Phương Tây cởi trói viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine
Đức, Pháp, Anh và Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế về vũ khí tầm xa với Ukraine, cho phép tấn công các mục tiêu quân sự của Nga. Động thái này khiến Điện Kremlin lên tiếng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Thủ tướng Đức Friedrich Merz tại Kiev năm 2024. Ảnh: Getty
Theo tờ The Kyiv Independent, ngày 26-5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết các đối tác phương Tây không áp đặt bất kỳ hạn chế tầm bắn nào đối với các loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự của Nga. "Không còn bất kỳ hạn chế nào về phạm vi vũ khí được chuyển giao cho Ukraine nữa - cả từ Anh, Pháp và chúng tôi. Mỹ cũng không có hạn chế nào nữa", ông Merz phát biểu trong một diễn đàn do kênh WDR tổ chức. "Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ, bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga", Thủ tướng Đức nói thêm. "Cho đến gần đây, họ không thể làm điều đó, và ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, họ cũng không làm như vậy".
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Đức cũng cáo buộc rằng trong khi Ukraine sử dụng vũ khí để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga thì Nga vẫn đang tiếp tục tấn công "các thành phố, trường mẫu giáo, bệnh viện và viện dưỡng lão" của Ukraine. Trước khi trở thành Thủ tướng Đức, ông Merz đã từng phát đi tín hiệu rằng ông sẽ lật ngược lệnh cấm chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Đức dưới thời người tiền nhiệm Olaf Scholz. Taurus là loại tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500 km. Tuy nhiên kể từ khi nhậm chức đến nay, ông vẫn chưa xác nhận liệu có ý định chuyển giao tên lửa này hay không.
Trước đây, Ukraine đã nhận được tên lửa tầm xa từ Mỹ, Anh và Pháp - bao gồm ATACMS, Storm Shadow và SCALP - nhưng ban đầu chỉ được phép triển khai để tấn công lực lượng quân sự Nga trên các vùng lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây ban đầu tỏ ra khá dè dặt với đề nghị này. Vào tháng 11-2024, sau thời gian dài từ chối đề nghị của Ukraine vì lo ngại tình hình leo thang, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trước đó, Ukraine cũng từng đề nghị Mỹ cung cấp pháo phản lực phóng loạt HIMARS, xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16. Ban đầu, Washington dứt khoát từ chối, nhưng cuối cùng lại chấp thuận khi lực lượng Ukraine ở thế khó trong cuộc xung đột với Nga.
Sự thay đổi lớn
Tuyên bố của Thủ tướng Đức về việc các nước phương Tây đồng ý dỡ bỏ mọi rào cản liên quan tới vũ khí tầm xa được đưa ra sau đêm thứ 3 liên tiếp Nga tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa trên khắp Ukraine. Đây là một trong những cuộc không kích lớn nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Quyết định của phương Tây đã nhận được sự ủng hộ từ phía Ukraine, đúng vào thời điểm quân đội nước này đang điều chỉnh cách thức sử dụng vũ khí và thiết bị hạng nặng do phương Tây cung cấp, bao gồm xe tăng. Sau hơn 3 năm xung đột, Ukraine cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc đối đầu với một đối thủ mạnh hơn.
Theo Kyiv Post, Jorge Rivero, chuyên gia về Nga - Ukraine tại Washington, cho rằng việc phương Tây nới lỏng hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa có thể đánh dấu sự thay đổi lớn trong bối cảnh xung đột hiện nay. "Việc nới lỏng các hạn chế có thể cho phép Kiev nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự trong lãnh thổ Nga, bao gồm các căn cứ không quân phóng máy bay không người lái và máy bay ném bom chiến lược trong các cuộc tấn công liên tục vào các thành phố của Ukraine", ông nói. "Chính sách này cũng có thể trao quyền để các lực lượng Ukraine tấn công vào các trung tâm chỉ huy, điều khiển của Nga cũng như các tuyến hậu cần nằm sâu trong nội địa Nga bằng vũ khí dẫn đường chính xác", ông bổ sung.
Trước đó, các hạn chế từ phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí tiên tiến đã ngăn Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng và chuỗi hậu cần sâu trong lãnh thổ Nga. Ông Jorge Rivero cảnh báo, việc gỡ bỏ này có khả năng sẽ làm phức tạp các kế hoạch tác chiến của Nga và đe dọa đến sự liên tục của các tuyến tiếp tế đã được Moscow duy trì trong nhiều năm qua.
Điện Kremlin lên tiếng
Theo hãng tin Reuters, ngày 26-5, Điện Kremlin đã lên tiếng trước động thái dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa được phương Tây chuyển giao cho Ukraine trong cuộc chiến hiện nay với Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh việc các nước châu Âu dỡ bỏ các hạn chế về năng lực tên lửa tầm xa cho Ukraine sẽ là một động thái nguy hiểm. Ông Peskov cho biết quyết định như vậy sẽ đi ngược lại nguyện vọng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp chính trị.
Theo ông Peskov, Nga vẫn đang nghiêm túc xây dựng dự thảo đề xuất về thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn cho cuộc xung đột với Ukraine. Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: "Đây là một dự thảo nghiêm túc, đòi hỏi quá trình kiểm tra và chuẩn bị kỹ lưỡng".
Trong các thông báo đưa ra ngày 25-5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này Ukraine đã hoàn tất ba cuộc trao đổi với 1.000 người mỗi bên, đánh dấu đợt trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi bùng nổ xung đột tháng 3-2022. Việc trao đổi tù binh là kết quả của cuộc đàm phán giữa hai nước tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 16-5 vừa qua. Trước đó hôm 23-5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng sau khi nước này và Ukraine hoàn tất trao đổi tù binh, Moscow sẽ chuyển cho Kiev bản dự thảo, trong đó nêu rõ các điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài.