã xây dựng thương hiệu như Già Dui (Xín Mần), Japonica ĐS1 (Yên Minh), Khẩu Mang (Đồng Văn)...

Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa, gạo của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa có quy mô; sản xuất còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm còn kém làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng; công tác maketing lúa gạo của tỉnh còn thiếu; chưa phát triển bài bản, nên chưa mang lại giá trị cho người sản xuất lúa gạo, chưa nâng tầm thương hiệu sản xuất lúa gạo của tỉnh Hà Giang…

Kỹ thuật gieo mạ khay và che phủ ni - lông chống rét cho mạ theo phương pháp SRI.

Kỹ thuật gieo mạ khay và che phủ ni - lông chống rét cho mạ theo phương pháp SRI.

Canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới… nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế lại tăng so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống. Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là một tiến bộ kỹ thuật, được nhiều tỉnh áp dụng thành công. Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI có nhiều ưu điểm như tiết kiệm 60-80% giống, tiết kiệm 40-50% nước tưới; giảm 50-100% lượng thuốc bảo vệ thực vật; tăng 10-30% năng suất và cải thiện đáng kể thành phần cơ giới của đất.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, để đạt hiệu quả trong phương pháp canh tác lúa SRI cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về chuẩn bị mạ, chia luống cấy, cách cấy, nước tưới, quản lý cỏ dại, cải tạo đất… Phương pháp canh tác lúa SRI đã được ngành Nông nghiệp tỉnh thử nghiệm cho kết quả tốt và đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, để mở rộng phương pháp canh tác này ra đại trà cần sự chủ động, vào cuộc của các địa phương, nhất là người nông dân.

Quy trình canh tác lúa SRI 1. Cấy mạ non và xúc mạ để cấy: Cấy khi mạ có từ 2,5 -4 lá. Cấy mạ non lúa sẽ đẻ nhánh sớm và đẻ bông hữu hiệu cao; cấy nông tay để lúa không bị nghẹt rễ, nhanh hồi xanh. 2. Cấy thưa với mật độ 20-35 khóm/m2, cấy 1 dành/khóm: Cây sẽ nhận được nhiều ánh sáng quang hợp tốt, lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, hạn chế được sâu bệnh. 3. Quản lý nước: - Giữ nước lần 1: Luôn giữ mực nước trên mặt ruộng 2-2,5cm từ khi cấy đến sau bón phân thúc lần 1 từ 3-4 ngày. - Rút nước lần 1: Sau khi bón phân thúc lần 1 từ 3-4 ngày tiến hành tháo cạn hết nước trên ruộng, có thể để ruộng tự cạn (ruộng chỉ hơi lún đất). Để cạn đến khi bắt đầu phân hóa đòng. - Giữ nước lần 2: Khi lúa phân hóa đòng tiến hành tưới nước để bón thúc phân Kali và luôn giữ mực nước trên mặt ruộng 2-3cm đến khi lúa chín sáp. - Rút nước lần 2: Từ khi lúa chín sáp đến thu hoạch. làm cỏ sớm và làm cỏ sục bùn: tạo độ thông thoáng khí, giảm khí độc, tăng khí oxy, hạn chế bệnh nghẹt rễ. Cần làm cỏ bằng biện pháp thủ công. Bón phân hữu cơ, bón phân cân đối, bón đủ phân: Bón lót: 100% phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh; 100% phân lân trước bừa lần cuối, 30% lượng phân đạm. - Bón thúc lần 1 (sau khi cấy 8-10 ngày): 50% lượng Kaliclorua, 50% lượng phân đạm. - Bón thúc lần 2 (sau khi cấy 32-35 ngày): 50% lượng Kaliclorua, 20% lượng phân đạm. Tuy nhiên: Cần căn cứ vào chất đất và sinh trưởng của cây lúa để quyết định lượng đạm bón cụ thể và có bón thúc thêm đạm lần 2 hay không. Bón đạm giảm ở chân ruộng trũng, bón tăng ở chân đất cao từ 10-20%. Trong vụ mùa bạc lá nhiều nên giảm bón đạm, đất chua cần bón lót vôi, lân để trung hòa đất chua. Không bón thừa đạm, bón lai rai để hạn chế sâu bệnh. Phòng trừ dịch hại: Thăm đồng thường xuyên làm cỏ – trừ cỏ kịp thời, phòng trừ sâu bệnh theo kết quả phân tích đồng ruộng và chỉ phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng gây hại. Cải tạo đất: Sau khi thu hoạch cần luân canh cây trồng như cây họ đậu, khoai tây; trồng cây phân xanh để ủ phân hữu cơ, phân compost bón cho lúa; sử dụng phân vi sinh hoặc chế phẩm sinh học thay cho hóa chất; không đốt rơm, rạ; không dùng thuốc trừ cỏ hóa học…

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/phuong-phap-canh-tac-sri-giai-phap-toi-uu-cho-san-xuat-lua-41a7e73/