Pin mặt trời sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện hóa các mục tiêu chung về chuyển đổi xanh

Sáng 4/12, nằm trong chuỗi Tọa đàm 'Khoa học vì Cuộc sống' ('Science for Life' Symposia) thuộc khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, tọa đàm 'Vật liệu cho tương lai bền vững' với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chia sẻ về những nghiên cứu và ứng dụng vật liệu bền vững vào thực tiễn và được coi là giải pháp quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ, con người đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống liên quan đến phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo công nghệ. Khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng và không chỉ tạo nền tảng cho ngành khoa học công nghệ, mà còn tìm ra giải pháp bền vững trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

“Với những chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu thế giới về những nghiên cứu tiên phong và đổi mới mang tính đột phá, tọa đàm không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật mà còn là nơi khởi nguồn hình thành ý tưởng, giải pháp, tiềm năng định hình tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân chia sẻ.

Trong phát triển vật liệu và năng lượng xanh, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện ngày càng trở thành trụ cột trong việc giải quyết khủng hoảng năng lượng toàn cầu và giảm lượng khí thải carbon. Trong đó, vật liệu cho pin mặt trời đóng một vai trò then chốt.

Pin mặt trời, sử dụng các vật liệu tiên tiến như silicon, perovskite và vật liệu hai chiều, đang giúp tăng cường hiệu suất chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng, đồng thời giảm chi phí sản xuất. Những tiến bộ này không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của năng lượng sạch mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới cho pin mặt trời và các ứng dụng bền vững là một yếu tố cốt lõi trong việc mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân nhấn mạnh, những nghiên cứu mới nhất về phát triển vật liệu mới cho pin mặt trời không chỉ là thách thức về mặt kỹ thuật mà gắn bó mật thiết với phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Vì thế, ông tin tưởng tọa đàm sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam có thêm những kiến thức, hiểu biết và truyền cảm hứng cho hoạt động hợp tác và chung tay về vấn đề này. Ông cũng ghi nhận hoạt động nổi bật của Quỹ VinFuture trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện hóa các mục tiêu chung về chuyển đổi xanh.

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS, Giám đốc Nghiên cứu tại Khoa Vật lý, Đại học Cambridge (Vương quốc Anh).

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS, Giám đốc Nghiên cứu tại Khoa Vật lý, Đại học Cambridge (Vương quốc Anh).

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS, Giám đốc Nghiên cứu tại Khoa Vật lý, Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) - một trong những nhà vật lý có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới chia sẻ, mỗi năm chúng ta xả thải hàng tấn C02, do đó, cần phải phát triển một lượng năng lượng tái tạo vô cùng lớn và liên quan vật liệu, tập trung vào pin mặt trời.

Cũng theo Giáo sư Sir Richard Henry Friend, giờ đây, với sự thay đổi của công nghệ, giá thành của pin mặt trời đã có giá thành hợp lý và đang là công cụ cần thiết để con người đạt được nền kinh tế Net Zero.

Giáo sư Martin Andrew Green, Giáo sư Khoa học và Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại Đại học New South Wales (Australia). Nhóm nghiên cứu của ông giữ kỷ lục về hiệu suất pin mặt trời silicon trong suốt 3 trên 4 thập kỷ qua, được mô tả là một trong “10 cột mốc quan trọng nhất” trong lịch sử phát triển của công nghệ quang điện mặt trời.

Các loại pin mặt trời PERC và TOPCon do ông phát minh vào những năm 1980 và được đội ngũ của ông tiên phong triển khai hiện chiếm hơn 90% tổng sản lượng mô-đun năng lượng mặt trời silicon được sản xuất trên toàn thế giới. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, bao gồm Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ 2022, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2023 và Giải thưởng Chính VinFuture 2023.

Giáo sư Martin Andrew Green, Giáo sư Khoa học và Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại Đại học New South Wales (Australia).

Giáo sư Martin Andrew Green, Giáo sư Khoa học và Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại Đại học New South Wales (Australia).

Bàn về “Hướng đi tương lai của silicon trong sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời”, Giáo sư Martin Andrew Green nhấn mạnh, công nghệ silicon sẽ là vật liệu tương lai bền vững, sử dụng nhiều trong pin mặt trời, giúp giảm giá thành vật liệu này trong thời gian vừa qua và tới đây.

Chia sẻ một góc nhìn về việc để phát triển năng lượng mặt trời, việc tích hợp vật liệu rất quan trọng, Giáo sư Marina Freitag, Giáo sư về Năng lượng và là Nhà nghiên cứu của Hội nghiên cứu Hoàng gia tại Đại học Newcastle (Vương quốc Anh) cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đẩy nhanh quá trình xác định vật liệu thân thiện với môi trường, hiệu suất cao. Các mô hình học máy dự đoán các đặc tính của vật liệu và tối ưu hóa hiệu năng và độ ổn định của vật liệu; giảm thời gian và nguồn lực trong quá trình R&D, ưu tiên sử dụng các vật liệu bền vững.

Tại tọa đàm, Giáo sư cũng chia sẻ về cuộc cách mạng cho pin mặt trời chất màu nhạy quang (DSSC), đạt được hiệu suất kỷ lục trong điều kiện ánh sáng môi trường xung quanh, và giới thiệu những khái niệm mới như "tế bào quang điện zombie" dựa trên các phức hợp đồng phenanthroline.

Còn theo Giáo sư Seth Marder, Giám đốc Viện Năng lượng tái tạo và bền vững, một tổ chức liên kết giữa Đại học Colorado-Boulder (CU-Boulder) và NREL (Mỹ) chia sẻ với các nhà khoa học Việt nam về vật liệu polymer.

Giáo sư Seth Marder, Giám đốc Viện Năng lượng Tái tạo và Bền vững, một tổ chức liên kết giữa Đại học Colorado-Boulder (CU-Boulder) và NREL (Mỹ).

Giáo sư Seth Marder, Giám đốc Viện Năng lượng Tái tạo và Bền vững, một tổ chức liên kết giữa Đại học Colorado-Boulder (CU-Boulder) và NREL (Mỹ).

Ông nhấn mạnh, nhựa đang và vẫn sẽ là loại vật liệu xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới và chúng ta cần loại polyme có hiệu suất cao để phục vụ mục đích chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Do đó, chúng ta cần tận dụng tối đa tính tuần hoàn làm tiêu chí thiết kế và chúng ta có thể cải thiện đáng kể thiết kế polyme để phục vụ tính tuần hoàn mà vẫn bảo toàn hiệu suất trong nhiều trường hợp. “Chúng ta cần thay đổi cả công nghệ lẫn hành vi để giải quyết thách thức và đón nhận cơ hội mà nhu cầu sử dụng polyme của chúng ta đem đến”, Giáo sư Seth Marder nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học cũng thảo luận về vật liệu bền vững, vật liệu tái tạo và đặc biệt là vai trò của AI trong việc sàng lọc vật liệu đáp ứng ngay từ yêu cầu ban đầu.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn hướng dẫn các em sinh viên tại trường ứng dụng AI trong nghiên cứu vật liệu, Giáo sư Martin Andrew Green cho biết, AI giúp các sinh viên giảm thời gian trong quá trình mô phỏng, từ đó đưa ra khuyến nghị định hướng nghiên cứu và tiết kiệm nhiều thời gian tìm kiếm vật liệu khác nhau. "AI sẽ tạo ra đường tắt trong nghiên cứu của chúng ta", Giáo sư Martin Andrew Green bày tỏ.

THẢO LÊ - THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pin-mat-troi-se-thuc-day-tien-trinh-thuc-hien-hoa-cac-muc-tieu-chung-ve-chuyen-doi-xanh-post848405.html