Phương Tây cảnh giác với ý tưởng sản xuất vũ khí ở Ukraine
Các công ty quốc phòng phương Tây quan tâm đến việc chế tạo vũ khí ở Ukraine – nhưng đó là câu chuyện sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
Bình luận trên đến từ CEO và quản lý cấp cao của một số tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu mà hãng thông tấn Reuters phỏng vấn bên lề Triển lãm Hàng không Paris (Paris Airshow) lần thứ 54 đang diễn ra ở thủ đô nước Pháp, từ 19-25/6.
Ukraine đang ráo riết tăng cường kho vũ khí của mình, từ máy bay không người lái (drone), đạn dược cho đến xe tăng, khi quân đội nước này đang trong cuộc phản công nhằm đẩy lùi quân Nga. Chính quyền ở Kiev cũng đang tìm cách thúc đẩy cơ hội việc làm và ổn định nền kinh tế bị tàn phá bởi cuộc chiến khốc liệt này.
Hôm 19/6, Thứ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Sergiy Boyev nói với Reuters rằng Kiev đang đàm phán với các công ty quốc phòng ở Đức, Pháp, Italy và Đông Âu về khả năng sản xuất vũ khí ở Ukraine.
“Chúng tôi đang thảo luận rất chi tiết với họ. Và chúng tôi chắc chắn rằng có thể ký kết các thỏa thuận hợp đồng trong vòng vài tháng tới”, ông Boyev nói với Reuters bên lề Triển lãm Hàng không Paris.
Tuy nhiên, lãnh đạo của một số công ty tham gia triển lãm lớn nhất thế giới về công nghiệp hàng không vũ trụ cho biết hiện có quá nhiều rủi ro.
“Suy nghĩ rộng hơn, các vị sẽ thấy toàn cảnh tình hình... và rủi ro liên quan đến việc hợp tác sản xuất đó”, ông Greg Ulmer, người đứng đầu bộ phận kinh doanh hàng không của Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin (Mỹ) cho biết. Ông Ulmer cũng nói rằng bản thân không biết về bất kỳ cuộc thảo luận trực tiếp nào với Ukraine về các hoạt động hợp tác sản xuất.
Đại diện của 2 công ty quốc phòng lớn khác thì xác nhận họ đã nghe nói về sáng kiến của Ukraine. Một người trong số này nói thêm rằng công ty của họ đã chuẩn bị ký một ý định thư về thảo luận quan hệ đối tác công nghiệp ở Ukraine sau khi chiến sự kết thúc.
Nhưng không ai trong số những người được Reuters phỏng vấn bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư trực tiếp trong khi cuộc chiến với Nga vẫn đang diễn ra ác liệt, vì mối quan tâm hàng đầu lúc này là an ninh.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Tháng trước, gã khổng lồ quốc phòng Rheinmetall của Đức cho biết họ đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn Ukroboronprom thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine để chế tạo và sửa chữa xe tăng ở Ukraine. Các hoạt động dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 7.
Vào tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang làm việc với BAE Systems của Anh về việc thành lập một căn cứ ở Ukraine để sản xuất và sửa chữa vũ khí, từ xe tăng đến pháo binh.
Nhưng các CEO và quản lý cấp cao mà Reuters phỏng vấn bên lề Triển lãm Hàng không Paris lưu ý rằng các cơ sở sửa chữa vũ khí sẽ dễ thiết lập hơn so với các dây chuyền lắp ráp quy mô lớn.
Phản ứng trước động thái trên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, đã tuyên bố rằng Nga sẽ trả đũa bằng cách tấn công bất kỳ cơ sở nào của Rheinmetall được thiết lập ở Ukraine.
“Cũng như ở bất kỳ quốc gia nào, phải mất một thời gian để thử nghiệm và đánh giá xem ai là đối tác phù hợp, ai có thể làm gì. Và làm điều đó trong khi họ đang tiến hành một cuộc chiến không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”, ông Micael Johansson, CEO của Tập đoàn quốc phòng Saab của Thụy Điển, cho biết.
Các quan chức Ukraine từ chối bình luận về mối quan ngại của các công ty quốc phòng, và cũng không cho biết liệu giới chức Kiev có cung cấp bất kỳ bảo hiểm hoặc ưu đãi nào khác cho đầu tư hay không.
Các công ty bảo hiểm lớn thường loại trừ Ukraine khỏi các hợp đồng bảo hiểm, nói rằng rủi ro quá lớn, mặc dù Anh và Pháp hôm 21/6 cho biết riêng rẽ rằng họ đang lên kế hoạch cho các cơ chế bảo hiểm rủi ro chiến tranh để hỗ trợ sự phục hồi của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh, Pháp, Đức và Italy từ chối bình luận về bất kỳ khả năng sản xuất vũ khí nào ở Ukraine.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ Ukraine... bao gồm cả những nỗ lực xây dựng lại cơ sở công nghiệp quan trọng của họ. Chúng tôi không có thông tin cụ thể hoặc bổ sung nào để cung cấp về hợp tác sản xuất quốc phòng vào thời điểm này”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters.
Chỉ hỗ trợ từ xa
Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều công ty quốc phòng cũng nhìn thấy một cơ hội lớn tiềm năng ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
“Theo những gì chúng tôi biết, họ có một lực lượng lao động có tay nghề cao gồm những người ham học hỏi, cực kỳ tháo vát và có tinh thần trách nhiệm hoàn thành công việc”, ông Ricardo Mendes, CEO của công ty sản xuất máy bay không người lái TEKEVER có trụ sở tại Anh và Bồ Đào Nha, cho biết.
TEKEVER không có kế hoạch cụ thể cho các hoạt động thời hậu chiến, nhưng cho biết họ dự định “đầu tư và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của cơ sở công nghiệp máy bay không người lái Ukraine”.
Thứ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Boyev cho biết, các cuộc đàm phán về sản xuất máy bay không người lái có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng nhấn mạnh sản xuất ở Ukraine có thể là một cách hiệu quả để tận dụng chuyên môn về máy bay không người lái hiện có của đất nước và tạo việc làm ở miền Tây và miền Trung Ukraine – những khu vực xung đột ít lan tới.
Nhưng một số doanh nhân cảnh báo, các quy định hiện hành có thể hạn chế khả năng hợp tác với ngành công nghiệp Ukraine của các công ty ngay cả sau khi cuộc chiến kết thúc.
“Khi nói đến hợp tác sản xuất, chính phủ Mỹ xem xét những điều đó rất cẩn thận... và luôn để mắt đến việc đảm bảo rằng chúng tôi không chuyển giao hoàn toàn tất cả bí quyết kỹ thuật cho đối tác nước ngoài”, ông Nicola Johnson, giám đốc cấp cao về các vấn đề chính phủ của nhà sản xuất máy bay không người lái Mỹ General Atomics, cho biết.
Dù thế nào chăng nữa, việc sớm khơi dậy ý tưởng sản xuất vũ khí ở Ukraine trong đầu lãnh đạo các doanh nghiệp có thể là một bước đi khôn ngoan, các nhà phân tích nhận định. Nếu cuộc chiến kết thúc trong năm tới, chiến lược của Ukraine có thể giúp khởi động các cuộc thảo luận về việc xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng trong thời bình.
“Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, ông Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ tại AeroDynamic Advisory, cho biết. “Về lâu dài, mục tiêu hàng đầu là đưa Ukraine vào hệ sinh thái công nghiệp phương Tây và thậm chí có thể là liên minh chính trị và quân sự”.
Còn hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất muốn tiếp tục hỗ trợ từ xa cho Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí.
“Đừng bao giờ nói không bao giờ, phải không nào? Nhưng hiện tại, trọng tâm là đảm bảo rằng họ có những gì họ cần”, ông Chris Calio, COO của Tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies (RTX), cho biết.
Minh Đức (Theo Reuters, TVP World)