Phương Tây đang âm thầm thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga?

Pháp, Đức và Vương quốc Anh đã đề xuất một kế hoạch phòng thủ mới giữa NATO và Ukraine. Đằng sau đề xuất này có thể là một nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Ukraine với Nga.

Trong khi NATO ngày 24/2 đưa ra một tuyên bố thể hiện quan điểm thống nhất về sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine, các quan chức Đức, Pháp và Anh được cho là đã đề xuất một hiệp ước an ninh hạn chế với mục tiêu thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Hiệp ước được đề xuất giữa Ukraine và NATO sẽ cung cấp cho Kiev đủ hỏa lực để đối phó với Nga, đồng thời cũng ngầm khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Elysee, Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Elysee, Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Đề xuất này phần nào trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu về sự ủng hộ kiên định đối với Ukraine.

Trong bài phát biểu tại Warsaw (Ba Lan) ngày 22/2, ông Biden cam kết: “Nga sẽ không bao giờ thắng ở Ukraine”. Chuyến thăm bất ngờ của ông Biden tới Ukraine và sau đó tới Ba Lan diễn ra vào thời điểm tròn một năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

Trả lời phỏng vấn Vox, bà Liana Fix, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng, hiện vẫn chưa rõ hiệp ước phòng thủ giữa NATO và Ukraine có liên quan trực tiếp đến nỗ lực đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine với Nga hay không.

Hiệp ước phòng thủ có thể bao gồm những gì?

Theo Vox, Pháp và Đức phần nào miễn cưỡng dốc hết sức mình vào nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng bày tỏ sẵn sàng giải quyết những lo ngại về an ninh của Nga, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz do dự về việc gửi xe tăng Leopard tới Ukraine. Thái độ này hoàn toàn trái ngược với lập trường của Vương quốc Anh vốn rất cởi mở trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

“Cho đến nay, Vương quốc Anh có quan điểm gần gũi hơn với các quốc gia Trung và Đông Âu, trong khi Đức và Pháp là những quốc gia luôn cân nhắc khả năng đàm phán. Vì vậy, có một chút ngạc nhiên khi thấy 3 quốc gia này có chung một đề xuất”, bà Fix đánh giá.

Theo Wall Street Journal, kế hoạch nêu trên do Thủ tướng Anh Rishi Sunak đề xuất, theo đó sẽ cho phép Ukraine tiếp cận vũ khí tiên tiến của NATO. Ông Sunak cũng ủng hộ việc chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine trong tương lai.

Tăng khả năng tiếp cận kho vũ khí của NATO rõ ràng sẽ là một lợi thế cho Ukraine, nhưng điều này sẽ bị hạn chế nếu đề xuất của Anh, Pháp và Đức được thông qua. Đề xuất này sẽ không bao gồm việc Ukraine được bảo vệ theo Điều 5 của NATO cũng như hứa hẹn NATO triển khai lực lượng ở Ukraine, bởi Nga luôn coi việc NATO mở rộng vào Ukraine là một mối đe dọa.

Việc bảo vệ theo Điều 5 được các thành viên NATO khác đặc biệt quan tâm. Nếu Ukraine trở thành một phần của liên minh và bị Nga tấn công, các quốc gia thành viên còn lại sẽ bảo vệ Kiev. Điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, thảm khốc - hoặc tệ hơn là xung đột hạt nhân.

Nếu không bao gồm điều khoản phòng vệ tập thể theo Điều 5 hay việc triển khai binh sỹ NATO ở Ukraine, hiệp ước phòng thủ mà Pháp, Đức và Anh đề xuất sẽ phần nào giống như sự tiếp nối của thỏa thuận hiện tại, đó là phương Tây hỗ trợ quân sự cho một quốc gia không phải là thành viên NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO và đã tuyên bố ý định làm việc để trở thành thành viên của liên minh trong thời gian xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn.

Một trong những điều khoản đàm phán ban đầu của Nga, ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây hơn 1 năm, là Kiev giữ thái độ trung lập và cam kết không bao giờ gia nhập NATO.

Không rõ liệu kế hoạch được đề xuất có ngăn Ukraine gia nhập liên minh hay không, mặc dù bà Fix cho biết Ukraine chắc chắn sẽ tìm cách để không rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Giới chức NATO hiện chưa bình luận về đề xuất của Pháp, Đức và Anh.

Khuyến khích Ukraine đàm phán với Nga?

Các quan chức Pháp, Đức và Vương quốc Anh cho biết, bối cảnh của kế hoạch được đề xuất là hứa hẹn với Ukraine về sự bảo vệ và khả năng tiếp cận vũ khí với hy vọng rằng những đảm bảo an ninh đó sẽ khuyến khích Ukraine theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Theo Vox, phương Tây dường như sẵn sàng cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để Kiev tận dụng thời điểm đặc biệt này. Tuy nhiên, giới chính trị gia ở Pháp, Đức và Anh ngày càng cho rằng Ukraine khó có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận và cuộc xung đột có thể đi vào bế tắc. Nếu điều đó xảy ra, quan điểm chung của phương Tây sẽ là vẫn ủng hộ Ukraine nhưng cũng bắt đầu âm thầm gây áp lực buộc Kiev phải đàm phán.

Dù vậy, theo bà Fix, vẫn chưa rõ 2 mục tiêu – trang bị vũ khí cho Ukraine và thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình với Nga - có đi đôi với nhau hay không.

“Có thể 2 vấn đề này được thảo luận cùng một lúc, nhưng sẽ khó thực hiện nếu chúng có sự liên kết với nhau. Tôi cũng thấy khó tin khi sự liên kết là Ukraine chỉ nhận được hỗ trợ an ninh và quốc phòng bổ súng nếu đồng ý đàm phán [với Nga]”, bà Fix nói.

Theo bà, đề xuất về hiệp ước phòng thủ có thể là một phương tiện để thăm dò tình hình và xác định mong muốn đàm phán của Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine ít có xu hướng muốn đàm phán hơn so với 1 năm trước. Theo Foreign Policy, Tổng thống Zelensky từng sẵn sàng hy sinh Crimea để chấm dứt giao tranh, nhưng hiện giờ quân đội Ukraine được cho là đang lên kế hoạch giành lại bán đảo mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014.

Về lý thuyết, bất kỳ thành viên nào của NATO cũng đều có thể phủ quyết đề xuất từ Anh, Pháp và Đức, nhưng tổ chức này hoạt động dựa trên sự đồng thuận và một sáng kiến như vậy thậm chí sẽ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nếu không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong liên minh./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Vox

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-dang-am-tham-thuc-day-ukraine-dam-phan-voi-nga-post1004312.vov