Phương thức xét tuyển ĐH: Càng gọn càng hiệu quả

Kỳ tuyển sinh ĐH 2025, nhiều trường ĐH chỉ sử dụng những phương thức xét tuyển phổ biến, đơn giản nhưng đã từng đem lại hiệu quả trong thực tế

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2025, ĐHQG TP HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, ĐHQG TP HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Rút gọn đang là xu thế

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là trường ĐH đầu tiên trong số các trường thành viên ĐHQG TP HCM công bố thông tin tuyển sinh năm 2025. Theo thông tin được công bố, năm nay trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển như chủ trương của ĐHQG TP HCM. So với năm ngoái, số lượng phương thức xét tuyển năm nay của trường giảm một nửa.

ThS Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết năm nay trường chỉ sử dụng 3 phương thức xét tuyển - đây là những phương thức phổ biến và hiệu quả, phù hợp với định hướng của ĐHQG TP HCM.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP HCM

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP HCM

Nhiều trường ĐH khác cũng đã công bố thông tin tuyển sinh 2025 với nhiều điều chỉnh về phương thức xét tuyển. Nếu như năm 2024, Trường ĐH Nha Trang dùng 4 phương thức xét tuyển thì năm nay trường chỉ sử dụng phương thức xét tuyển kết quả đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội... tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết năm nay trường sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để sơ tuyển nhằm sàng lọc những thí sinh có môn học ở bậc THPT phù hợp với ngành nghề đào tạo và đưa ra mức điểm sơ tuyển cho từng ngành nghề.

Trường ĐH Luật TP HCM mới đây cũng công bố 3 phương thức xét tuyển năm 2025. Theo đó, trường xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo đề án riêng của trường (xét chứng chỉ IELTS đạt điểm từ 6,5 trở lên, kết quả kỳ thi SAT, V-SAT). Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả từ thực tế

Từ cuối năm 2022, Bộ GD-ĐT đã lưu ý các trường ĐH xem xét giảm số lượng phương thức xét tuyển theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giản. Thông tin cho biết năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, trong đó nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.

Thống kê tuyển sinh năm 2022 cho thấy có đến 12 phương thức chỉ tuyển được dưới 1% chỉ tiêu tuyển sinh, có phương thức không tuyển được thí sinh nào. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT được các trường sử dụng và xét tuyển nhiều nhất, tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này chiếm 47,98%, kế đến là học bạ với 37,18%.

TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết các năm trước trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng hiệu quả tuyển sinh tốt nhất vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, sau đó là xét học bạ. Phương thức xét điểm SAT dù có thí sinh đăng ký và trúng tuyển nhưng không có thí sinh vào học vì chủ yếu nhóm đối tượng này các em đi du học. Phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực cũng không hiệu quả khi mỗi năm trường chỉ tuyển được 5% chỉ tiêu trong khi trường dành tới 10% cho phương thức này. Ngoài ra, sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét điểm đánh giá năng lực sức học cũng không bằng sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ. "Có lẽ phương thức này không phù hợp, nếu năm nay tuyển sinh không tốt thì năm 2026 trường sẽ dừng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực" - TS Hải nói.

ĐHQG TP HCM tuyển 38% từ kỳ thi đánh giá năng lực

Còn tại ĐHQG TP HCM, năm 2024, số lượng thí sinh xác nhận nhập học thực tế của toàn hệ thống là 23.184, đạt tỉ lệ 95,79% so với tổng chỉ tiêu. Trong số các phương thức được các trường ĐH thành viên sử dụng trong năm 2024 thì phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐHQG TP HCM (1,58%); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP HCM (8,95%); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức (38,11%); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (42,71%); phương thức xét tuyển khác tại đơn vị (4,45%).

Bài và ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phuong-thuc-xet-tuyen-dh-cang-gon-cang-hieu-qua-196250114202637531.htm