Phương pháp ôn tập Ngữ văn cho từng nhóm đối tượng

Học sinh khá giỏi cần trau dồi ngòi bút để làm tốt phần thi Nghị luận văn học trong khi học sinh trung bình, yếu nên ôn kĩ kiến thức Đọc - Hiểu.

Cô Nguyễn Thùy Dung chụp ảnh cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thùy Dung chụp ảnh cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Cô Nguyễn Thùy Dung, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) đã có những chia sẻ giúp học sinh (HS) theo từng nhóm đối tượng khá giỏi, trung bình, yếu, ôn tập môn thi này hiệu quả.

Ôn tập kỹ kiến thức cơ bản

Theo cô Dung, từng nhóm đối tượng HS khá giỏi hay trung bình, yếu sẽ có những phương pháp ôn tập khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu của các em sử dụng điểm xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học. Tuy nhiên, nhìn chung, các em đều cần tập trung ôn tập kỹ càng kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12.

Đáng chú ý, các em phải ôn kỹ hết các bài, không bỏ bài nào vì “có kiến thức là có tất cả”. Dạng đề không quan trọng bằng kiến thức vì có kiến thức mới làm được các dạng đề, giống như có nguyên liệu mới chế biến được các món ăn hấp dẫn vậy.

Học sinh cần ôn kỹ càng kiến thức trong chương trình lớp 12. Ảnh INT.

Học sinh cần ôn kỹ càng kiến thức trong chương trình lớp 12. Ảnh INT.

Song song, các em kết hợp ôn kiến thức với tham khảo các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi những năm trước hay đề kiểm tra của các trường... và luyện đề để làm quen với các dạng đề thi, cấu trúc đề thi. HS cần tránh lối học tràn lan, tham kiến thức. Và các em cũng cần ghi nhớ làm càng nhiều thì càng lên tay. Nếu có cơ hội, sau khi làm bài xong, hãy nhờ thầy cô chấm bài, sửa bài.

Bên cạnh đó, HS hãy sưu tầm đáp án để học qua đáp án, biết được những điểm cần lưu ý, barem điểm, cách trình bày bài làm, cũng như bổ sung những điểm còn thiếu sót của bản thân.

Tuy nhiên, mỗi đối tượng HS có một năng lực khác nhau và mục tiêu khác nhau cho nên sẽ có những phương pháp ôn tập đặc thù. Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy, cô Dung đã đưa ra một số gợi ý cho từng nhóm HS.

Trau dồi ngòi bút

Với HS khá giỏi, cần thường xuyên đọc sách và chọn đọc những cuốn sách phù hợp cho bài Nghị luận Văn học như: Hạt giống tâm hồn, Cuộc sống xung quanh em... Những cuốn sách này sẽ giúp ích nhiều trong việc tích lũy vốn sống, kinh nghiệm sống cho các em. Bên cạnh đó là tìm đọc sách tham khảo, các bài văn mẫu, những mẩu chuyện về cuộc đời của danh nhân, người nổi tiếng, những câu danh ngôn, châm ngôn bất hủ... để làm dẫn chứng cho bài thi thêm phần sinh động, đa chiều.

Sau khi đọc sách, HS hãy học cách ghi lại những câu hoặc đoạn hay, những khái niệm cần thiết và thường xuyên đọc lại để hiểu cách lập luận, cách phân tích, chứng minh, cách đưa dẫn chứng, cách dùng từ, cách trau chuốt câu văn sao cho bóng bẩy, hình tượng…

Cùng với đó, HS hãy tập viết nhiều, đọc nhiều để tăng cường cách lập luận và chiều sâu của bài viết. Một bài thi đạt điểm cao không hẳn là viết hay mà cần viết đúng, diễn đạt trôi chảy, có nội dung. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa thì bài làm còn phải có sự sáng tạo riêng hợp lý, viết có lý luận, chặt chẽ.

Cô Nguyễn Thùy Dung, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thùy Dung, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Nắm chắc kỹ năng làm bài

Với HS trung bình, yếu, các em cần ôn chắc phần Đọc – hiểu vì đây là phần thi dễ lấy điểm nhưng để lấy điểm tối đa lại không đơn giản. Việc cần làm bắt buộc là học lý thuyết, nắm lý thuyết thật chắc và siêng năng giải các bài tập. Văn ôn võ luyện cứ luyện đề nhiều sẽ đúc kết kinh nghiệm và kĩ năng làm bài.

Đến phần Nghị luận xã hội, HS cần nắm chắc kỹ năng làm bài, kỹ năng xây dựng đoạn hợp lý và vận dụng kết hợp các thao tác lập luận đã học như: giải thích, phân tích, chứng mình, bình luận... như một công thức.

Từ việc nắm được công thức, các em áp dụng vào giải một số đề và tập viết đều đặn để tăng khả năng tư duy, rèn luyện ngòi bút và cách xử lý dạng bài.

Cuối cùng, ở phần Nghị luận văn học, HS trung bình, yếu hãy học cách hệ thống các ý chính trong bài học theo sơ đồ tư duy. Với thơ, các em nắm nội dung từng đoạn. Ở phần văn xuôi, các em nắm đặc điểm của từng nhân vật hoặc giá trị tác phẩm. Cùng với đó, hãy thuộc lòng dẫn chứng trong và ngoài tác phẩm.

Lịch thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023:

Được tổ chức trong các ngày 27, 28,29 và 30/6, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Phạm Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuong-phap-on-tap-ngu-van-cho-tung-nhom-doi-tuong-post636407.html