Phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép về vấn đề xung đột?

Nhiều phản ứng trái ngược của Mỹ và phương Tây đối với hai cuộc xung đột tại Ukraine và tại dải Gaza, làm dấy lên chỉ trích rằng Mỹ và phương Tây đang áp dụng tiêu chuẩn kép.

Bệnh viện ở Ukraine có thực sự bị tấn công?

Các nước Anh, Pháp, Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn trong ngày 9/7, (theo giờ Mỹ), sau khi Ukraine cáo buộc Nga bắn tên lửa vào bệnh viện nhi ở Kiev.

Trong khi đó, tại Gaza, quân đội Israel đã tấn công 2/3 số bệnh viện. Tuy nhiên, phương Tây lại im lặng về điều đó và chưa từng yêu cầu Hội đồng bảo an họp khẩn.

Phản ứng có phần trái ngược trước các vụ việc tương tự một lần nữa làm dấy lên câu hỏi liệu phương Tây có đang áp dụng tiêu chuẩn kép ở hai điểm nóng xung đột trên thế giới.

Truyền thông địa phương sáng 8/7 đưa tin Thủ đô Kiev của Ukraine đã rung chuyển bởi nhiều vụ nổ lớn khiến nhiều người dân bị thương.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đã bắn hơn 40 tên lửa vào ít nhất 5 trung tâm dân sự lớn ở các thành phố trong giờ cao điểm buổi sáng, bao gồm Thủ đô Kiev cũng như các vùng Dnipro, Kryvyi Rih, Slovyansk và Kramatorsk, khiến nhiều người thương vong.

Đây được coi là đợt không kích dữ dội nhất của Nga tại Ukraine trong nhiều tháng. Trong đó, một cuộc tấn công bằng tên lửa được cho là đã phá hủy một phần Bệnh viện nhi Okhmatdyt ở thủ đô Kiev của Ukraine. Cơ sở này là bệnh viện nhi lớn nhất ở Ukraine, có vai trò quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhi trên khắp cả nước. Có ít nhất 21 người thiệt mạng và 65 người bị thương trong vụ tập kích Kiev.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại Bệnh viện Nhi Ohmatdyt trong cuộc tấn công bằng tên lửa bị cho là do Nga tiến hành ngày 8/7. Ảnh: Reuters.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại Bệnh viện Nhi Ohmatdyt trong cuộc tấn công bằng tên lửa bị cho là do Nga tiến hành ngày 8/7. Ảnh: Reuters.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhiều nước đã lên án vụ tấn công. Bà Barbara Woodward, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc, phát biểu trên mạng X rằng Anh lên án cuộc tấn công vào bệnh viện. Tân Thủ tướng Anh, Keir Starmer, lên án “tấn công trẻ em vô tội” là “hành động khủng khiếp nhất”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 8/7 lên án mạnh mẽ các cuộc không kích, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công vào bệnh viện nhi ở Ukraine “gây sốc”.

Luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm việc tấn công trực tiếp vào dân thường và các mục tiêu dân sự, và bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy đều không thể chấp nhận được và phải chấm dứt ngay lập tức.

Ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn về vụ tấn công của Nga trong ngày 8/7. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Ecuador và Slovenia đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn về vấn đề này.

Đáp lại cáo buộc của Ukraine, hãng tin TASS hôm 8/7 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ các cáo buộc của Ukraine là hoàn toàn không chính xác. Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết lực lượng Nga đã tấn công bằng vũ khí chính xác cao vào các mục tiêu phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine, để đáp trả các nỗ lực tấn công nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Thông báo nêu rõ “Tất cả các cuộc tấn công đều trúng đích, các mục tiêu đã bị hạ”. Moscow phủ nhận việc nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng chúng tôi không tấn công các mục tiêu dân sự. Các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng hay các mục tiêu quân sự có liên quan đến tiềm lực quân sự của Kiev theo cách này hay cách khác.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, những bức ảnh và đoạn video do Ukraine công bố cho thấy cảnh đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kiev là hậu quả của việc một tên lửa phòng không Ukraine bị rơi khi phóng từ hệ thống tên lửa phòng không trong thành phố.

Nga cho rằng những bức ảnh và đoạn video do Ukraine công bố cho thấy cảnh đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kiev là hậu quả của việc một tên lửa phòng không Ukraine bị rơi. Ảnh: X.

Nga cho rằng những bức ảnh và đoạn video do Ukraine công bố cho thấy cảnh đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kiev là hậu quả của việc một tên lửa phòng không Ukraine bị rơi. Ảnh: X.

Theo Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov, Mỹ đang giữ im lặng về việc tên lửa phòng không Ukraine bị rơi vào một bệnh viện ở Kiev, nhằm lợi dụng tình hình này để chuyển giao vũ khí mới.

“Mỹ im lặng một cách đạo đức giả về việc đầu đạn tấn công cơ sở hạ tầng dân sự hóa ra là tên lửa phòng không của Ukraine”, ông Antonov cho biết trong một tuyên bố do Đại sứ quán đưa ra.

Đại sứ Nga cũng nhấn mạnh “giới chức Mỹ và các nhà quan sát địa phương không hiểu rõ sự thật, đang sử dụng thảm kịch này một cách trắng trợn để chống lại đất nước chúng tôi”.

Theo nhà ngoại giao này, những gì đã xảy ra chỉ nói lên một điều: phương Tây nên ngừng cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, vốn đang giết hại dân thường ở Nga và chính người Ukraine.

Ông Antonov kết luận: “Tuy nhiên, thực tế là vụ việc bệnh viện bị phá hủy xảy ra vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, dường như được những người bảo trợ phương Tây của Kiev coi là một “cơ hội tuyệt vời” để biện minh cho sự leo thang hơn nữa xung đột và việc tiếp tục cuộc chiến cho đến người Ukraine cuối cùng”.

Các bệnh viện ở Gaza trở thành chiến trường

Tại một điểm nóng xung đột khác ở Trung Đông, các nước phương Tây đã im lặng suốt một thời gian dài khi Israel thực hiện các vụ đánh bom và phong tỏa các bệnh viện tại Gaza.

Kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự tại Dải Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, đã có 2/3 các bệnh viện tại đây bị tấn công và phong tỏa khi Israel cho rằng các tay súng Hamas ẩn náu bên trong các đường hầm bên dưới bệnh viện.

Các cuộc tấn công của lực lượng quân sự Israel vào các bệnh viện đã gây ra khủng hoảng y tế nghiêm trọng, khiến hàng nghìn bệnh nhân Palestine phải di dời và đối mặt nguy cơ không được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tháng 10/2023, Bệnh viện Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất của thành phố Gaza là tâm điểm của cuộc chiến tranh của Israel ở Dải Gaza.

Lực lượng Israel đã tiến hành một cuộc đột kích vào khu phức hợp Al-Shifa để nhắm vào những gì họ tuyên bố là một trung tâm chỉ huy do Hamas điều hành nằm bên dưới tòa nhà, sau khi bao vây và ném bom trung tâm y tế chính của vùng đất này trong nhiều ngày. Hamas và các quan chức y tế đã phủ nhận cáo buộc này.

Liên hợp quốc ước tính có 2.300 bệnh nhân, nhân viên và người Palestine phải di dời đang ở bên trong Bệnh viện Al-Shifa khi quân đội Israel tấn công vào khu phức hợp y tế này.

Người Palestine phải di dời đang ở bên trong bệnh viện Al-Shifa khi quân đội Israel tấn công. Ảnh: TTXVN.

Người Palestine phải di dời đang ở bên trong bệnh viện Al-Shifa khi quân đội Israel tấn công. Ảnh: TTXVN.

Israel đã biến cơ sở y tế lớn nhất của Gaza thành một vùng chiến sự, nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào Gaza, hàng loạt bệnh viện đã trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Israel do cáo buộc Hamas sử dụng các địa điểm này cho mục đích quân sự.

Tất cả các bệnh viện ở phía Bắc Gaza, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất, đã ngừng hoạt động. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã báo cáo Israel tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Gaza kể từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái.

Ông Rik Peeperkorn - Đại diện của WHO tại các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho hay: “Tính đến tháng 6, chúng tôi đã báo cáo 474 vụ tấn công y tế và liên quan đến 740 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công đó, 961 người bị thương trong các vụ tấn công này và 128 nhân viên y tế vẫn bị giam giữ và bắt giữ. Chúng tôi đã chứng kiến 103 cơ sở y tế bị ảnh hưởng và 32 bệnh viện bị hư hại. Và bên cạnh đó, 113 xe cứu thương bị ảnh hưởng và 61 xe bị hư hỏng nặng".

Bệnh viện Al-Ahli, một trong những trung tâm y tế cuối cùng ở phía Bắc vẫn còn hoạt động, đã bị bao vây và đánh bom trước khi tuyên bố ngừng hoạt động.

Bác sĩ Ghassan Abu-Sittah, một bác sĩ phẫu thuật người Anh gốc Palestine, đã nói về điều đau lòng nhất mà ông phải làm khi buộc phải rời khỏi bệnh viện: "Đó là cơn ác mộng sống, khiến 500 người bị thương. Tôi không thể làm cho họ nữa".

Những người bị thương được đưa tới Bệnh viện Al-Shifa Hospital sau cuộc tấn công vào Bệnh viện Al-Ahli Baptist Hospital ở Gaza ngày 17/10. Ảnh: Getty.

Những người bị thương được đưa tới Bệnh viện Al-Shifa Hospital sau cuộc tấn công vào Bệnh viện Al-Ahli Baptist Hospital ở Gaza ngày 17/10. Ảnh: Getty.

Bệnh viện Al-Quds cũng bị tấn công. Hàng nghìn người phải di dời và hàng chục người bị thương đã buộc phải sơ tán khỏi cơ sở và di chuyển về phía Nam, được cho là do cuộc pháo kích liên tục của Israel xung quanh bệnh viện.

Bệnh viện Indonesia, cơ sở duy nhất ở phía Bắc Gaza vẫn đang điều trị cho bệnh nhân, đã bị pháo binh và bắn tỉa tấn công, được cho là đã giết chết 12 người và làm bị thương hàng chục người khác.

Việc Israel liên tục nhắm mục tiêu vào các bệnh viện đã dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của một hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã bị tàn phá bởi lệnh phong tỏa Dải Gaza kéo dài 16 năm.

Theo Bộ Y tế Palestine, 26 trong số 32 bệnh viện trên khắp Gaza đã bị thiệt hại tới mức không thể hoạt động được nữa do cuộc tấn công quân sự của Israel hoặc do thiếu điện.

Có 9 bệnh viện và 18 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn, chủ yếu ở phía Nam, hoạt động dưới công suất hạn chế, với nguồn cung cấp y tế hầu như không đủ để duy trì các ca phẫu thuật quan trọng và cấp cứu, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc.

Theo Công ước Geneva lần thứ tư, trong thời gian chiếm đóng quân sự, lực lượng chiếm đóng có nghĩa vụ phải tận dụng tối đa các phương tiện có sẵn để "đảm bảo lương thực và vật tư y tế" cho người dân.

Thế nhưng, Israel lại đang tiến hành cuộc chiến nhằm vào các bệnh viện ở thành phố Gaza. Luật sư Dalia Qumsieh cho rằng hành động này của Israel là hành vi vi phạm luật quốc tế.

Việc tấn công cơ sở hạ tầng bệnh viện và nhắm vào nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ là một trong nhiều hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng và có hệ thống được ghi chép rõ ràng do Israel thực hiện ở Gaza. Các cuộc tấn công vào bệnh viện như vậy không thể tách biệt khỏi bối cảnh di dời cưỡng bức, một hành vi vi phạm nghiêm trọng khác đối với luật pháp quốc tế, tương đương với tội ác chiến tranh.

Bà Dalia Qumsieh - Luật sư và là người sáng lập Sáng kiến Balasan vì Nhân quyền.

"Tiêu chuẩn kép" đối với hai cuộc xung đột

Nhiều phản ứng trái ngược của Mỹ và phương Tây đối với hai cuộc xung đột tại Ukraine và tại Dải Gaza, làm dấy lên một số chỉ trích cho rằng Mỹ và phương Tây đang áp dụng tiêu chuẩn kép.

Trong khi tại Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu đứng về phía Kiev - bên bị tấn công, thì tại Dải Gaza, họ lại đứng về phía Israel - bên tấn công.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã mở cửa chào đón hàng triệu người Ukraine lưu vong. Trong khi hàng trăm nghìn người Palestine muốn chạy trốn khỏi Gaza đã không được chào đón như vậy.

Mỹ và phương Tây đã đáp trả việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng cách áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, hạn chế thương mại và ngân hàng, đóng băng tài sản đối với các nhà tài phiệt. Tuy nhiên, không có phản ứng như vậy đối với Israel.

Người Palestine chạy khỏi phía Bắc Gaza di chuyển về phía Nam khi xe tăng của Israel tiến sâu hơn vào vùng đất này. Ảnh: Reuters.

Người Palestine chạy khỏi phía Bắc Gaza di chuyển về phía Nam khi xe tăng của Israel tiến sâu hơn vào vùng đất này. Ảnh: Reuters.

Trong khi phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ thì họ lại bán vũ khí cho Israel để nước này thực hiện các cuộc tấn công tại Gaza, đồng thời đe dọa trả đũa bất kỳ ai ủng hộ quân sự cho người Palestine.

Hoàng hậu Rania của Jordan đã cáo buộc phương Tây “tiêu chuẩn kép” khi không lên án những cuộc không kích của Israel khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hồi tháng 3 cũng kêu gọi hòa bình ở Ukraine và ngừng bắn ở Gaza theo luật pháp quốc tế và nhân đạo, đồng thời cho biết không nên có “tiêu chuẩn kép” liên quan đến hai cuộc xung đột.

Ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên hợp quốc: "Một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo là bảo vệ dân thường. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ở Ukraine cũng như ở Gaza, không nên có tiêu chuẩn kép".

"Tiêu chuẩn kép" và sự thiên vị của phương Tây đối với Israel còn tiếp tục được bộc lộ rõ hơn sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của Tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng.

Sau vụ tấn công này, Mỹ lần đầu tiên ra “tối hậu thư” kêu gọi Israel ngừng bắn ngay lập tức. Trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, Israel đã thừa nhận sai lầm, đồng thời có những điều chỉnh trong chính sách tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ khiến dư luận đặt dấu hỏi liệu rằng có tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các tình nguyện viên phương Tây và người dân Palestine? Và liệu có phải sinh mạng của hơn 38 nghìn người dân Gaza bị thiệt mạng kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, có bị Israel và phương Tây coi rẻ?

Chưa rõ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ ra quyết định như thế nào về vụ bệnh viện ở Kiev bị tấn công, tuy nhiên, qua đây có thể thấy rõ phản ứng khác biệt của phương Tây trước các cuộc tấn công ở hai điểm nóng xung đột Ukraine và Gaza.

Những phản ứng thiên lệch đó thể hiện toan tính lợi ích của các bên liên quan và chỉ làm gia tăng xung đột. Trong đó, dân thường vẫn là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nhất.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phuong-tay-ap-dung-tieu-chuan-kep-ve-van-de-xung-dot-250441.htm