Phương Tây gửi thêm vũ khí tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine
Một hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất đang được vận chuyển từ Israel sang Ukraine. Các đồng minh phương Tây của Kiev cũng đang thảo luận hoạt động hậu cần nhằm gửi thêm một tổ hợp Patriot nữa của Đức hoặc Hy Lạp sang Ukraine.
Trong xung đột vũ trang với Nga hiện nay, Ukraine tiếp nhận thêm nhiều vũ khí khí tài từ phương Tây. Cụ thể, một hệ thống phòng không Patriot từng đặt tại Israel đã được tân trang và gửi sang Ukraine - 4 quan chức Mỹ (cả đương chức và đã nghỉ hưu) vừa cho hay trong những ngày gần đây. Ngoài ra, các đồng minh phương Tây của Ukraine cùng bàn câu chuyện hậu cần nhằm đưa thêm sang nước này một tổ hợp Patriot nữa của Đức hoặc của Hy Lạp.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: Army technology.
Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng không cung cấp chi tiết về sức mạnh và vị trí của các hệ thống vũ khí phòng thủ này, theo người phát ngôn James Hewitt của Hội đồng. Ông nói: “Tổng thống Trump rất rõ ràng về chuyện này: Ông ấy muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”.
Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden trước đây đã đạt được một thỏa thuận với Israel trước khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ tiếp tục cung cấp vũ khí khí tài cho Ukraine bằng những gói đã có từ thời chính quyền tiền nhiệm.
Cách đây một năm, các đồng minh của Ukraine đã rất vất vả khi cố gắng đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Zelensky muốn có 7 hệ thống Patriot. Hiện nay, Ukraine sở hữu 8 tổ hợp như vậy nhưng vấn đề là chỉ 6 trong số đó hoạt động được, 2 tổ hợp còn lại đang được sửa chữa, theo thông tin từ một quan chức Mỹ. Phương Tây đánh giá, nếu Ukraine có thêm 1 tổ hợp từ Israel và 1 tổ hợp nữa từ Đức hoặc Hy Lạp thì Ukraine sẽ sở hữu tổng cộng 10 tổ hợp Patriot - số lượng có thể bảo vệ được phần lớn thủ đô Kiev.
Tình hình bắt đầu có lợi cho Ukraine?
Sau cuộc gặp thảm họa tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025, hai ông Trump và Zelensky đã tái ngộ tại lễ tang Giáo hoàng Francis ở Rome gần đây. Trong cuộc gặp mới này, ông Trump tỏ ra thân thiện hơn với ông Zelensky. Thỏa thuận khoáng sản được ký kết giữa Washington và Kiev đã dọn đường cho Mỹ gửi thêm viện trợ quân sự sang Ukraine, bao gồm cả vũ khí phòng không.
Theo quy tắc xuất khẩu của Mỹ đối với những thiết bị quân sự nhạy cảm, Mỹ phải phê chuẩn việc chuyển giao cho Ukraine bất cứ hệ thống tên lửa Patriot nào do Mỹ sản xuất, kể cả khi được vận chuyển qua những nước khác.
Kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine, Tổng thống Zelensky đã liên tục yêu cầu phương Tây cung cấp thêm hệ thống Patriot, với lý do đây là những vũ khí thiết yếu cho phòng thủ. Một tổ hợp Patriot như thế bao gồm một hệ thống radar mạnh và các bệ phóng di động có thể phóng tên lửa đánh chặn máy bay và tên lửa của đối phương phóng tới.
Tình trạng thiếu thốn kéo dài
Mỹ lần đầu gửi cho Ukraine một hệ thống Patriot vào tháng 4/2023. Vào tháng 1/2024, Ukraine rơi vào trạng thái thiếu tên lửa Patriot.
Đại tá Yurii Ihnat - phát ngôn viên không quân Ukraine, tuyên bố không có gì là bí mật trong việc Ukraine cần thêm vũ khí phòng không.
Thời gian qua, Nga gia tăng tập kích các đô thị của Ukraine, sử dụng cả UAV và tên lửa đạn đạo. Nga thường phóng cả loạt UAV hoặc tên lửa khiến hệ thống Patriot của Ukraine bị áp đảo.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Ihor Klymenko, cũng lên tiếng than phiền tình trạng thiếu vũ khí phòng không để ứng phó với số lượng lớn UAV và tên lửa phóng từ Nga sang.
Sau cuộc gặp bên lề lễ tang Giáo hoàng, Tổng thống Mỹ Trump cho biết Tổng thống Ukraine Zelensky đã hỏi ông về việc cung cấp thêm tên lửa Patriot.
Mỗi hệ thống Patriot có giá ít nhất là 1 tỷ USD. Cần khoảng 90 quân nhân để vận hành một tổ hợp như vậy.
Dữ liệu do bộ phận theo dõi vũ khí của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tập hợp lại cho thấy khoảng 186 hệ thống Patriot đang vận hành trên toàn thế giới. Mỹ sở hữu khoảng 1/3 số tổ hợp này, đồng thời gửi nhiều hệ thống tới châu Âu, châu Á và Trung Đông để bảo vệ đồng minh của họ. Mỹ đã đưa một vài tổ hợp Patriot tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ứng phó với Trung Quốc và Triều Tiên.
Châu Âu hiện có khoảng 40 tổ hợp, bao gồm 8 tổ hợp bố trí ở Ukraine.