Pỉ Tâm vượt khó làm giàu

Với quyết tâm sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê nhà, những năm qua, Pỉ Tâm (Hồ Thị Thư), người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ chịu thương, chịu khó, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình chị ngày càng đi lên.

 Pỉ Tâm chăm sóc diện tích cà gai leo - Ảnh: M.L

Pỉ Tâm chăm sóc diện tích cà gai leo - Ảnh: M.L

Những năm đầu khi mới lập gia đình, vợ chồng Pỉ Tâm gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản duy nhất của họ lúc đó chẳng có gì ngoài căn nhà sàn dột nát, vài sào đất nương rẫy bạc màu trồng lúa, sắn. Quần quật làm lụng quanh năm suốt tháng nhưng vợ chồng chị vẫn không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Xác định nếu cứ canh tác lạc hậu, cam chịu cảnh “giật gấu vá vai” qua ngày như thế này mãi thì cả đời cũng không khá lên được, rồi lấy gì để cho con ăn học, chị bàn với chồng phải chịu khó tìm đến những mô hình vượt khó làm ăn khá, giỏi trong vùng mà học hỏi, làm theo người ta.

Nhận thấy đất đai vùng Lìa phù hợp trồng cao su, sắn, nhiều hộ đã thoát nghèo, khấm khá nhờ những loại cây này, vợ chồng chị thường xuyên dành thời gian đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Được Hội LHPN xã Thanh quan tâm động viên, đứng ra tín chấp, chị quyết định vay vốn, chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả và khai hoang thêm để trồng 1,5 ha cao su, gần 1 ha sắn. Để lấy ngắn nuôi dài, chị nuôi thêm bò, lợn, gà, cá.

Thời gian đầu khi mới chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên cây trồng, vật nuôi của gia đình chị thường xuyên bị bệnh, phát triển chậm. Không nản lòng, Pỉ Tâm tìm đến cán bộ nông nghiệp xã, những người có mô hình kinh tế hiệu quả để nhờ hướng dẫn. Chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống các bệnh thường gặp đối với cây trồng, vật nuôi do hội phụ nữ, hội nông dân xã và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa phối hợp tổ chức. Nhờ vậy, các loại cây trồng và vật nuôi của gia đình chị ngày càng được chăm sóc tốt hơn, hạn chế được dịch bệnh và phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Pỉ Tâm cho biết, chỉ sau một vài mùa sắn, gia đình chị đã có tiền trả nợ và trang trải chi phí sinh hoạt. Rồi khi cao su đưa vào khai thác, gia đình chị chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Cách đây 2 năm, một số hộ dân ở vùng Lìa trồng thử nghiệm cà gai leo mang lại hiệu quả khá cao, Pỉ Tâm mạnh dạn khai hoang thêm 5 sào đất để trồng loại cây dược liệu này. Nhờ đó, bình quân mỗi năm gia đình chị có khoản thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Kinh tế ổn định, vợ chồng chị dành dụm sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, đầu tư cho con cái học tốt hơn.

Pỉ Tâm chia sẻ: “Mình có sức khỏe, có đất đai thì phải chịu khó tìm tòi, học hỏi mà làm ăn; cái gì chưa biết, chưa giỏi thì tìm cán bộ và những người đã làm thành công mà hỏi chứ không thể cứ cam chịu nghèo khó mãi được. Vợ chồng tôi cũng đã trải qua nhiều thất bại, được nhiều người tận tình bày vẽ mới có được cuộc sống ổn định như bây giờ”.

Không chỉ có tinh thần vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, Pỉ Tâm còn là một hội viên phụ nữ năng động, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, thôn, xóm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia có hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua. Đặc biệt, từ hành trình vượt khó của mình, chị luôn quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, vận động chị em thực hành tiết kiệm để thoát nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Hồ Thị Tê cho biết: “Những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” lan tỏa sâu rộng trên địa bàn xã. Nhiều hội viên phụ nữ khắc phục khó khăn, nỗ lực tham gia lao động sản xuất, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tiêu biểu như Pỉ Tâm, từ một phụ nữ nghèo, chị đã mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, trở thành hộ khá ở xã. Thoát nghèo thành công, chị mang chính câu chuyện của mình để khích lệ, động viên những chị em có hoàn cảnh khó khăn khác cùng nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163213&title=pi-tam-vuot-kho-lam-giau