Phương Tây sẽ phản ứng thế nào khi Nga – Trung xích lại gần nhau?

Giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine cũng như mối quan hệ giữa các nước lớn có nhiều biến động, liệu phương Tây sẽ phản ứng như thế nào khi Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau.

Động lực Nga – Trung xích lại gần nhau

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Uzbekistan ngày 15/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với Nga, thể hiện trách nhiệm của các cường quốc và đóng vai trò dẫn đầu để mang đến sự ổn định cũng như năng lượng tích cực cho một thế giới đang chao đảo".

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối chỉ trích hay gây sức ép lên Moscow để đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Bắc Kinh cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho các nước đang phát triển. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây để lại sau khi rút khỏi Nga, trong khi nước này cũng mua một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Moscow. Bất chấp việc Nga bị phương Tây cô lập, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng hơn 30% trong 8 tháng đầu năm nay.

Nga và Trung Quốc đều có những lợi ích chung. Hai bên có chung mong muốn làm suy yếu ảnh hướng của Mỹ và đồng minh trên thế giới. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/9, Tổng thống Putin đã chỉ trích những nỗ lực nhằm xây dựng một thế giới đơn cực là "xấu xí" hay "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Với Trung Quốc, Nga là một đối tác đáng tin cậy trong việc cung cấp năng lượng, hàng hóa và vũ khí hiện đại. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang hưởng lợi từ cuộc chiến ở Ukraine, ít nhất là bởi cuộc xung đột này khiến Mỹ phần nào dịch chuyển sự chú ý cũng như các nguồn lực khỏi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực để không khiến các rủi ro đi quá xa. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đã giảm so với Nga. Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ hợp tác với Tổng thống Putin "trên những lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp và kết nối" thì Mỹ cho rằng Bắc Kinh chưa có nỗ lực mang tính hệ thống vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây hay các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Nga.

Phương Tây phản ứng thế nào khi Nga - Trung xích lại gần nhau?

Một số nhà quan sát cho rằng phương Tây sẽ đảm bảo Trung Quốc hiểu rõ cái giá của việc xích lại quá gần Nga. Ở cấp độ tối thiểu, Mỹ sẽ tìm cách đóng băng của sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga ở cấp độ hiện tại. Những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc không nên thách thức các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như vẫn có hiệu quả.

Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới, Tổng thống Biden sẽ nhắc lại các lằn ranh đỏ và nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào Nga có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thúc đẩy thông điệp này khi nhắc nhở Chủ tịch Tập Cận Bình về những gì Trung Quốc sẽ mất nếu ủng hộ Nga.

Mỹ cũng sẽ thúc đẩy quan hệ với các đối tác khu vực đang cảnh giác trước sự thân thiết giữa Nga và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh thân cận nhất trong khu vực là Nhật Bản và theo đuổi mối quan hệ sâu sắc hơn với Ấn Độ, vốn xem Nga là một nguồn cung dầu khí và vũ khí quan trọng nhưng không thoải mái trước sự gắn bó ngày càng lớn giữa Moscow và Bắc Kinh - đối thủ địa chính trị lớn của New Delhi.

Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng những động thái trên của phương Tây không thể làm gián đoạn quan hệ Nga - Trung mà chỉ nỗ lực hạn chế mối quan hệ này./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-se-phan-ung-the-nao-khi-nga-trung-xich-lai-gan-nhau-post956156.vov