Phương Tây tiếp tục cáo buộc Trung Quốc 'nuôi' tin tặc tấn công mạng toàn cầu
Mỹ và các đồng minh hôm 19/7 đã cáo buộc Trung Quốc đứng sau một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu, nhắm vào các bí mật thương mại trong nhiều lĩnh vực.
Reuters đưa tin, Mỹ, NATO, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia, New Zealand, Canada và Nhật Bản đã cùng lên án chiến dịch gián điệp mạng, mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken gọi là "mối đe dọa lớn đối với kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta".
Mỹ cũng chính thức quy trách nhiệm một số vụ việc cụ thể cho Bắc Kinh, chẳng hạn như vụ tấn công các máy chủ chạy Microsoft Exchange hồi đầu năm nay được cho là do "các tin tặc liên kết với Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc".
Các quan chức Mỹ cho biết, phạm vi và quy mô của các vụ hack do Trung Quốc gây ra đã khiến họ bất ngờ, bao gồm cả việc Trung Quốc sử dụng tội phạm tin tặc theo hợp đồng.
"Bộ An ninh Nhà nước của CHND Trung Hoa (MSS) đã nuôi dưỡng một hệ sinh thái gồm các tội phạm tin tặc theo hợp đồng, để thực hiện cả những hoạt động do nhà nước tài trợ và tội phạm mạng vì lợi ích tài chính của riêng họ", Ngoại trưởng Blinken nói.
Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã vạch ra hơn 50 thủ thuật mà "các bên do nhà nước Trung Quốc bảo trợ" sử dụng để chống lại các mạng của Mỹ.
Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 4 công dân Trung Quốc, bao gồm 3 quan chức an ninh và 1 tin tặc hợp đồng, đã nhắm mục tiêu vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ và các nước khác.
Theo cáo trạng, các bị cáo và quan chức thuộc Sở An ninh Hải Nam, một văn phòng an ninh cấp khu vực, đã cố gắng che giấu vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong vụ đánh cắp thông tin bằng cách sử dụng một công ty bình phong.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các lĩnh vực bị nhắm đến trải rộng từ hàng không, quốc phòng, giáo dục, đến chăm sóc sức khỏe, dược phẩm sinh học và hàng hải. Nạn nhân bao gồm cả ở Áo, Campuchia, Canada, Đức, Indonesia, Malaysia, Na Uy, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ.
"Các cáo buộc hình sự này một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc tiếp tục sử dụng nhiều cuộc tấn công mạng để đánh cắp những gì các nước khác thực hiện, coi thường các cam kết song phương và đa phương", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco cho biết trong tuyên bố.
Tuy nhiên, trong khi Washington và các đồng minh thân cận hơn cả như Anh và Canada quy trách nhiệm trực tiếp cho nhà nước Trung Quốc về vụ tấn công, những quốc gia khác tỏ ra thận trọng hơn.
NATO chỉ nói rằng các thành viên của họ "thừa nhận" các cáo buộc đối với Bắc Kinh của Mỹ, Anh và Canada. EU thì cho biết họ đang thúc giục các quan chức Trung Quốc kiềm chế "các hoạt động mạng độc hại được thực hiện từ lãnh thổ của mình" - một tuyên bố để ngỏ khả năng Chính phủ Trung Quốc vô tội trong việc chỉ đạo gián điệp.
Tại một sự kiện về kế hoạch cơ sở hạ tầng của Chính phủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo giới: "Tôi biết Chính phủ Trung Quốc không tự mình làm việc này giống như Chính phủ Nga, mà là đang dung túng cho những người thực hiện và thậm chí có thể tiếp tay cho họ".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki sau đó đã nhận được câu hỏi tại cuộc họp giao ban hàng ngày rằng tại sao Tổng thống Biden không đổ lỗi trực tiếp cho Bắc Kinh. Bà Psaki nói: "Đó không phải là mục tiêu của ông ấy. Tổng thống cực kỳ nghiêm túc đối với hoạt động mạng độc hại". Cũng theo bà Psaki, Nhà Trắng không phân biệt giữa Nga và Trung Quốc khi nói đến các cuộc tấn công mạng.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận gì. Các quan chức Trung Quốc trước đây từng nói rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của hacker và phản đối mọi hình thức tấn công mạng.