Phương pháp có thể điều trị khỏi bệnh ung thư vùng hàm mặt
Điều khiến bác sĩ Nguyễn Tấn Văn đau đáu là không thể chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư hàm mặt vì họ đến viện quá muộn.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Văn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt - Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết gần đây, các bệnh lý ung thư vùng hàm mặt gia tăng.
“Ung thư hàm mặt có những đặc thù riêng. Trong khi nhiều căn bệnh khác có ít dấu hiệu sớm và rõ ràng, tổn thương ung thư hàm mặt rất dễ phát hiện bởi 70% triệu chứng ở khoang miệng như ăn nói, nuốt vướng... Chúng ta có thể quan sát và sờ nắn trực tiếp tổn thương nghi ngờ”, bác sĩ Văn nói.
Phẫu thuật là ưu tiên số một
Ung thư hàm mặt chia làm hai loại: Biểu mô và tổ chức kiên kết. Với đa phần bệnh, đặc biệt ung thư biểu mô, phẫu thuật là chỉ định số một.
“80% trường hợp nếu được chỉ định phẫu thuật là tốt nhất, trừ những người quá nặng hoặc đã di căn. Tôi khẳng định phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh đến 90-95%. Kể cả những bệnh nhân ở giai đoạn 2, 3, khi được cắt bỏ, tình trạng cũng rất tốt”, bác sĩ Văn khẳng định.
Bác sĩ sẽ cắt rộng tối đa vùng có khối u của bệnh nhân, vét hạch phòng chống di căn. Đây là cách tốt nhất để chữa ung thư hàm mặt. Bệnh nhân có thể khỏi bệnh mà không cần các biện pháp điều trị tiếp theo. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể tầm soát bệnh bằng các biện pháp khác như xạ, hóa trị sau khi phẫu thuật.
Tuy nhiên, nhiều người tìm kiếm những cách chữa bệnh phản khoa học như đắp, uống nước lá, bôi kem. “Dù phẫu thuật rất khả quan song không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện”, bác sĩ Văn nói. Vì vậy, khi tìm tới cơ sở y tế không đủ khả năng phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định dùng hóa chất, xạ trị.
Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt mỗi tuần thường tiếp nhận 4-5 bệnh nhân do biến chứng của hóa, xạ trị ung thư vùng mặt. Người bệnh bị hoại tử vùng xương hàm, chảy máu không cầm, suy kiệt cơ thể. "Nhiều người hoại tử nặng đến mức bác sĩ nhìn thấy chết mà không thể cứu", bác sĩ Văn chia sẻ.
Bác sĩ Văn giải thích dùng hóa chất, xạ trị không chữa khỏi bệnh ung thư hàm mặt, đặc biệt nó để lại tác dụng phụ rất lớn. Bệnh nhân phải đối mặt tình trạng hoại tử xương hàm nặng nề và dễ dẫn đến tử vong.
Trả lại khuôn mặt bình thường
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung - người chuyên thực hiện các ca vi phẫu tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - chia sẻ đối với ung thư hàm mặt, chỉ có phẫu thuật mới cứu được bệnh nhân.
Thông thường, việc cắt những khối u trên vùng mặt cho bệnh nhân sẽ để lại khuyết hổng rất lớn, không thể “đóng” lại khiến họ mất đi vẻ ngoài bình thường, thậm chí không còn các chức năng quan trọng vùng mặt. Điều đó đòi hỏi bác sĩ phải tái tạo giúp bệnh nhân. Hiện vi phẫu là cách duy nhất có thể làm được điều này.
Tại Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, các bác sĩ vi phẫu đưa một phần cơ thể ở vị trí khác để “đóng” vết thương, phần nào hồi phục chức năng đã bị cắt bỏ.
Khi tiến hành kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại 8-25 lần để phẫu tích và khâu nối vết thương không thể nhìn thấy bằng mắt thường như các mạch máu nhỏ có đường kính khoảng 1 mm, bao bó sợi thần kinh.
Bác sĩ Nhung cho biết nhiều bệnh nhân ung thư phải cắt bỏ lưỡi, sàn miệng. Phẫu thuật viên phải dùng vạt da ở tay hoặc ở đùi, nối mạch máu tái tạo lại 2 bộ phận này cho bệnh nhân. Điều đó giúp họ có thể ăn uống, giao tiếp.
“Một số bệnh nhân phải cắt bỏ hoàn toàn vùng trong miệng lẫn xương hàm. Sau đó, chúng tôi dùng vạt xương và da để tái tạo lại bộ phận trong miệng và xương”, bác sĩ Nhung kể.
Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt khối ung thư sẽ được tiếp tục theo dõi và điều trị bổ trợ. “Chúng tôi sẽ theo dõi trong 5 năm. Sau thời gian này, bệnh nhân không tái phát có thể tính là đã khỏi. Nhiều bệnh nhân được phẫu thuật tại viện qua theo dõi đến nay hơn 5 năm không có dấu hiệu tái phát. Thậm chí, họ không cần sử dụng xạ trị hay hóa chất bổ trợ vì đã phẫu thuật rất rộng cùng nạo vét hạch triệt để”, bác sĩ Nhung cho hay.
Theo bác sĩ Văn, vi phẫu được coi là ngành khó, không phải bác sĩ ngoại khoa nào cũng mạnh dạn, quyết tâm theo đuổi. Việc xây dựng được nguồn nhân lực làm kỹ thuật rất khó. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều nơi không dám phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư hàm mặt.
Chuyên gia này khuyến cáo người dân khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường trên vùng hàm mặt cần tới cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.