Phương Tây tích cực lo tái thiết Ukraine
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm nay (25/10) bất ngờ thăm Ukraine; trong bối cảnh tại quê nhà Berlin, Đức cũng đang diễn ra hội nghị xây dựng kế hoạch tái thiết Ukraine hậu xung đột, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao châu Âu.
Đây là chuyến đi đầu tiên, gây bất ngờ của Tổng thống Đức kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Ngay khi đặt chân xuống Ukraine, Tổng thống Đức đã phát đi những thông điệp ủng hộ mạnh mẽ:
“Thông điệp của tôi tới người Ukraine là chúng tôi không chỉ đứng về phía các bạn mà còn sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn về kinh tế, chính trị và quân sự. Còn thông điệp của tôi gửi tới những người Đức ở quê nhà: Chúng ta đừng quên cuộc chiến này có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Ukraine ở đây. Họ cần chúng ta. Điều quan trọng bây giờ là chúng tôi giúp bảo vệ người Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng đường không càng nhiều càng tốt".
Dự kiến, Tổng thống Đức sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Volodymyr Zelensky. Dự kiến, trong thời gian ở Ukraine, Tổng thống Đức sẽ thông báo cung cấp hỗ trợ hạ tầng năng lượng cho một số khu vực. Theo ông Steinmeier, Đức đang tập trung vào việc củng cố khả năng phòng không của Ukraine cũng như giúp sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, chẳng hạn như lưới điện, đường ống nước và hệ thống sưởi, càng nhanh càng tốt trước khi mùa đông đến.
Cũng trong ngày hôm nay, tại Berlin, Đức, các nhà lãnh đạo EU tổ chức một hội nghị nhằm xây dựng một chiến lược tái thiết Ukraine sau khi kết thúc xung đột, bởi khối này cho rằng đây là nhiệm vụ mang tính thế hệ phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Tại hội nghị, một số nhà lãnh đạo EU đã đưa ra tầm nhìn về một Ukraine trong tương lai sẽ là một thành viên EU. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi một “Kế hoạch Marshall mới” cho thế kỷ 21, so sánh với việc Mỹ hỗ trợ công cuộc tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Phát biểu tại Berlin bên lề Diễn đàn Kinh tế Đức - Ukraine, Thủ tướng Đức cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần ở Ukraine nên được phát triển để đất nước này có thể dễ dàng kết nối với EU. Khi tái thiết Ukraine, EU sẽ làm với mục tiêu coi Ukraine là sẽ một thành viên của khối. Bất cứ ai đầu tư vào việc tái thiết Ukraine ngày nay sẽ là đầu tư vào một quốc gia thành viên EU trong tương lai.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Scholz cũng kêu gọi Chính phủ Ukraine cải thiện hơn nữa các điều kiện đầu tư, pháp luật cần minh bạch hơn và cuộc chiến chống tham nhũng cần quyết liệt hơn. Theo ước tính của riêng Ukraine, công cuộc tái thiết nước này sau xung đột dự kiến sẽ tốn ít nhất 750 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Thế giới ước tính con số này vào khoảng 350 tỷ USD./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phuong-tay-tich-cuc-lo-tai-thiet-ukraine-post979636.vov