Phút trải lòng giữa 'vòng vây F0'
Dù đang căng sức ngày đêm nhưng những chiến binh giữa vòng vây F0 hầu như không nghĩ đến bản thân, mà dồn tâm trí chăm sóc cho người bệnh
"A lô, bác sĩ Minh xin nghe. Được, nhưng phải tranh thủ tối đa nhé" - Đó là đoạn trả lời ngắn gọn của bác sĩ Kiều Ngọc Minh, sau nhiều lần chúng tôi cố gắng liên hệ để được trò chuyện cùng ông. Bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2 đặt tại KTX Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức.
Vị giám đốc "không ngủ"
Để gặp được bác sĩ Minh tại nơi làm việc, chúng tôi phải đáp ứng nghiêm ngặt những điều kiện mà bệnh viện dã chiến đưa ra. Vừa gặp, bác sĩ Minh nói: Mình phải tranh thủ trò chuyện thật nhanh nhé! Nói xong, bác sĩ Minh vào thẳng câu chuyện.
Ông kể ngày 8-6, ông được bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, gọi lên giao nhiệm vụ quản lý Trung tâm Cách ly F1 (KTX Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM). Khoảng 45 ngày sau, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nơi cách ly F1 này chuyển thành Trung tâm cách ly F0. Đến giữa tháng 8, một lần nữa Trung tâm cách ly F0 chuyển thành khu điều trị hồi sức Covid-19 với quy mô 40 giường. Để rồi đến ngày 26-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức trao quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức 2 với quy mô 800 giường, trong đó có 60 giường hồi sức cấp cứu và phân công ông làm giám đốc. "Nhìn lại quãng thời gian gần 3 tháng, với không ít những ngày thức trắng, bản thân tôi thấy không có gì là chúng ta không làm được khi nghĩ và thương bà con ta chẳng may mắc Covid-19" - bác sĩ Minh đúc kết.
Ông nói ngay từ những ngày đầu, ông và tập thể cán bộ, nhân viên y tế đã xác định sẽ chiến đấu đẩy lùi Covid-19 đến hơi thở cuối cùng, phải tiến lên, không được gục ngã. Dù quân số chuyên môn hạn chế, công việc áp lực nhưng mỗi ngày vẫn thăm khám đều đặn và kịp thời cho 40 bệnh nhân thở máy, 30 bệnh nhân thở mask, 300 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
"Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bản thân tôi rất cảm ơn các cộng sự của mình. Đó là bác sĩ Trần Công Khải đang dương tính với SARS-CoV-2 vẫn lao vào công việc. Đó là điều dưỡng Hoàng Thị Hạnh mắc Covid-19 nhưng khi vừa khỏi lại tiếp tục đồng hành với đồng nghiệp cứu người. Đó là cô cử nhân nhỏ nhắn Trần Thị Hồng Thắm làm việc gần như 24/7… Còn rất nhiều đồng nghiệp làm việc đến kiệt sức, không có thời gian để ngủ, nghĩ mà thương họ lắm" - bác sĩ Minh xúc động nói.
Tuy không nhắc về bản thân nhưng theo các y-bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức 2, kể từ khi nhận nhiệm vụ, hầu như bác sĩ Minh không ngủ. "Lúc nào anh cũng lao vào công việc, nhìn anh sụt gần chục kg mà chúng tôi không khỏi thương và cảm phục" - nhiều nhân viên của bác sĩ Minh đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi ông bỏ lửng câu chuyện để thăm khám cho một bệnh nhân chuyển nặng.
Trở lại câu chuyện sau 30 phút gián đoạn, nhắc đến những sự việc đáng nhớ nhất của bản thân kể từ khi nhận nhiệm vụ, bác sĩ Minh nói đó không đâu khác ngoài việc giành lại mạng sống của bệnh nhân. "Mỗi lần cứu được bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi, là mỗi lần vỡ òa hạnh phúc" - bác sĩ Minh bày tỏ.
Trở thành F0 vẫn mơ đang xông pha
Gặp chúng tôi khi vừa trải qua 13 ngày cách ly do mắc Covid-19, câu đầu tiên chị Võ Lê Thùy Diễm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 12, quận Tân Bình, TP HCM thốt ra: Tôi nhớ "trận địa" lắm rồi!
Sợ vợ chưa khỏe hẳn, anh Trần Hoàng Long (chồng chị Thùy Diễm) vội xen vào câu chuyện. Anh Long nói sau 2 tháng xông pha giao thực phẩm, phân phát quà cho người dân bị phong tỏa, cách ly y tế, nhất là những gia đình có F0 trên địa bàn phường thì vợ chồng anh chẳng may bị mắc Covid-19. "Đến nay chúng tôi đã âm tính rồi. Khi nào hết cách ly, hai vợ chồng sẽ tiếp tục đi phát quà. Chúng tôi hứa với nhau như vậy" - anh Long nói.
Theo lời kể của anh, anh và chị làm khác cơ quan nhưng ngay từ những ngày đầu tháng 6, lẽ ra anh làm việc online tại nhà thì anh đã mang laptop vào cơ quan của vợ cùng cắm chốt, ăn cơm hộp, để góp thêm chút sức hỗ trợ đơn vị của vợ đưa thực phẩm đến tay người dân nhanh nhất. "Công việc giao thực phẩm, phát quà cuốn hút tôi lúc nào không hay, để đến bây giờ dù đang "dưỡng bệnh" nhưng không ít lần nằm mơ thấy mình đang chia quà và chạy trên đường để kịp trao đến bà con" - anh Long cho biết.
Chị Diễm kể ban đầu, khi thấy chị thường đi sớm về trễ, anh Long than phiền "sao công việc của em vất vả quá". Một hôm, anh chở chị đến cơ quan, thấy chị và mọi người chưa kịp ăn bữa sáng đã xắn tay tất bật chia gạo, rau củ, rồi chất đầy xe máy chở đến các hộ dân. Thương vợ, anh xắn tay vào phụ. Được 1 vài hôm, anh quyết định ôm laptop vào cơ quan vợ, khi có việc thì giải quyết nhanh, thời gian còn lại phụ mọi người chia rau củ, gạo, tiếp tế cho bà con trong khu cách ly, khu nhà trọ.
Không chỉ nhiệt tình khuân vác, tiếp tế lương thực cho bà con, vợ chồng chị Diễm, anh Long còn kêu gọi bạn bè hỗ trợ 1 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn trên địa bàn phường 12. Ngoài ra, để nhà hảo tâm không "bỏ đi", chị Diễm còn thực hiện phương châm cắm chốt để nhà hảo tâm đến trao quà lúc nào là có người của MTTQ phường lúc đó. "Cắt cử người cắm chốt còn có thêm cái lợi là có hàng lúc nào là bốc vác lúc đó và chia ngay ra thành nhiều phần để kịp giao, tặng "nóng hổi" đến bà con" - chị Diễm nói. Chị cho hay mọi mệt mỏi của anh em trong cơ quan đều tan biến khi tận mắt chứng kiến nụ cười, lời cảm ơn của người dân lúc nhận thực phẩm và quà.
Chỉ một người "ra trận" xác suất nhiễm bệnh đã cao, đằng này đến 2 người, anh chị không sợ hay sao, chúng tôi hỏi. Vẫn còn ho, chị Diễm khẳng định với chị đó là trách nhiệm của một cán bộ mặt trận, với chồng chị đó là trách nhiệm của công dân khi đất nước cần. "Vì lẽ đó, khi mắc bệnh, chúng tôi vui vẻ đón nhận và tin rằng mình còn trẻ, cộng với việc đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 rồi nên mọi việc sẽ ổn" - nữ chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 12, quận Tân Bình nói nhẹ tênh. Với chị, nhìn những gia đình mắc Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà có đầy đủ thực phẩm bồi bổ sức khỏe để sớm hồi phục là vui rồi!
"Nhìn cảnh cha mẹ chia lìa con nhỏ, anh em đau đớn, chỉ biết ôm mặt khóc. Những lúc như thế, tôi chỉ biết ôm đàn guitar cùng anh em hát những bài ca yêu nước để động viên nhau vượt qua".
Bác sĩ KIỀU NGỌC MINH - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2
Ông tổ trưởng… không tuổi!
Đến khu phố 2, phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TP HCM) hỏi ông Vũ Hữu Giáp, gần như ai cũng kể vanh vách về ông. Bởi ngay từ năm 2008, ông được giới thiệu làm tổ trưởng khu phố 2 và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ phường Tam Bình. Với thâm niên 13 năm cống hiến cho địa phương lại là người bản địa nên ông Giáp rất được lòng người dân.
Khi được địa phương kêu gọi, với cương vị là tổ trưởng khu phố 2, ông Giáp đã tham gia Tổ Covid-19 cộng đồng và là thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường Tam Bình. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Giáp không ngần ngại xông pha vào các khu vực đang bùng phát dịch bệnh để hỗ trợ người dân. Nhìn "người chiến binh già" ngày đêm cùng tổ tình nguyện viên mang vác các túi quà an sinh xã hội, hàng thiết yếu đến cho người dân đang gặp khó khăn ở "vùng xanh", "vùng đỏ"… mọi người ai cũng cảm phục và đặt cho ông biệt danh "ông tổ trưởng không tuổi".
Ông Giáp còn là thành viên nòng cốt vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê phòng cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Khẩu hiệu "dân khó đã có chúng tôi" hay phương châm "mỗi xã, phường là 1 pháo đài", "mỗi người dân là 1 chiến sĩ" trong công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn thôi thúc tôi tham gia thực hiện tốt công tác chống dịch ở địa phương" - ông Giáp nói.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phut-trai-long-giua-vong-vay-f0-20210917212847833.htm