Phương Tây muốn Ukraine chấp nhận thực tế và xây dựng kế hoạch B
Các quan chức Mỹ và phương Tây muốn Ukraine nêu các mục tiêu thực tế hơn về cuộc xung đột với Nga và đưa ra kế hoạch B.
Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Ukraine xây dựng một kế hoạch đáng tin cậy về những gì họ có thể đạt được trong năm tiếp theo của cuộc xung đột với Nga.
Washington và Brusells vẫn ủng hộ mục tiêu dài hạn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là đẩy lực lượng Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Nhưng với sự ủng hộ của công chúng đang giảm sút tại một số nước hỗ trợ Ukraine và Nga đang đạt được các bước tiến trên thực địa, một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Ukraine cần phải thực tế hơn trong các mục tiêu thời chiến. Điều đó có thể giúp giới chức phương Tây vận động cử tri ủng hộ viện trợ và cung cấp vũ khí cho Kiev.
Mỹ và châu Âu muốn Ukraine thực tế hơn
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy hôm nay tới Kiev để gặp các quan chức Ukraine. Mục đích chuyến đi này là thảo luận về kế hoạch chấm dứt xung đột của Ukraine và Kiev cần viện trợ những gì để đạt được điều đó.
Một số quan chức cấp cao khác của Mỹ và châu Âu đã tới Kiev trong 2 tuần qua. Nhưng các cuộc thảo luận cho thấy có sự căng thẳng thường xuyên giữa Ukraine và phương Tây: dung hòa mong muốn đẩy lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine với thực tế quân sự trên thực địa.
Các quan chức cấp cao của phương Tây nói với Kiev rằng, một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine sẽ đòi hỏi họ phải cung cấp hàng trăm tỷ USD viện trợ - điều mà cả Washington và châu Âu đều không thể thực hiện được.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 10/9 cho biết, chuyến thăm của ông tới Kiev một phần là để tìm hiểu “chính xác nhu cầu của người Ukraine vào thời điểm này, họ hướng tới mục tiêu nào và chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ những nhu cầu đó”.
Tại Washington, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, các chuyến thăm Kiev không phải là để ép Ukraine đàm phán.
“Chắc chắn một kết cục được đàm phán là kết quả có khả năng xảy ra nhất ở đây, nhưng khi điều đó xảy ra, và trong những điều kiện và hoàn cảnh nào, sẽ tùy thuộc vào Tổng thống Zelensky”, ông Kirby nói.
Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Ukraine vẫn kiên quyết yêu cầu lực lượng Nga phải rời khỏi Ukraine trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trong khi đó, Điện Kremlin nêu điều kiện Ukraine phải chấp nhận thực tế về lãnh thổ, đồng thời từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Các nỗ lực ngoại giao của phương Tây diễn ra trước khi Tổng thống Zelensky tới Mỹ để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng này. Nhà lãnh đạo Ukraine cam kết sẽ đưa ra cái mà ông gọi là kế hoạch chiến thắng. Ông cũng muốn gặp cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris để giành được sự ủng hộ của họ. Hiện chưa rõ các cuộc gặp này có diễn ra hay không.
“Tôi hy vọng sẽ có cơ hội trình bày kế hoạch này với Tổng thống Joe Biden và các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Mỹ là bà Kamala Harris và ông Donald Trump và nhận được phản hồi”, ông Zelensky phát biểu trong chuyến thăm Italia gần đây.
Mức độ ủng hộ của phương Tây đang giảm đi
Kế hoạch hòa bình mới của Tổng thống Zelensky là dấu hiệu cho thấy ông đang điều chỉnh lập trường công khai của mình, mặc dù cho đến nay vẫn tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ của Ukraine trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào bắt đầu.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Ukraine ủng hộ đàm phán hòa bình ngày càng tăng. Hồi mùa hè, Ukraine đã cân nhắc các cuộc đàm phán với Nga về việc hạn chế tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Oleksiy Kovzhun, một nhà phân tích chính trị, cho biết rằng việc kết thúc xung đột khi Nga vẫn nắm giữ các vùng lãnh thổ của Ukraine sẽ là một rủi ro chính trị không thể chấp nhận được đối với ông Zelensky.
“Đó là hành động tự sát về mặt chính trị và không thể xảy ra”, ông Kovzhun nhận định.
Dù vậy, Ukraine cũng cần phải chấp nhận thực tế rằng sự ủng hộ của phương Tây khó có thể tiếp tục ở mức hiện tại trong nhiều năm tới.
Một số đồng minh thân cận nhất của Ukraine, chẳng hạn như Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, từng cảnh báo rằng quyết tâm của phương Tây trong việc giúp Ukraine giành lại lãnh thổ mà Nga kiểm soát đã giảm sút.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Kiev diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Ukraine, khi sự ủng hộ đối với các gói viện trợ đang giảm dần và mùa đông ở Ukraine sắp đến. Chuyến thăm cũng diễn ra khi lực lượng Nga tiếp tục đạt được những bước tiến trên khắp mặt trận.
Eric Green, một học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết, kể từ đầu năm tới nay, Nga liên tiếp tập kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và điều này làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc di cư hàng loạt của người Ukraine chạy khỏi những ngôi nhà không có hệ thống sưởi ấm trong những tháng tới.
Mặc dù chiến dịch đột kích tỉnh Kursk đã gây bất ngờ, nhưng phương Tây ngày càng lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine trong thời gian dài. Một số quan chức cho rằng Kiev “sẽ phải hối hận sau 6-8 tuần nữa”.
Andrew Weiss, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết “các nước phương Tây chắc chắn lo ngại về khả năng chống chọi của Ukraine trước cuộc tấn công quy mô lớn diện của Nga”.
Mặt khác, theo ông Weiss, khả năng của phương Tây trong việc thúc đẩy Ukraine nhượng bộ những điều mà Kiev không thể chấp nhận cũng chỉ có giới có hạn.