Phương Tây lo ngại cho Ukraine và Đài Loan khi quan hệ Nga - Trung nồng ấm, khó lường
Mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Trung Quốc và Nga đang khiến Phương Tây lo ngại cho tương lai của Đài Loan và Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai yêu cầu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cấm cửa Ukraine gia nhập liên minh quân sự của họ. Đồng thời, Nga di chuyển quân đội, vũ khí tới khu vực biên giới với giải thích "đảm bảo an ninh" khu vực.
"Quả bóng đang ở trong chân của họ", ông Putin nói trong một cuộc họp báo tuần trước. “Họ cần phản hồi với chúng tôi bằng một điều gì đó”.
Trong khi các quan chức phương Tây phản ứng bằng sự phẫn nộ với động thái của ông Putin, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại hoan nghênh tinh thần dũng cảm của Tổng thống Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ông Putin vào tuần trước, ông Tập đã tố cáo Mỹ và NATO “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga”.
Mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Trung Quốc và Nga đang khiến dư luận quan tâm trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất và quốc gia diện tích lớn nhất đều đang căng thẳng với Washington.
Khi Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố rằng các quan chức chính phủ của họ sẽ không dự khán Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 tại Bắc Kinh vì các lý do liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông thì Tổng thống Putin đã lên tiếng bênh vực ông Tập, gọi đó là phản đối ngoại giao "vô nghĩa" và khẳng định ông sẽ tham dự khai mạc Thế vận hội.
Roland Freudenstein, phó chủ tịch kiêm người đứng đầu Globsec Brussels, một tổ chức phi chính phủ, nói với Yahoo News: “Cho dù người ta gọi đó là một cuộc hôn nhân thực dụng, tình bạn hay hợp tác chiến lược, thì mối quan hệ giữa hai ông Putin và Tập chắc chắn đang ngày càng khăng khít”. Freudenstein nói thêm, nếu Nga có động thái quân sự nào đó với Ukraine, thì sẽ thúc đẩy người Trung Quốc làm điều gì đó với Đài Loan và ngược lại.
Nigel Gould-Davies, chuyên gia cấp cao về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói phân tích: “Về nguyên tắc, một cuộc chiến tranh hai mặt sẽ là một thử thách nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc hay Nga đều quan sát phản ứng của phương Tây đối với bên kia trước. Vì vậy, nếu phương Tây bị coi là thiếu quyết tâm chống lại bên này thì bên kia có thể cảm thấy yên tâm để hành động. "
Heather A. Conley, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Châu Âu, Á-Âu và Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC cho rằng kịch bản đối đầu 2 phía sẽ làm mệt mỏi nước Mỹ. Bà Conley đặt vấn đề: “Đưa ra lựa chọn giữa việc phải đối phó với thách thức ở sườn phía đông của NATO trong khi vẫn đảm bảo an toàn Đài Loan sẽ là thách thức cho Mỹ”
Markus Ziener, đồng nghiệp của Helmut Schmidt tại Quỹ Marshall Đức, cho biết viễn cảnh đó “đang được tranh luận khá nhiều ở Washington. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối đầu 2 mặt có nguy cơ, 2 mặt leo thang căng thẳng, cùng một lúc? Mỹ có thể giải quyết điều đó không?”
Sau khi chuyển đến Washington cho một dự án nghiên cứu liên quan đến Nga, Trung Quốc và Mỹ, Ziener nhận thấy mối nguy về mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng khăng khít trong những tuần gần đây. Tổng thống Putin đã điều khoảng 100.000 quân và thiết bị quân sự gần biên giới Ukraine, trong khi Trung Quốc tiếp tục đưa máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan.
“Nga và Trung Quốc không có bạn bè đáng tin cậy, không có lựa chọn nào khác cho họ ngoài hợp tác cùng nhau”. Ziener phân tích. “Trước đây, Trung Quốc cần năng lượng từ Nga và Nga muốn bán năng lượng và vũ khí cho họ, vì vậy điều đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng bây giờ, dương như họ có nhiều mục tiêu bao quát hơn cho cả hai. Và một trong số đó chắc chắn là đẩy lùi Mỹ”.
Samir Puri, chuyên gia cấp cao về an ninh đô thị và chiến tranh hỗn hợp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói với Yahoo News rằng mối quan hệ thân hữu giữa Nga và Trung Quốc, hai quốc gia bị Mỹ nhắm tới bằng các lệnh trừng phạt, còn liên quan đến việc sắp xếp lại quyền lực toàn cầu.
“Cả hai đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ”, Puri nói. “Sự liên kết giữa Nga và Trung Quốc là một trong những yếu tố xác định địa chính trị đươn đại. Hai quốc gia thống trị Âu-Á. Họ chiếm hai trong số năm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ là hai trong số tám quốc gia đã tuyên bố có vũ khí hạt nhân. Và việc họ tiến lại gần nhau hơn đã thay đổi mọi thứ".
Velina Tchakarova, giám đốc Viện Chính sách An ninh và Châu Âu của Áo ở Vienna, gọi mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga là “Long Hùng”. Sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine, “Nga đã bị cô lập trên bình diện quốc tế và khu vực. Nga đang phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt, thực sự rất khắc nghiệt. Và vào năm 2014, đồng tiền của Nga đã chạm đáy”. Với nền kinh tế Nga đang đi xuống và chính phủ trên bờ vực vỡ nợ, Trung Quốc đã ra tay giải cứu.
“Nga đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quy mô hiện hữu. Sau đó, Trung Quốc bước vào, đưa ra các biện pháp khác nhau, hoán đổi tiền tệ, ngân hàng trung ương của họ đã can thiệp, tuyên bố rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để về cơ bản cứu đồng tiền Nga và việc vỡ nợ đã được ngăn chặn”, Tchakarova nói. “Đây chỉ là một ví dụ trong số nhiều ví dụ, khiến tôi hiểu ra rằng đây là một cái gì đó mang tính hệ thống hơn nhiều so với việc gộp đơn thuẩn các sự kiện đặc biệt”.
Giờ đây, hai nước đã liên kết với nhau về mọi thứ, từ năng lượng, thương mại đến khí tài công nghệ và quân sự. Tuy nhiên, bất chấp việc họ thường xuyên trao đổi “sợi dây tình bạn” và thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau một cách công khai, những rạn nứt giữa hai quốc gia vẫn chưa được hàn gắn. Freudenstein cho biết, không nhà lãnh đạo nào đặc biệt tin tưởng người kia, và hai quốc gia, có chung đường biên giới dài 2.600 dặm, đã trải qua một lịch sử đầy biến động, từ cuộc chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc vào những năm 1950 cho đến một cuộc đụng độ biên giới năm 1969.
Freudenstein phân tích: “Có những con số trần trụi thực sự chỉ ra rằng mối quan hệ đó thực sự không phải là nóng bỏng. Ví dụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài đang ở mức thấp kinh khủng ở cả hai hướng - từ Nga đến Trung Quốc, thực tế hiện nay chỉ vài trăm nghìn USD mỗi năm”
Cán cân thương mại cũng không phải là chuẩn chỉnh. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga, thì Nga không phải là đối tác chính của Trung Quốc mà Mỹ mới là đối tác chính. Tuy nhiên, có một số chuyển giao công nghệ và Huawei đang cài đặt mạng 5G của Nga.
Lo lắng lớn hơn đối với các nhà phân tích là mối đe dọa gây ra bởi khả năng hai nước phối hợp quân sự. Trung Quốc và Nga vẫn chưa cam kết “hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ chiến tranh”. Theo chuyên gia Puri: “Nếu họ đã ký một thỏa thuận phòng thủ chung - thì đó sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu. Và nếu họ phối hợp trong việc lập kế hoạch các cuộc tấn công quân sự riêng biệt đồng thời thì chúng ta sẽ giống như trong một bộ phim hơn là cuộc sống thực".
Cho đến tuần này, David Stulík, một nhà phân tích về Nga của Trung tâm Các Giá trị Châu Âu về Chính sách An ninh, một tổ chức tư vấn ở Praha (CH Czech), cho rằng Putin có thể đang chơi chiêu với Mỹ và NATO về vấn đề Ukraine. Nhưng khi thông tấn nhà nước của Nga trong tuần này bắt đầu đưa tin rằng Mỹ đã triển khai vũ khí hóa học ở Ukraine và chĩa mũi dùi vào Moscow, - điều mà Lầu Năm Góc thẳng thừng phủ nhận thì Stulík đã nghĩ đến điều thứ hai.
Stulík nói: “Chính quyền Putin đang đưa câu chuyện lên một tầm cao mới, làm tăng nhiệt độ trong phòng và miêu tả Nga là nạn nhân của hành vi hung hăng của NATO và Mỹ. “Đây là một bước có chủ ý. Nhưng rồi tôi tự hỏi mình: ‘Tại sao? Mục tiêu cuối cùng của điện Kremlin là gì? "Và điều đó tôi không thể trả lời."
Tin tốt, ít nhất là theo Tchakarova, là ngay cả khi Nga tiến hành quân sự hóa Ukraine, Trung Quốc cũng không có khả năng phiêu lưu với Đài Loan - ít nhất là trong vài tháng tới. Đơn giản là Thế vận hội ở Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào 4.2.2022