Các quốc gia thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần hơn nữa tới mục tiêu phong tỏa biển Baltic để chặn hạm đội "bóng tối" chở theo dầu thô của Nga ra các thị trường.
Động thái này diễn ra ngay sau đề xuất từ Moskva về việc lập vùng cấm bay trên bầu trời Biển Đen nhằm chặn hoạt động của máy bay trinh sát NATO, vì vậy đây có thể xem như hành động trả đũa.
Vấn đề quan trọng nữa là ý tưởng đóng cửa bầu trời Biển Đen của Nga mới chỉ là đề xuất và khó có khả năng trở thành hiện thực do vướng phải quá nhiều rào cản thì ở chiều ngược lại, tham vọng của phương Tây có khả năng cao sẽ sớm được triển khai.
Cụ thể theo ấn phẩm The Guardian, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen thông báo London và Helsinki đang tích cực thảo luận về kế hoạch tăng áp lực trừng phạt nhằm ngăn chặn hoạt động của hạm đội "bóng tối" Nga hoạt động ở Biển Baltic và eo biển Anh.
Cuộc thảo luận này đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm thuộc khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Anh của Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan.
Theo số liệu thống kê mới nhất, vùng biển xung quanh Phần Lan đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi hậu cần xuất khẩu dầu khí của Nga khi ước tính mỗi tháng có tới 100 tàu chở dầu đi lại trên biển Baltic, mang theo 90 triệu tấn dầu các loại.
Tuyến đường nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xuất khẩu năng lượng của Nga, đặc biệt là khi mặt hàng này đang phải nằm dưới áp lực trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen trong cuộc họp báo đã cho biết, Liên minh châu Âu đang xem xét khả năng đưa ra gói trừng phạt mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu dầu thô của Nga.
Nhưng để bước đi trên phát huy hiệu quả tối đa thì cần có sự phối hợp với G7, bao gồm các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan tới London ngày 20/5, hai bên đã ký tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược.
Văn bản đặc biệt chú ý đến vấn đề gây áp lực lên Trung Quốc và một vài nước khác để họ không cung cấp hỗ trợ vật chất hoặc một hình thức khác đối với Nga. Việc ký kết văn kiện trên thể hiện quyết tâm của London và Helsinki trong việc tăng cường phong tỏa kinh tế Moskva.
Vấn đề nữa cần nhấn mạnh chính là việc Phần Lan đã có tư cách thành viên chính thức của NATO vào năm 2023, điều này làm thay đổi đáng kể tình hình địa chính trị trong khu vực.
Hợp tác với Anh và những quốc gia NATO khác sẽ cho phép Phần Lan tham gia tích cực hơn vào việc phát triển và thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga, thay vì chính sách trung lập trước kia.
Tuy nhiên câu hỏi vẫn là Phần Lan và Anh dự định ngăn chặn hoạt động của Hạm đội bóng tối Nga như thế nào, khi Luật hàng hải quốc tế và cấu trúc phức tạp của vận tải biển toàn cầu đặt ra trở ngại đáng kể cho bản kế hoạch như vậy.
Kế hoạch của London và Helsinki còn bao gồm việc gây sức ép để các nước thứ ba tham gia hưởng ứng lệnh trừng phạt, hoặc ít nhất là tránh hợp tác với Nga.
Nhưng rõ ràng tham vọng nói trên đang bị thách thức nghiêm trọng, bởi Trung Quốc, Ấn Độ và một vài quốc gia khác nhất là thuộc tổ chức BRICS vẫn tiếp tục hợp tác với Moskva khi nhận thấy lợi ích kinh tế và chính trị của họ được đảm bảo.