Phương Tây có thể đối mặt hậu quả lớn nếu cấm vận dầu của Nga
Kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga của chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng đến dòng chảy thế giới.
Hôm 7/3, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ kêu gọi bổ sung đạo luật cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, đồng thời đình chỉ mối quan hệ thương mại với Nga và Belarus. Kế hoạch này nhanh chóng được một số quốc gia châu Âu tán thành. Họ thậm chí tuyên bố sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga.
Kết thúc phiên giao dịch cùng ngày, chứng khoán toàn cầu chứng kiến đợt sụt giảm mạnh mẽ do lo ngại lệnh cấm vận và tình hình chiến sự leo thang ở Ukraine.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 giảm gần 3%, mức mạnh nhất kể từ tháng 10/2020; Nasdaq 100 giảm 3,6%, hiện thấp hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021 trong khi Dow Jones lao dốc 797,42 điểm, tương đương 2,37%. Đây cũng là phiên giao dịch tồi tệ nhất của Phố Wall trong hơn một năm.
Bài toán khó của phương Tây
Kể từ thời điểm Nga tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đánh vào tài chính, thương mại cũng như công nghệ. Bên cạnh đó, các nước phương Tây đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Khoảng 40% nguồn cung dầu thô của châu Âu hiện nay đến từ Nga. Do đó, tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Một số quan chức còn tin rằng việc giá nhiên liệu tăng sẽ có lợi cho Tổng thống Vladimir Putin và giảm áp lực trừng phạt.
Trong thông điệp liên bang, ông Biden lưu ý giá xăng tăng cao đi kèm lạm phát có thể gây hại cho người tiêu dùng. Tính đến nay, giá xăng trung bình tại Mỹ đã vượt ngưỡng 4 USD/gallon, tăng hơn 10% so với một tuần trước. Đây là yếu tố khiến vị tổng thống đối mặt với áp lực chính trị chưa từng có, đặc biệt khi vị trí của ông trong mắt cử tri đang lung lay.
“Tổng thống không đưa ra quyết định nào vào thời điểm này. Điều ông ấy muốn hướng đến hiện nay là giải quyết hậu quả của biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời thực hiện mọi hành động cần thiết để hạn chế tác động của giá xăng”, Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng, phát biểu.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ông Biden cùng các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức đều “khẳng định quyết tâm buộc Nga phải trả giá vì tấn công Ukraine”.
Song, khả năng hợp tác của 4 quốc gia phương Tây có thể dừng lại trước vấn đề dầu mỏ. Mới đây, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức không thể cắt đứt dòng chảy này.
“Châu Âu đã chủ đích loại nguồn cung cấp năng lượng từ Nga khỏi các lệnh trừng phạt. Hiện tại, nguồn cung cấp cho hoạt động sản xuất nhiệt, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp của châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác”, ông Scholz tuyên bố hôm 7/3.
Không có nhiều lựa chọn
Trước mắt, giới chức Mỹ cho biết sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu trong nước thay vì mở rộng phạm vi sang các nước khác. Điều này có thể giảm bớt cú sốc kinh tế cho thị trường dầu mỏ do Mỹ không nhập quá nhiều dầu thô từ Nga.
Mùa thu năm 2021, Mỹ nhập khoảng 700.000 thùng/ngày từ Nga, con số này chiếm chưa đến 10% tổng lượng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, châu Âu đang nhập khẩu 4,5 triệu thùng/ngày, chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu.
Dù Mỹ có thể dễ dàng bù đắp sự thiếu hụt của dầu thô Nga, bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung cũng có thể rung chuyển thị trường toàn cầu, nhất là giá dầu. Cả hai loại dầu WTI và Brent đều tiến sát đến ngưỡng 130 USD/thùng trong hôm qua. Dầu Brent thậm chí có thời điểm tăng tới 139 USD/thùng trước khi ổn định ở mức dưới 130 USD.
Tổng cộng, giá dầu đã tăng khoảng 26% trong tuần qua khi xung đột gia tăng.
Trước lo ngại bất ổn nguồn cung, một số quan chức Mỹ đã tính tới phương án tăng nguồn cung hoặc phân phối từ các quốc gia sản xuất dầu, bao gồm Saudi Arabia và Venezuela (một trong những đối tác của Nga và chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ trong nhiều năm).
Nếu bị cấm vận, Moscow có thể tăng cường xuất khẩu dầu mỏ cho những khách hàng khác như Trung Quốc để giảm áp lực của lệnh trừng phạt.
Trung Quốc hiện là đối tác chiến lược mạnh mẽ nhất của Nga. Tuyên bố tại họp báo, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết “bất kể bối cảnh quốc tế ra sao, Trung Quốc sẽ duy trì trọng tâm chiến lược và thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Trung - Nga trong kỷ nguyên mới”.
Song, Trung Quốc có cơ hội tốt hơn để đàm phán giá mua, do đó, không ngoại trừ khả năng Nga bị thiếu hụt doanh thu.
Hậu quả lớn
Theo Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, tác động của lệnh cấm vận năng lượng của Nga tùy thuộc vào quy mô. Trên hết, việc cắt giảm doanh số xuất khẩu diện rộng sẽ làm giảm thu nhập quy đổi bằng đồng nội tệ của Nga.
“Điều này không chỉ phản ánh trong dòng tiền của ngân sách nhà nước mà còn ở tỷ giá hối đoái. Nga sẽ không có đủ tiền mặt để hỗ trợ đồng RUB”, ông Gabuev nhận định.
Nếu muốn cấm vận dầu từ Nga, Washington cần có biện pháp đảm bảo nguồn cung dầu toàn cầu. Mới đây, nhiều chuyên gia phân tích đã bỏ ngỏ khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt năng lượng với Iran nếu thỏa thuận hạt nhân mới được thông qua. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã phủ nhận vấn đề này.
Không từ ngữ nào có thể miêu tả cách giá xăng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Cái giá phải trả cho các biện pháp trừng phạt Nga rất lớn
Patrick De Haan, người đứng đầu GasBuddy
Giới phân tích của Goldman Sachs ước tính tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay sẽ giảm 0,5% nếu giá dầu đạt 150 USD/thùng. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát, vốn ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, và giá cả tăng buộc người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn, dẫn đến vòng xoáy giá cả - tiền lương.
Dẫu vậy, theo Capital Economics, lệnh cấm vận dầu xuất khẩu phạm vi rộng của Nga có thể khiến nền kinh tế này suy giảm tới 25%. Tốc độ lạm phát tại các nền kinh tế tiên tiến có thể tăng gấp đôi và khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR sẽ rơi vào suy thoái.
“Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho ngành công nghiệp ở châu Âu. Sự sụp đổ trong thương mại năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân bổ năng lượng ở châu Âu, chúng sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng và có thể gây thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu”, Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết.