Phương Tây lo làn sóng địa chính trị thứ hai sau đại dịch

Các nước phương Tây không chỉ lo làn sóng dịch COVID-19 tiếp theo mà còn nặng cả nỗi lo làn sóng địa chính trị thứ hai về kinh tế, chính trị và quân sự.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ở London, Anh, ngày 13/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ở London, Anh, ngày 13/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The Atlantic, đây là một kịch bản khiến phương Tây sợ hãi: Khi châu Âu và Mỹ bắt đầu cảm thấy kiểm soát được virus SARS-CoV-2 thì loại virus này bắt đầu hoành hành ở thế giới đang phát triển. Kiệt sức, chịu cảnh nợ nần và nỗ lực trong khôi phục nền kinh tế của chính mình, các nước giàu không thể hỗ trợ các nước nghèo nhanh như trước. Từ đó làm nảy sinh tình trạng hoảng loạn. Người di cư ồ ạt kéo vào Nam Âu – nơi vẫn đang chật vật thoát khỏi suy thoái do COVID-19 gây ra. Nhiều nước xảy ra vỡ nợ quốc gia mà các khoản nợ chủ yếu do các thể chế tài chính phương Tây nắm giữ. Tình trạng hỗn loạn sẽ là cơ hội để thâu tóm đất đai. Mỹ không sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu, khiến Trung Quốc nhảy vào lấp chỗ trống.

Đây chỉ là một kịch bản tưởng tượng trong số nhiều kịch bản khiến các nước phương Tây lo lắng. Theo các chuyên gia an ninh, học giả và cố vấn chính phủ trả lời phỏng vấn tờ The Atlantic, hầu như ai cũng nghĩ sẽ có làn sóng thứ hai và mối lo ngại thực sự là làn sóng này sẽ ập vào đâu.

Lịch sử cho thấy những thay đổi lớn sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền. Sự kiện thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ năm 1929 đã tạo ra kỷ nguyên Chính sách Mới (New Deal). Chiến thắng của phe Đồng minh năm 1945 đã tạo điều kiện hình thành Chiến tranh Lạnh. Mỗi sự kiện đều có dư chấn chính trị và tạo ra xu hướng mà chúng ta chỉ có thể thấy rõ sau này.

Thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến khu vực đồng tiền chung Eurozone suýt sụp đổ, Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu còn Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Allentown, Pennsylvania, Mỹ ngày 14/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Allentown, Pennsylvania, Mỹ ngày 14/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày nay, kinh tế toàn cầu đã gặp khó khăn vì tình hình địa chính trị đột nhiên thay đổi khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, tình hình thương mại chậm chạp thấy rõ và chia rẽ cơ cấu giữa Bắc Âu và Nam Âu ngày một rộng.

Câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng COVID-19?

Theo ông Robert Kaplan, chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ, làn sóng địa chính trị thứ hai sẽ tác động tới châu Âu mạnh nhất. Khi đó, Nga, nước bị ảnh hưởng mạnh trong dịch COVID-19, sẽ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và khiến tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh mạnh hơn ở châu Âu.

Có thể sẽ xảy ra một loạt hậu quả trong làn sóng thứ hai. Khả năng COVID-19 sẽ hoành hành ở các nước đang phát triển thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G-20, ví dụ như Ấn Độ. Khi đó, virus sẽ nhanh chóng tìm đường về lại châu Âu và Mỹ. Một hậu quả thứ hai có thể là ảnh hưởng của tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo sau khi được sử dụng để hỗ trợ ngăn chặn virus lây lan. Hậu quả thứ ba có thể là cuộc suy thoái gây căng thẳng quan hệ giữa các nước nghèo ở Nam Âu và nước giàu ở Bắc Âu.

Tình hình bất ổn ở vòng cung từ Tây Phi, tới Trung Đông và châu Âu cũng là một hậu quả của đại dịch COVID-19. Các khu vực này đã xảy ra bất ổn và xung đột trong những năm gần đây, buộc người dân phải chạy trốn tới nơi khác.

Theo bà Karin von Hippel, Tổng giám đốc Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, sau đại dịch, một số nước có thể tìm cách bấu víu lấy Trung Quốc nhưng phần lớn quốc gia có thể tìm cách tách rời.

Với Anh, Đức, Pháp và các nền kinh tế lớn châu Âu phụ thuộc vào cái ô an ninh của Mỹ nhưng muốn duy trì quan hệ kinh tế mạnh với Trung Quốc, khó khăn của họ trong quản lý hậu quả từ việc chính quyền Mỹ phản đối Trung Quốc giờ sẽ chỉ tăng lên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại cuộc gặp ở Paris ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại cuộc gặp ở Paris ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là thế giới mà trong đó các nước sẽ phải nghĩ về tầm nhìn chiến lược. Một số thách thức có thể hoàn toàn mới nhưng nhiều thách thức có thể vẫn là những điều cũ nhưng nghiêm trọng hơn do dịch bệnh, ví dụ như quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dù vậy, với các chính phủ phương Tây, có một thực tế đơn giản với làn sóng địa chính trị thứ hai đó là tiền. Một số vấn cấp cao của Chính phủ Anh nói: “Bạn có nhiều vấn đề hơn nhưng lại có ít tiền hơn để giải quyết”.

Anh là một ví dụ. Sau hơn 10 năm cắt giảm chi tiêu công, quân đội Anh (từng có thể hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cách đây gần 20 năm) giờ đã trở thành một lực lượng không thể tự duy trì lâu hơn 6 tháng ngoài châu Âu. Năng lực quân đội Anh sẽ thế nào nếu bị cắt giảm chi tiêu lần nữa? Giới chức London sẽ phải tập trung hơn vào việc có thể cáng đáng nổi thay vì tập trung vào điều họ muốn làm.

Bên trong Chính phủ Anh, lo ngại về làn sóng địa chính trị thứ hai của COVID-19 là có thật. Họ đang tìm cách hiểu các mối đe dọa tiềm tàng và chuẩn bị đối phó. Chính phủ Anh cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng, chuỗi cũng sẽ bị đưa trở về tầm kiểm soát của chính phủ, các nhà nước độc lập sẽ được tăng cường, quan hệ Mỹ-Trung sẽ mâu thuẫn hơn.

Tóm lại, dù dịch bệnh có mang lại thay đổi mang tính cách mạng hay không thì thực tế vẫn là làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ không phải là mối lo duy nhất.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/phuong-tay-lo-lan-song-dia-chinh-tri-thu-hai-sau-dai-dich-20200519163722227.htm