Phút vắng mặt bí ẩn của TT Trump trước vụ ám sát tư lệnh Iran
Các quan chức Mỹ lý giải việc không kích dẫn tới cái chết của Qassem Soleimani là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, nhưng không thể đưa ra bằng chứng cụ thể.
Ngay trước 17h ngày 2/1, Tổng thống Trump đang có những cuộc thảo luận hết sức nghiêm túc với các cố vấn về chiến dịch tái tranh cử tại khu biệt thự Mar-a-Lago ở Florida. Thình lình, ông Trump được đề nghị tham dự một cuộc họp khác. Một thời gian sau đó, ông chủ Nhà Trắng quay lại với các trợ lý, không đề cập gì tới lý do rời đi và quay trở lại hết sức bất thường.
Quyết định về chính sách đối ngoại gây tranh cãi nhấtTheo một số người nắm được thông tin, trong vài phút rời đi đó, Tổng thống Trump đã đưa ra một trong những quyết định về chính sách đối ngoại gây tranh cãi nhất trong toàn bộ nhiệm kỳ 4 năm, cho phép máy bay không người lái cách Florida nửa vòng Trái Đất khai hỏa, tiêu diệt Qassem Soleimani, một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Washington, đồng thời đẩy nước Mỹ tới bờ vực chiến tranh với Iran có thể làm thay đổi cục diện Trung Đông.
Chiến dịch quân sự dẫn tới cái chết của Tư lệnh Qassem Soleimani, lãnh đạo cơ quan an ninh và tình báo Iran, không giống như cái cách Mỹ tiêu diệt Osama Bin Laden hay Abu Bakr al-Baghdadi, những trùm khủng bố nằm trong danh sách truy tìm gắt gao suốt nhiều năm. Soleimani không bị săn đuổi. Là một quan chức cấp cao của Iran, Soleimani thường xuyên xuất hiện trước công chúng và không che giấu tung tích của mình. Vì thế, việc thủ tiêu Soleimani chỉ nằm ở quyết định có hay không khai hỏa của tổng thống Mỹ mà thôi.
Trong suốt 16 năm, cả George W. Bush và Barack Obama đều bác bỏ khả năng ám sát Soleimani. Chính quyền Bush con từng có cơ hội rõ ràng nhưng quyết định không động đến vị tư lệnh Iran trong thời khắc quyết định. Trong khi đó, ông Obama chưa từng có ý định săn đuổi người đứng đầu lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran suốt nhiệm kỳ tổng thống 8 năm.
Cả Bush và Obama đều có lý do cho quyết định của mình, cho rằng việc sát hại một trong những tướng lĩnh quyền uy nhất của Iran sẽ chỉ tạo ra nguy cơ về một cuộc chiến tranh lan rộng với Tehran, gây liên lụy tới các đồng minh ở Trung Đông và châu Âu, đồng thời làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, vốn đã khiến Washington tốn quá nhiều sinh mạng và tiền bạc trong gần 20 năm qua.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump quyết định chấp nhận rủi ro, ra tay răn đe Tehran sau nhiều tháng kiềm chế trước những hành động mà phương Tây cáo buộc là sự khiêu khích của Iran. "Ông ta đáng lẽ nên bị tiêu diệt từ nhiều năm trước", Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân hôm 3/1, sau khi vụ không kích được tiến hành.
Sau vụ không kích hôm 3/1, lãnh đạo Iran nhanh chóng đe dọa trả đũa. Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi trả đũa và ra lệnh ba ngày quốc tang. Người Iran và đồng minh của Iran tại khu vực đã tổ chức mít tinh để tưởng nhớ tư lệnh Iran vừa thiệt mạng. Ông Khamenei đe dọa “sự trả đũa mạnh mẽ chờ đón những kẻ tội phạm tay nhuốm máu của ông Soleimani và của những người tử vì đạo”.
Các chuyên gia nhận định Vệ binh Cách mạng Iran sẽ sớm đưa ra những phương án trả đũa sau khi đám tang của Soleimani được hoàn tất. Mục tiêu tiềm tàng trước đòn trả đũa của Tehran là các cơ sở quân sự, kinh tế trên lãnh thổ các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia. Đây là bước thi hoàn toàn khả thi, khi Iran sở hữu kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung với tầm bắn bao trùm gần như toàn bộ Trung Đông.
Ngăn chặn những cuộc tấn công từ Iran?
Câu hỏi hiện nay là tại sao Nhà Trắng quyết định ám sát Soleimani vào lúc này. "Ông ta đã sát hại người Mỹ ở Iraq từ năm 2003. Tôi là một trong các nạn nhân của những vụ tấn công ở Taji năm 2011. Bọn họ nã rocket 240mm vào chúng tôi. Chẳng có gì là bất ngờ bởi ông ta có liên quan tới những vụ giết người Mỹ", Jon Soltz, một cựu binh Mỹ tham chiến ở Iraq, nhận xét.
"Nhưng câu hỏi là có gì khác biệt trong cuộc tấn công này. Trách nhiệm thuộc về ông Trump phải chứng minh được có sự khác biệt, nếu không thì vụ không kích cũng chẳng khác gì việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt", Soltz nói.
Các trợ lý cho biết Tổng thống Trump tức giận sau khi lực lượng phiến quân thân Iran bắn rocket sát hại một nhà thầu tư nhân người Mỹ. Cơn tức giận càng sôi sục khi truyền hình Mỹ chiếu hình ảnh đám đông người biểu tình ủng hộ Iran xông vào đốt phá đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khẳng định quyết định tấn công Tư lệnh Soleimani là kết quả của quá trình lâu dài khi Iran đe dọa tới các đại sứ quán, lãnh sự quán và nhân viên Mỹ ở Iraq, Syria và Lebanon. Một quan chức Mỹ cho biết ông Soleimani vừa rời thủ đô Damascus của Syria sau khi lên kế hoạch về một cuộc tấn công, có thể đe dọa mạng sống của hàng trăm người.
"Sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng tôi không có phản ứng. Mối đe dọa từ việc không hành động đã vượt quá nguy cơ có thể xảy ra nếu hành động", tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tuyên bố hôm 3/1.
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ đưa ra những chi tiết rất ít ỏi và chỉ giải thích chung chung về sự khác nhau giữa những đe dọa tiềm năng được nhắc đến với những cuộc phóng tên lửa, đánh bom khủng bố hay tấn công thông thường mà lực lượng Quds dưới quyền Soleimani vẫn làm trong nhiều năm qua.
"Quy mô, mức độ và phạm vi", tướng Milley trả lời báo giới mà không giải thích gì thêm về những cuộc tấn công mà Lầu Năm Góc cáo buộc Soleimani đang lên kế hoạch.
Vụ không kích dẫn tới cái chết của Soleimani diễn ra ở thời điểm nhạy cảm khi Tổng thống Trump chuẩn bị đối diện phiên tòa của Thượng viện, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua bản luận tội ông chủ Nhà Trắng. Trong khi các cố vấn của ông Trump liên tục khẳng định vấn đề chính trị nội bộ không liên quan tới vụ không kích ngày 3/1, quyết định ám sát nhân vật quyền lực thứ 2 trong chính quyền Iran làm dấy lên những nghi ngờ khó chối bỏ về lý do thật sự đằng sau hành động có thể đẩy nước Mỹ tới cuộc chiến tranh toàn diện với Iran.