Pierre Carter - người đàn ông đi vào lịch sử khi nhảy dù khỏi đỉnh Everest
Vào tháng 5/2022, Pierre Carter đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên được chính phủ Nepal cấp giấy phép bay lên 'nóc nhà thế giới' Everest.
Chinh phục ‘nóc nhà thế giới’
Nhiều nhà leo núi sẽ nói rằng leo xuống đỉnh Everest còn khó hơn leo lên.
Nhưng Pierre Carter, một nhà leo núi người Nam Phi đã nghĩ ra một con đường giải quyết ngoạn mục, bất chấp tử thần: treo lơ lửng trên đường trở lại mặt đất.
Vào tháng 5/2022, Carter đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên được chính phủ Nepal cấp giấy phép bay lên đỉnh núi Everest. Trong khi một số nhà leo núi táo bạo đã hoàn thành những nỗ lực trước đó, thì về mặt kỹ thuật, hành trình của họ đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên không một ai bị phạt hay truy tố.
Hành trình chinh phục đỉnh Everest của Carter là một chặng đường dài. Là một người đam mê leo núi, anh thích chơi dù lượn nhưng đã phải đợi thiết bị này ngày càng rẻ hơn và nhẹ hơn trước khi anh có thể mang chúng lên núi cùng mình.
Người đàn ông gốc Johannesburg 55 tuổi đã không có bất cứ nhà tài trợ doanh nghiệp hoặc người hỗ trợ tài chính nào. Anh đã tự thân kiếm tiền để theo đuổi đam mê leo núi và lượn dù của mình thông qua các công việc theo hợp đồng.
Khi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc chinh phục đỉnh Everest, Carter quyết định hợp tác với Asian Trekking, một công ty được đánh giá cao và đã hoạt động cùng đỉnh núi Everest trong suốt 40 năm.
Giám đốc điều hành của Asian Trekking, ông Dawa Steven Sherpa, là một người Nepal bản địa, đồng thời là một người có sở thích bay dù lượn. Nhưng ông đã nói với Carter rằng, việc xin giấy phép bay lên đỉnh núi cao nhất thế giới sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi Carter chuẩn bị cho chuyến đi Nepal vào mùa xuân năm 2022, anh đã nghĩ rằng bản thân nếu thử thách một chút thì cũng đâu có sao.
“Có điều gì đó đã thay đổi trong hệ thống chính trị Nepal. Tôi không chắc chắn chính xác là điều gì. Nhưng một bộ trưởng, người rõ ràng đang ngăn chặn những người chinh phục ‘nóc nhà thế giới’ đã rời đi và một bộ trưởng khác sẽ đến. Và khi Dawa đột nhiên gửi cho tôi một tin nhắn rằng, ‘Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ xin được giấy phép. Đã có một bộ trưởng mới’, tôi tin rằng cơ hội đã đến”, Carter nhớ lại.
Giấy phép đã được cấp đúng thời điểm. Carter khi đó đang ở Nepal để di cư khi giấy phép được xác nhận.
Các điều kiện của giấy phép đề cập rằng, Carter không thể cất cánh từ đỉnh Everest. Thay vào đó, tài liệu chỉ rõ rằng Carter có thể khởi hành từ độ cao không quá 8.000 mét, vì vậy anh đã chọn cất cánh từ South Col.
Ban đầu, Carter dự định lên đỉnh Everest, sau đó quay lại South Col và cất cánh từ đó. Nhưng anh đã bị say độ cao ở trại hai và trì hoãn hành trình ở đó vài ngày. Khi đồng hồ tích tắc trôi đi, anh nghĩ đã đến lúc phải đưa ra quyết định - đi lên đỉnh của thế giới, hoặc nhảy dù xuống.
Như Carter nói, thực sự thời điểm đó không có sự lựa chọn. Và cuối cùng, điều kiện thời tiết đã đủ hoàn hảo để cất cánh.
Carter giải thích: “Khi bạn đang bay ở độ cao nào đó, đó không phải là thời tiết nơi bạn đang ở. Đó là thời tiết nơi bạn đang bay, thời tiết ở lưng chừng núi và thời tiết nơi bạn sắp hạ cánh”. Carter đã khởi hành từ South Col vào trưa ngày 15/5 cùng với một chiếc máy ảnh 360 độ.
Khát vọng 7 ngọn núi
Tổng cộng, Carter đã mất hơn 7 tuần để đến Nepal và leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng anh lại chỉ mất 20 phút để đáp xuống mặt đất.
Do tốc độ khi bay dù lượn rất cao, Carter và Sherpa đã phải làm việc trước để tìm ra con đường tốt nhất có thể bay xuống. Mặc dù anh đã từng có ý tưởng hạ cánh xuống Everest Base Camp, nhưng Carter đã nhanh chóng từ bỏ ý định đó khi nhận ra mình có thể dễ dàng bị gãy chân hoặc trật mắt cá chân nếu gió quá mạnh.
Cuối cùng, họ đã lựa chọn một con đường cho Carter hạ cánh xuống. Đó chính là ngôi làng Gorak Shep, cách Everest Base Camp khoảng 7 km.
Một hướng dẫn viên do Sherpa cử đến đã gặp anh ở đó để hỗ trợ Carter quay trở lại trại bằng đôi giày đi bộ đường dài thông thường, thay vì đôi ủng đi tuyết mà anh đã lướt xuống. Không có bữa tiệc ăn mừng hay bất cứ ai chào đón, chỉ có Carter, người tự cho mình là một chàng trai bình thường với những sở thích đắt tiền, tự chào đón bản thân.
Mục tiêu của Carter là leo lên và nhảy dù xuống tất cả 7 ngọn núi cao nhất thế giới.
Với hành trình chinh phục thành công đỉnh Everest, Carter hiện đã leo lên 6 trong số 7 ngọn núi - chỉ còn lại Núi Vinson, còn được gọi là Khối núi Vinson ở Nam Cực. Tuy nhiên, anh có thể sẽ không chinh phục được tất cả. Alaska đã từ chối cấp giấy phép cho Carter.
Tuy nhiên, Carter nhận thức được rằng việc anh bay dù lượn khỏi ngọn núi cao nhất thế giới không chỉ là một điểm nhấn trong riêng cuộc đời mình. Du lịch Everest là một ngành mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Nepal, và các chính phủ trước đây đã phải vật lộn để tìm ra các nguồn thu khác không khai thác từ ngọn núi.
Carter và Sherpa tin rằng những trải nghiệm “leo và bay” giống như của Carter có thể sẽ trở thành xu hướng du lịch lớn tiếp theo trên Everest. Do đó, nhà leo núi Nam Phi này cảm thấy có nghĩa vụ phải thực hiện cú bay của mình một cách an toàn và có trách nhiệm nhất có thể.
Ông nói: “Tiền lệ đã được thiết lập. Tôi nghĩ rằng chúng ta sau này sẽ thấy rất nhiều người bay lượn trên đỉnh Everest”.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Nepal thay đổi hướng dẫn và cho phép mọi người nhảy dù từ trên đỉnh núi? “Tôi nhất định sẽ quay trở lại”, Carter thừa nhận.