Mỹ và các đồng minh phương Tây đã trở thành nạn nhân từ chính sách trừng phạt chống Nga của chính họ, khi chuẩn bị một cái bẫy kinh tế cho Nga và Tổng thống Vladimir Putin, nhưng chính bản thân lại mắc bẫy. Ý kiến trên được đưa ra bởi tờ American Conservative.
Sau khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Quân đội Nga ở Ukraine, Mỹ và EU đã phát động một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện chống lại Nga. Tuy nhiên kết quả của cuộc chiến ngắn ngủi này là sự thất bại của phương Tây.
Giờ đây, những hành động trả đũa của Nga có thể khiến nền kinh tế châu Âu bị tê liệt. Tác giả Rod Dreher của bài phân tích trên tờ American Conservative. viết: “Chỉ có những kẻ ngốc mới ngạc nhiên trước kết quả này".
Nhà quan sát nhớ lại chuyên gia kinh tế nổi tiếng Gavin Ashenden trước đó đã viết rằng NATO cùng với EU đã rơi vào cái bẫy của chính họ, liên quan đến hoạt động bành trướng của quá trình toàn cầu hóa.
Giờ đây, công dân các nước châu Âu không hiểu tại sao họ phải ngồi trong bóng tối và chết cóng bởi vì phải chia sẻ cuộc khủng hoảng Uktaine. Không sớm thì muộn, cử tri sẽ bắt đầu bất bình với các chính sách của chính phủ họ.
Không chỉ có vậy, theo dòng thời gian, những cáo buộc thường xuyên của các nhà lãnh đạo châu Âu về mối nguy cơ lớn từ Nga sẽ không còn tác dụng trước khủng hoảng kinh tế, nhà phân tích của tờ American Conservative dự đoán.
Với những bước đi của mình, chính các chính trị gia châu Âu đã kích động sự gia tăng của cảm xúc phẫn nộ từ công chúng: "Hoặc họ tuyên bố rằng những lời hứa với Ukraine là trên lợi ích của cử tri Đức, hoặc họ kêu gọi sử dụng giẻ ướt thay vì tắm".
"Thông qua cách tiếp cận như vậy đối với dân tộc của mình, rõ ràng các nhà lãnh đạo chỉ có nguy cơ gây ra sự thù hận và bất bình lớn giữa đồng bào của chính họ", nhà báo người Mỹ nhấn mạnh.
Trên thực tế, tất cả các quốc gia trên lục địa Châu Âu đã bắt đầu áp dụng những biện pháp hạn chế đối với việc tiêu thụ các nguồn năng lượng, bất chấp chúng là nhiên liệu hóa thạch hay tái tạo.
Tại các thành phố lịch sử của châu Âu, họ ngừng công việc chiếu sáng các tòa nhà hay di tích kiến trúc vào ban đêm. Trong nhiều văn phòng làm việc, nhiệt độ tối thiểu đã được hạ thấp trong mùa lạnh.
Nhưng theo dự báo, ngành công nghiệp châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu không có khí đốt của Nga, các doanh nghiệp tại Cựu lục địa sẽ không thể hoạt động một cách bình thường.
Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế châu Âu. Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây chỉ có thể tự trách mình về hậu quả của một chính sách chống Nga như vậy, nhà báo Rod Dreher nhấn mạnh và đưa ra kết luận:
"Bản thân các nước EU đã chọn con đường là vệ tinh của Mỹ, từ bỏ mục tiêu bảo vệ lợi ích của chính công dân và các công ty của họ. Bây giờ họ sẽ phải trả giá bằng nền kinh tế của mình vì thiếu ý chí và sự độc lập về chính trị".
Hiện tại, Nga vẫn đang dừng việc bơm khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 và chưa rõ bao giờ mới khôi phục, đây được xem như đòn cảnh báo mạnh của Moskva trước khi mùa Đông ập về.
Việt Dũng