Phương thức Công ty Xuyên Việt Oil rút quỹ bình ổn giá xăng dầu
Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận không trích lập đầy đủ Quỹ bình ổn giá và nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định mà dùng đầu tư vào các dự án bất động sản và mở rộng hoạt động.
Chiều 20/11, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải, du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan bước vào phần xét hỏi.
Bất thường trong bổ nhiệm tại Xuyên Việt Oil
Trả lời cho Hội đồng xét xử, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh không thể nhớ các công ty, chi nhánh được thành lập từ thời điểm nào và xin được xem hồ sơ.
Theo bị cáo Hạnh, Công ty Xuyên Việt Oil được thành lập vào năm 2016 với hoạt động kinh doanh chính là du lịch và bán lẻ xăng dầu. Sau đó, công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác như bất động sản, phát triển cảng.
Trả lời chủ tọa phiên tòa về việc bổ nhiệm các chức danh quản lý trong công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh bổ nhiệm các vị trí như Phó giám đốc, Trưởng phòng kinh doanh mà không dựa trên năng lực, lý lịch, trình độ chuyên môn.
Do đó, dù công ty có bổ nhiệm 3 người là Phó giám đốc để giúp việc, tuy nhiên bị cáo Hạnh cho biết bản thân là người toàn quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp.
“Đa số những Phó giám đốc là người nhà, gia đình, họ hàng của bị cáo ở quê vào ít học nên họ không hiểu gì về hoạt động của công ty” - bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh khai.
Ngoài ra bị cáo Hạnh cho biết, bị cáo Đinh Tiến Dũng (cựu Kế toán trưởng Xuyên Việt Oil) được bổ nhiệm cũng do có mối quan hệ. Dù là kế toán trưởng nhưng bị cáo Dũng cũng không thường xuyên làm việc tại công ty, chỉ thỉnh thoảng đến nhận số liệu, xem xét tổng quan về tình hình tài chính.
Không mở tài khoản định danh
Khi được hỏi hiểu thế nào về Quỹ bình ổn giá, cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil lúng túng một hồi, rồi trả lời rằng đây là quỹ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, thu hộ từ người dân mua lẻ xăng dầu, trung bình khoảng 300 đồng/lít và phải nộp lại cho Bộ Tài chính.
Cụ thể về việc trích lập quỹ và báo cáo, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh cho rằng đây là nghiệp vụ của kế toán, bản thân không nắm chi tiết, nhưng cơ bản là thực hiện theo mẫu của Bộ Tài chính và thường nộp tiền vào rồi rút ra.
Về nguyên tắc, thủ tục mở tài khoản trích lập Quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường, cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil thừa nhận đã không mở tài khoản định danh theo quy định mà chỉ mở tài khoản thông thường, khiến ngân hàng không thể giám sát, quản lý chặt chẽ dòng tiền ra vào.
Bị cáo Hạnh thừa nhận đã sử dụng tiền của công ty, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường, để đầu tư vào các dự án bất động sản và mở rộng hoạt động, gây thất thoát Quỹ bình ổn giá hơn 219 tỷ đồng. Tuy nhiên bị cáo Hạnh khẳng định không gian dối, che giấu việc Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp đã bị sử dụng, thất thoát.
Cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil cho rằng, quá trình báo cáo Bộ Tài chính đều có trình sao kê tài khoản trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá nên Bộ Tài chính thừa biết Xuyên Việt Oil thiếu tiền quỹ bình ổn và được Bộ này nhiều lần mời làm việc và hối thúc đóng nộp lại tiền.
Tuy nhiên, theo bị cáo Hạnh giai đoạn đó, Công ty Xuyên Việt Oil bị Cục thuế cấm nhập khẩu nên mọi hoạt động của công ty phải tạm dừng và rơi vào cảnh phá sản, mất khả năng thanh toán.
Theo cáo trạng, Công ty Xuyên Việt Oil được bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV mua lại vào năm 2015 với ngành nghề kinh doanh chính buôn bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan. Từ vốn điều lệ năm 2015 là 50 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2021 (đăng ký thay đổi lần thứ 16) tăng lên là 3.000 tỷ đồng.
Sau khi được cấp Giấy phép làm Thương nhân đầu mối xăng dầu, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ Bình ổn giá và quản lý, sử dụng tiền quỹ này tại Công ty Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã vi phạm các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá hơn 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường hơn 1.244 tỷ đồng.
Cựu giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc dùng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu mua bất động sản, chi tiêu cá nhân, chi hối lộ số tiền khủng cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.