Phương pháp xét nghiệm máu hứa hẹn giúp chẩn đoán sớm bệnh Parkinson
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thử nghiệm cho thấy tổn thương trong tế bào máu của các bệnh nhân Parkinson lớn hơn so với của người bình thường.
Các nhà khoa học cho biết một phương pháp xét nghiệm máu đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu có tiềm năng trở thành "công cụ" đầu tiên giúp chẩn đoán sớm tình trạng thoái hóa hệ thần kinh ở con người, điển hình là bệnh Parkinson.
Nghiên cứu được công bố ngày 30/8 trên tạp chí Science Translational Medicine.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Laurie Sanders, chuyên gia ngành y dược của Đại học Duke (Mỹ), hiện nay bệnh Parkinson được chẩn đoán chỉ khi bệnh nhân đã có triệu chứng khởi phát, cũng là lúc các tế bào não đã bị tổn thương.
Đến nay, y học vẫn chưa có thuốc hay phương pháp nào giúp điều trị dứt điểm căn bệnh này, song việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bác sỹ đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp để hạn chế tối đa quá trình suy thoái chức năng vận động của người bệnh.
Trong phương pháp xét nghiệm máu này, các nhà khoa học sẽ xác định độ tổn thương của ADN trong ty thể - cấu trúc có vai trò tạo ra năng lượng cho tế bào hoạt động.
Giới khoa học cho rằng các bệnh do thoái hóa hệ thần kinh như Parkinson có liên quan tới khiếm khuyết hoặc tổn thương của ty thể tế bào.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thử nghiệm cho thấy tổn thương trong tế bào máu của các bệnh nhân Parkinson lớn hơn so với của người bình thường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra tổn thương ADN ở những người có gene di truyền đột biến LRRK2 cao hơn thông thường, do đó những người mang gene này có nguy cơ mắc Parkinson cao hơn, kể cả khi không có triệu chứng.
Hiện nay, các thuốc sử dụng trong điều trị Parkinson chỉ có tác dụng kiểm soát các triệu chứng.
Nhà nghiên cứu Sanders cho biết bà hy vọng rằng bên cạnh việc tìm ra một phương pháp chẩn đoán đầy hứa hẹn về hiệu quả, nghiên cứu cũng giúp tìm ra loại thuốc giúp đảo ngược hoặc ngăn chặn quá trình tổn thương ADN ty thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết một phương pháp mới dựa trên xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh Parkinson sẽ là bước tiến lớn trong y học.
Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm phương pháp chẩn đoán với các mẫu bệnh phẩm từ những người có nguy cơ cao nhưng chưa phát triển triệu chứng.
Parkinson là căn bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Alzheimer, ảnh hưởng cuộc sống của khoảng 10 triệu người.
Bệnh thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho người bệnh đi lại khó khăn, cử động chân chạp, chân tay bị run cứng. Khi bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, làm thiếu hụt dopamine.
Hiện vẫn chưa có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn bệnh nhân bị mắc Parkinson mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến trình tiến triển của bệnh./.