Phương pháp đọc sách hiệu quả

Để đọc sách trở thành thói quen tích cực và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày, việc chọn lựa thể loại, lên kế hoạch đọc, phương pháp đọc… là các yếu tố quan trọng.

Bạn muốn có một giấc ngủ ngon, đầu óc nhạy bén và đồng cảm nhiều hơn? Hãy thử đọc một quyển sách. Có rất nhiều thứ ở giữa những cuốn sách, không đơn thuần là câu chuyện được viết ra.

Bạn từng là một người đam mê đọc sách nhưng cuộc sống bận rộn đã cản trở niềm vui đó? Bạn muốn tìm một không gian riêng kèm một quyển sách, hoặc đơn thuần xem đọc sách như một cách giải trí lành mạnh?

Việc tìm ra phương pháp đọc sách phù hợp sẽ giúp nâng cao khả năng, hiệu quả đọc của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên từ Tina Jodan, biên tập viên kì cựu của mục Book Review trên New York Times.

Chọn loại sách phù hợp

Muốn trở thành một độc giả tích cực, trước tiên bạn phải có sách để đọc. Bạn có thể bắt đầu ngay nếu sẵn sách tại nhà và hiểu rõ nhu cầu của bản thân. Ngược lại, hãy trả lời một số câu hỏi: Bạn muốn đọc để thưởng thức hay tìm hiểu kiến thức? Bạn có muốn thay đổi theo một ai đó? Bạn có tìm kiếm sự thoát ly khỏi hoàn cảnh thực tại? Hoặc, bạn có tò mò về những quyển sách đang bán chạy?

Sau khi trả lời những câu hỏi này, hãy thử tìm một quyển sách để bắt đầu. Bạn không cần mua ngay. Có thể đọc một quyển sẵn trên kệ, mượn từ bạn bè, nghe thử trên các nền tảng trực tuyến hoặc đọc tại thư viện. Từ khởi đầu này, bạn sẽ xác định được loại sách phù hợp với nhu cầu và sở thích của chính mình.

Lập kế hoạch đọc

Một kế hoạch tốt sẽ giúp đọc sách trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống của bạn. Việc này phụ thuộc nhiều vào tính cách mỗi người. Chỉ có bạn mới hiểu được cách tìm thời gian rảnh rỗi trong ngày, không bị cuốn vào nội dung trên TV hoặc hình thức giải trí khác.

Kế hoạch đọc sách không nhất thiết bao gồm lịch trình cụ thể. Nó chỉ cần có mục tiêu hoặc một lời hứa với bản thân. Điều này tạo ra động lực để bạn cầm quyển sách lên. Mục tiêu càng cụ thể và chi tiết thì bạn càng có thể biến nó thành hiện thực.

“Sự khác biệt duy nhất giữa người không đọc và người đọc sách là người đọc có kế hoạch thực hiện việc đó trong tương lai còn người không đọc thì không”, Donalyn Miller, tác giả của The Book WhispererReading in the Wild nhận xét.

Đọc sâu hơn

Để đọc sâu hơn, kích thích trí tưởng tượng của bạn về câu chuyện được tác giả đề cập trong sách, điều quan trọng là cần dành thời gian. Bạn không thể làm được điều này nếu chỉ đọc lướt qua.

 Đọc chậm rãi sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Đọc chậm rãi sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Ngày nay, hầu hết chúng ta đọc những đoạn thông tin ngắn, như tin nhắn, tweet, email... một cách hời hợt để tiết kiệm thời gian. Có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi tập lại thói quen đọc chậm rãi. Tuy nhiên, đó là việc cần thiết.

Trong quyển Slow Reading in a Hurried Age (Tạm dịch: Đọc chậm trong thời đại vội vã), tác giả David Mikics cho rằng đọc chậm sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của con người, tương tự việc tập thể dục sẽ thay đổi cơ thể. “Một thế giới hoàn toàn mới được mở ra, bạn sẽ cảm nhận và hành động khác. Sách sẽ giúp bạn cởi mở và năng động hơn”, David Mikics đánh giá.

Để đọc sâu hơn, bạn cần dành ít nhất 15 phút mỗi ngày cho việc đọc. Hãy thử một số bài tập như: đọc lướt, bỏ qua một số phần sau đó quay trở lại đọc kỹ lần nữa; đặt một từ điển ở gần, có thể tra cứu thêm thông tin khi cần thiết; đọc lại một cách tích cực phần đã đọc trước đó; sử dụng bút ghi chú, đánh dấu những đoạn hay; tự tóm tắt lại nội dung của sách sau khi đọc.

Đánh giá nội dung

Phê bình hay đánh giá vấn đề là kỹ năng có thể học được, tương tự các kỹ năng khác trong cuộc sống. Khi đọc sách một cách nghiêm túc, cảm nhận sâu sắc nội dung, bạn sẽ nhận thấy mình thường xuyên nghĩ đến nội dung của nó. Bạn sẽ có những suy luận, phân tích và tìm ra mối liên hệ giữa các cuốn sách, sự tương đồng của câu chuyện trong sách với vấn đề bên ngoài cuộc sống.

Để rèn luyện kỹ năng đánh giá nội dung sách, bạn hãy thử dừng lại và tự đặt ra các câu hỏi “Tác giả muốn đề cập việc gì?”, “Mục đích của chương này là gì?”, “Tác giả dùng kỹ thuật nào để xây dựng tình huống hồi hộp như vậy?”.

Bạn hãy tập nhận định và đưa ra ý kiến đồng tình hay không đồng tình với tinh thần chung của tác giả. Đặt câu hỏi về những gì đọc được. Cuốn sách có khiến bạn phải suy nghĩ hay nhìn nhận lại vấn đề gì hay không. Ngoài ra, nên nhận xét về các yếu tố để tạo ra một bài viết hay.

Khám phá cách loại hình sách

Sự đa dạng của các loại hình sách tạo nên gia vị cho việc đọc, giúp bạn tránh được tình trạng nhàm chán. Có nhiều tranh luận về cách tốt nhất để thưởng thức nội dung của một quyển sách, nhưng cuối cùng vẫn chưa có phương án nào hợp lý. Do đó, bạn nên thử nhiều hình thức khác nhau.

 Nghe sách nói cũng là một hình thức tiếp cận hiệu quả. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Nghe sách nói cũng là một hình thức tiếp cận hiệu quả. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Bạn hãy nhờ ai đó đọc cho mình nghe một chương, hoặc chuyển từ bản in giấy sang âm thanh, phiên bản kỹ thuật số. Mở rộng các định dạng khác nhau đồng thời tăng khả năng đọc của bạn.

Một cách để đọc sách phổ biến hiện nay là dùng điện thoại di động. Đây là thiết bị được mọi người mang theo bên mình. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, màn hình smartphone ngày càng lớn, sắc nét, có nhiều ứng dụng hỗ trợ đọc sách, số đầu sách được cung cấp ở định dạng kỹ thuật số ngày càng đa dạng, phong phú.

Sách nói cũng là một loại hình đang được ưa chuộng. Bạn có thể vừa làm việc nhà vừa nghe nội dung, không bị cản trở như việc cầm sách giấy để đọc. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn nghe vài chương của một quyển sách sau đó tiếp tục đọc bằng phiên bản kĩ thuật số hoặc bản in giấy.

Tìm niềm vui đọc sách từ mạng xã hội

Thay vì âm thầm đọc một quyển sách, bạn có thể trò chuyện với mọi người xung quanh, chia sẻ những điều mình yêu thích, ghét hoặc chưa hiểu rõ. Có nhiều cách để làm việc này.

Bạn có thể tham gia vào một hội, nhóm đọc sách trên mạng xã hội. Có hàng nghìn câu lạc bộ dành cho người đam mê sách trên Facebook, Goodreads và nền những tảng khác.

 Các cộng đồng độc giả sẽ mang đến cho bạn niềm vui trong quá trình đọc sách. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Các cộng đồng độc giả sẽ mang đến cho bạn niềm vui trong quá trình đọc sách. Ảnh: Egle Zvirblyte.

Ngoài ra, các tác giả đương đại cũng tham gia mạng xã hội. Stephen King thường xuyên chia sẻ trên Twitter về những đầu sách ông đọc và gợi ý đầu sách hay. Nhiều tác giả khác cũng có hoạt động tương tự. Một số người còn tạo ra các chủ đề thảo luận sôi nổi. Nếu bạn đang đọc sách của một tác giả nào đó, hãy thử tìm tài khoản của họ trên Facebook, Instagram hoặc Twitter.

Trải nghiệm sau khi đọc

Những gì bạn nhận được từ một quyển sách không kết thúc khi đọc đến trang cuối cùng. Ngược lại, nó là sự khởi đầu. Có một số cách để độc giả tiếp tục gắn bó với sách, chủ đề và tác giả.

Chẳng hạn, bạn hãy ghi nhật ký đọc sách và xem lại nó sau một thời gian. Việc này giúp bạn phân tích được những nội dung đã tìm hiểu. Khi nghe tên một quyển sách có vẻ cuốn hút, hãy ghi lại, sau đó tìm cách đọc nội dung. Đây chính là cách tiếp tục lộ trình đọc sách của bạn trong tương lai.

Đôi lúc bạn cũng cần đi ra khỏi vùng an toàn, tìm đọc những thể loại mà mình chưa từng thử. Một lời khuyên hữu ích khác là hãy đọc càng nhiều càng tốt. Khi yêu thích phong cách của một nhà văn nào đó, hãy đọc tất cả quyển sách của tác giả.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-phap-doc-sach-hieu-qua-post1372112.html