Phương pháp hạn chế rủi ro khi con bị bắt cóc, đòi tiền chuộc
Nếu không may rơi vào trường hợp trẻ em bị bắt cóc tống tiền, cha mẹ nên làm gì, phối hợp với cơ quan chức năng ra sao? Các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo…
Cần bình tĩnh khi xảy ra sự việc
Luật sư luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc phụ huynh tự tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong việc ứng xử khi xảy ra tình huống con mình trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc trẻ em là cần thiết.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, thông thường khi nghe tin con mình bị bắt cóc, phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy rất hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh và có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, gây lo lắng sợ hãi cho đối tượng gây án hoặc gây bức xúc cho kẻ bắt cóc, dẫn đến đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Tâm lý chung của kẻ bắt cóc là sợ bị phát hiện, bắt giữ. Do đó, tội phạm bắt cóc trẻ em sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả khi bị phát hiện, dùng mọi biện pháp để đe dọa nạn nhân và trốn thoát. Đối tượng cũng có thể thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin để gây áp lực đối với người thân.
Chính vì vậy, quá trình giao tiếp với kẻ bắt cóc mà gia đình nạn nhân mất bình tĩnh, có yếu tố thách thức hoặc gây kích động đến kẻ bắt cóc, chúng có thể thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể, tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Trong một số trường hợp nạn nhân sợ hãi, la hét hoặc có hành vi chống đối, kẻ bắt cóc cũng có thể sát hại nạn nhân để che giấu hành vi phạm tội của mình. Có những trường hợp chiếm đoạt được tài sản rồi nhưng kẻ bắt cóc vẫn sát hại con tin để bịt đầu mối.
Trường hợp kẻ bắt cóc không đạt được mục đích cũng có thể dẫn đến trạng thái tâm lý bực tức mà thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin. Người thân trong gia đình nạn nhân và lực lượng chức năng cần phải có những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho con tin.
Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á cho hay, nếu không may con mình bị bắt cóc, việc đầu tiên là phụ huynh phải bình tĩnh, tỉnh táo, bước đầu tạo ra sự yên tâm cho đối tượng gây án rằng chúng sẽ đạt được mục đích và an toàn. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho con tin.
Tiếp theo, phụ huynh cần kéo dài thời gian đàm phán, thu thập các thông tin về đối tượng gây án, đồng thời thông báo kịp thời sự việc cho CQCA. Khi đó, CQCA sẽ hướng dẫn phụ huynh đưa ra những thỏa thuận hợp lý để kéo dài thời gian phát hiện, xử lý đối tượng, để cho đối tượng yên tâm mà không thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của con tin.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi ứng xử của phụ huynh sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của từng vụ việc và tâm lý, nhận thức của đối tượng gây án. Nhưng mục tiêu hướng đến là phải làm cho kẻ bắt cóc trẻ em yên tâm, có thể đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản và không bị phát hiện xử lý.
Bước tiếp theo là cần phối hợp với CQĐT trong việc tiếp cận, giải cứu con tin và bắt giữ đối tượng gây án. “Khi đã làm cho đối tượng gây án yên tâm, bớt căng thẳng, bớt lo âu, nạn nhân sẽ được an toàn. Thời gian càng kéo dài thì càng có thêm cơ hội để phát hiện, bắt giữ đối tượng gây án. Và để phát hiện bắt giữ đối tượng, giải cứu con tin an toàn thì việc trình báo sự việc với CQCA cần làm càng sớm càng tốt” - luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích.
Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, vụ bắt cóc em bé 21 tháng tuổi vừa qua một lần nữa cho thấy, trẻ em có thể bị bắt cóc, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ đối tượng nào. Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ em sống trong một môi trường an toàn.
Các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục cần nâng cao ý thức cảnh giác, giáo dục kỹ năng sống và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tránh trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân trong các vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cẩn trọng khi lựa chọn bảo mẫu
Từ vụ việc người giúp việc bắt cóc, sát hại bé 21 tháng tuổi, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con. Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, đầu tiên phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh.
Thứ hai là cần tìm hiểu ứng viên, thậm chí quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong lịch sử liên quan đến bạo lực với trẻ hay không. Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ. Bên cạnh đó, cũng phải đặc biệt quan tâm đến lịch sử sức khỏe tâm thần của bảo mẫu.
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, phụ huynh phải rà soát các điều khoản hợp đồng để bảo đảm có thể chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu và tìm một người thay thế khi có bất cứ một mối nguy nào hiện hữu. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, định kỳ kiểm tra bảo mẫu, xây dựng một hệ thống liên lạc và các nguồn để kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ.
“Cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu. Phải có các chương trình nâng cao năng lực cho họ, có chứng chỉ bảo mẫu mới được hành nghề. Các trung tâm cung cấp giới thiệu bảo mẫu phải chịu trách nhiệm về nhân sự, những người làm nghề bảo mẫu nhất định phải được đánh giá về tâm lý nhân cách để bảo đảm không có những người có nhân cách chống đối xã hội hoặc đang trong trạng thái bất ổn về mặt tinh thần được tiếp cận với trẻ”, ông Nam nói.